- Đều đặn mỗi năm, vị bác sĩ dành hơn 1 tháng để đi mổ từ thiện khắp cả nước, giúp hàng trăm con người thay đổi số phận.
GS.TS Trần Thiết Sơn - Trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn ở ngoài trẻ trung hơn nhiều so với tuổi 56 khi luôn vận quần jean, áo sơ mi. Anh bảo nhiều người hỏi tuổi, anh đều khai mới 47 nhưng ai cũng tin.
Làm từ thiện miễn phí
Nói đến từ thiện, người ta sẽ nghĩ đến từ thiện cơm, áo, gạo, tiền... ít ai nghĩ đến chuyện không có tiền vẫn làm từ thiện. Nhưng câu chuyện này đúng với trường hợp GS.TS Trần Thiết Sơn.
Gần 20 năm nay, với đôi tay vàng trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, GS Sơn đã rong ruổi cùng các đoàn từ thiện khắp cả nước, thực hiện hàng trăm ước nguyện thay đổi cuộc đời cho những người nghèo không dám mơ đến bệnh viện.
GS.TS Trần Thiết Sơn trong một chuyến mổ từ thiện tại vùng cao |
GS Sơn kể giai đoạn đầu, anh đi khắp Tây Nguyên, phẫu thuật cho hàng trăm bệnh nhân bị dị tật do chất độc màu da cam. Từ giữa năm 2011 đến nay, anh tiếp tục tham gia vào tổ chức từ thiện của Hà Lan, đều đặn mỗi năm 4-5 đợt, mỗi đợt 1 tuần đi khắp các tỉnh miền núi, miền Trung để mổ cho các bệnh nhân bị hở hàm ếch, dị tật bẩm sinh đường sinh dục, di chứng chiến tranh, di chứng bỏng...
Có những kỹ thuật không quá khó nhưng bệnh nhân nghèo không thể tiếp cận, phần do không có điều kiện, phần do y tế cơ sở không thể thực hiện. Với tay nghề sẵn có, GS Sơn bảo đam mê và trách nhiệm nghề nghiệp thôi thúc khiến anh không thể không đi. Trước mỗi chuyến đi, vị giáo sư đều háo hức chuẩn bị đồ nghề từ nhiều ngày trước khi khởi hành.
"Cái hạnh phúc nhất của những người bác sĩ như tôi là được chứng kiến giây phút bệnh nhân ngỡ ngàng, vỡ òa trong hạnh phúc khi thấy diện mạo mới của mình trong gương, thấy các ngón tay bó chặt như nắm xôi lại có thể tách rời cầm nắm được...", GS Sơn chia sẻ.
Anh bảo nếu ai hỏi phẫu thuật từ thiện được bao nhiêu ca, anh sẽ không nhớ nhưng sẽ nhớ như in những ca đặc biệt. Thậm chí còn trở đi trở lại nhiều lần để xem cuộc sống của bệnh nhân ra sao.
Ca mổ tách tay cho bệnh nhân Hoàng Văn Thống |
GS Sơn kể câu chuyện về một phụ nữ ngoài 30 tuổi ở Hà Giang bị chồng tạt axit khiến da cổ và ngực dính liền không thể nhúc nhích. Vừa mang đau đớn, chị này vừa bị chồng hắt hủi xa lánh khiến chị nhiều lần định tìm đến cái chết. May mắn, chị gặp được GS Sơn trong một ca mổ đặc biệt kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.
"Khi trở lại, tôi ngạc nhiên khi biết sau phẫu thuật chị đã có cùng lúc 3 anh người yêu và hiện đã lấy chồng mới.", GS Sơn cười tươi khoe.
Hay như trường hợp bệnh nhân Hoàng Văn Thống (27 tuổi, Pắc Nậm, Bắc Kạn) bị di chứng bỏng lửa từ khi 2 tuổi khiến các ngón tay dính chặt, cuộn tròn lại như cục thịt. Sau phẫu thuật tách, ghép, chàng trai 27 tuổi vỡ òa sung sướng khi tìm lại được cảm giác cầm nắm sau 25 năm bất lực. Nghẹn ngào cảm kích, mẹ bệnh nhân đã viết một bức thư dài để cảm ơn GS Sơn. Hiện bức thư ấy vẫn được ghim trang trọng trên bảng tin của khoa Phẫu thuật tạo hình.
Trường hợp khác là một sơn nữ ở Sơn La bị cam mã tẩu "ăn" hết cả mũi, một bên hàm, vết thương bốc mùi khiến cô bị hắt hủi, phải sống một mình trong căn nhà tuềnh toàng giữa rừng. Tức tốc, GS Sơn đưa bệnh nhân về Hà Nội chữa trị với sự tham gia 2 ekip hàng đầu. Trải qua 2 lần tái tạo, ghép da, cô gái người dân tộc đã tìm lại được nụ cười, trở lại hòa nhâp cộng đồng với gương mặt mới.
GS Sơn cho biết, hành trình từ thiện của anh không chỉ mổ xong rồi đi. Mà ở đó ngoài phẫu thuật cho bệnh nhân sẽ đào tạo luôn cho đội ngũ y bác sĩ tại cơ sở, sau đó ekip sẽ trở đi trở lại nhiều lần để thăm khám lại cho bệnh nhân. Đó là điều anh trân quý và muốn gắn bó mãi với công việc thiện nguyện này.
Cú rẽ ngang định mệnh
GS.TS Trần Thiết Sơn sinh ra trong cái nôi truyền thống khi cả gia đình làm ngành y. Ít ai biết, trước khi trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình nổi tiếng, GS Sơn từng là bác sĩ nội trú ngành dị ứng. Sau khi "hành nghề" và giảng dạy 3 năm tại ĐH Y, anh cùng một số ít học trò được GS.TS Nguyễn Huy Phan - người thầy của ngành phẫu thuật tạo hình Việt Nam lựa chọn để đạo tạo khóa đầu tiên.
"Sau một lúc đắn đo, tôi nhận lời thầy ngay dù khái niệm về vi phẫu, phẫu thuật tạo hình khi đó còn vô cùng mới mẻ tại Việt Nam", GS Sơn kể.
Vị giáo sư luôn trẻ trung với quần jean, áo sơ mi đang lật mở tìm hồ sơ bệnh nhân |
Được thầy tin tưởng, bác sĩ trẻ Thiết Sơn lao vào nghiên cứu, học tập, trở thành một trong những giáo viên đầu tiên của bộ môn phẫu thuật tạo hình tại Việt Nam vào năm 1991. Sau đó anh là một trong những người hiếm hoi được cử sang Pháp theo học nội trú và là người duy nhất học ngành phẫu thuật tạo hình khi đó.
Đến nay, sau hơn 20 năm tự mày mò nghiên cứu, anh đã là chủ nhân của hàng loạt kỹ thuật cao mà Việt Nam là nước đầu tiên thực hiện được hoặc rất ít nước trên thế giới áp dụng như kỹ thuật giãn da, kỹ thuật phẫu thuật vú phì đại, kỹ thuật vi phẫu tích - phẫu thuật dưới kính hiển vi, kỹ thuật tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng...
Chụp ảnh lưu giữ hồ sơ cho bé gái 1 tuổi, dù 4 năm nữa mới đến ca phẫu thuật |
Sắp tới, đích thân một đoàn chuyên gia Hoa Kỳ sẽ sang học hỏi kỹ thuật vi phẫu tích và kỹ thuật tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng của GS Sơn.
GS chia sẻ, để có được những nghiên cứu của riêng mình, có khi anh phải mất 3 năm miệt mài nghiên cứu trên xác chết nhưng có khi bất chợt nảy ra chỉ nhờ đọc danh sách tham khảo của sinh viên, sau đó anh tự mày mò, thử nghiệm.
Ngoài thực hiện những ca mổ phức tạp tại bệnh viện, hàng tuần GS Sơn vẫn dành 3 buổi lên lớp tại ĐH Y. Hiện tại anh cũng là giáo sư thỉnh giảng tại ĐH nổi tiếng Pittsburgh (Mỹ) và sắp tới sẽ sang Nhật giảng dạy.
Dù nổi tiếng trong giới là vậy nhưng GS Sơn vẫn giữ được phong thái dung dị. Gặp anh khi nào cũng quần jean, áo sơ mi. Anh khoe mình trẻ hơn tuổi thực vì không thích bon chen, có lần được mời làm sếp nhưng anh từ chối . "Mình cũng trẻ vì làm việc nhiều. Cứ ngơi việc là thấy mệt", GS Sơn chia sẻ.
Một điều thú vị khác, vị giáo sư đầu ngành phẫu thuật tạo hình vẫn thường xuyên đi bộ từ nhà đến bệnh viện qua quãng đường gần 3km, khi buộc có việc cần kíp anh mới bắt taxi sau khi có hơn 10 năm gắn bó với chiếc xe máy Honda và mới đây đã "chuyển giao" cho một cậu sinh viên nghèo.
Thúy Hạnh