- Liên quan đến hành vi lừa đảo của lãnh đạo Cty Liên Kết Việt, đại tá Bùi Văn Hà, Phó Cục trưởng C46, Bộ Công an cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp là phải bán hàng hóa, thế nhưng thực chất Liên Kết Việt không bán hàng đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, Liên Kết Việt còn làm giả hồ sơ của cơ quan nhà nước, mạo danh Bộ Quốc phòng để lừa bịp người dân.

{keywords}

Ban chuyên án vụ Liên Kết Việt

Từng làm ở Thiên Ngọc Minh Uy

Đại tá Bùi Văn Hà nói, bản thân đối tượng Nguyễn Thị Thuỷ (SN 1970, Tứ Kỳ, Hải Dương) từng làm việc tại mạng lưới bán hàng đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy. Thuỷ nhận thấy cách làm ăn hiệu quả nên mới tách ra để làm riêng nhưng không xin được giấy phép. Còn Lê Xuân Giang không biết đa cấp nhưng lại rất giỏi “quan hệ” nên mới xin được giấy phép kinh doanh đa cấp. Từ khi đi vào hoạt động đa cấp từ tháng 4/2014, trong vòng khoảng 1 năm, Liên Kết Việt đã thu được 1.900 tỷ đồng, trong khi tổng số hàng hóa trị giá chỉ khoảng 7 tỷ đồng.

Đại tá Hà cho rằng, ở nước ngoài, bản chất bán hàng đa cấp là đưa hàng tới tay người tiêu dùng nhằm cắt bớt chi phí trung gian. Nhưng ở Việt Nam, một số đơn vị lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo. Cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp liên ngành vì hoạt động bán hàng đa cấp quá phức tạp. Nếu cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài mà không cấp phép cho doanh nghiệp trong nước sẽ xảy ra mâu thuẫn.

“Trước khi phá án, tôi đi kiểm tra địa bàn tại Thanh Hóa và Nghệ An nhận thấy rất phức tạp. Chính vì thế tôi đã gọi điện cho các địa phương ngăn chặn không sẽ rất khổ cho người dân” - ông Hà nói.

Lợi dụng bán hàng để chiếm đoạt tiền

Đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn và điều tra án tham nhũng (C46) nói, Lê Xuân Giang đã lợi dụng quân trang, quân phục người lính mặc vào để tuyên truyền quảng cáo khiến dân lầm tưởng là Cty của Bộ Quốc phòng. Tiếp đó hàng hóa đều ghi là BQP gây nhầm lẫn cho người dân. Chính vì Lê Xuân Giang mạo danh như thế người dân mới đóng tiền.

{keywords}
Không chỉ làm giả hồ sơ của cơ quan Nhà nước, công Liên Kết Việt còn mạo danh cả Bộ Quốc phòng để lừa đảo 

Số liệu thu thập thể hiện, trong khoảng 1 năm, Liên Kết Việt đã lôi kéo được 62.000 người tham gia mạng lưới, người ít nhất là phải nộp vào tài khoản cho Cty 8,6 triệu đồng, người nhiều lên tới hàng chục tỷ đồng. Con số từ tài khoản của Liên Kết Việt thu từ người dân lên tới 1.900 tỷ đồng chưa kể khoản thu trực tiếp.

Đại tá Huy cho biết thêm, 4 sản phẩm của Liên Kết Việt sản xuất song lại giới thiệu sản phẩm liên doanh liên kết với Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, Cục Điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng khẳng định không có đơn vị quân đội nào liên doanh, liên kết với đơn vị này.

Theo đại tá Huy, Liên Kết Việt không kinh doanh hàng hóa mà chỉ lợi dụng 5 mặt hàng đó để thu tiền, để người dân trở thành nhà phân phối với mỗi mã là 8,6 triệu đồng. Khi trở thành nhà phân phối của Liên Kết Việt, chỉ cần ngồi một chỗ, lấy tiền của người nộp sau trả cho người nộp trước, và người sau tiếp tục vận động người khác để có tiền chi trả hoa hồng cho những người nộp trước…

Lợi dụng việc được cấp phép, Lê Xuân Giang và đồng bọn sử dụng phương thức mạo danh Cty của Bộ Quốc phòng; tổ chức làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích của Lê Xuân Giang và đồng bọn là tạo lòng tin để lôi kéo người dân tham gia đóng tiền với mục đích chiếm đoạt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm

Tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2016 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong một nhà nước pháp quyền, tất cả đều phải hoạt động theo pháp luật. Thời gian qua chúng ta đã có những tăng trưởng được ghi nhận về mặt kinh tế nhưng cũng kéo theo những vấn đề khác trong xã hội. Cụ thể đã xảy ra vụ lừa đảo lớn trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp (công ty Liên Kết Việt-PV) mà cơ quan quản lý không kiểm soát được. “Tôi nghe rất sốt ruột. Giờ 60 nghìn người dân bị lừa như vậy, trách nhiệm với người dân bị lừa của cơ quan quản lý như thế nào. Không có nghĩa tự do kinh doanh là không có quản lý. Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước phải đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp. Thời gian qua chúng ta đã có bước tiến dài nhưng cần làm sao để người dân khi lập doanh nghiệp phải biết quy định của pháp luật để làm theo. Về môi trường, cơ quan quản lý nhà nước phải tạo môi trường, hành lang pháp lý, không để doanh nghiệp phải đi “xin-cho”. Giảm “xin - cho” ít chừng nào tốt chừng đó. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thực hiện kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện đúng theo các quy định. Phát hiện doanh nghiệp làm không đúng thì phải yêu cầu doanh nghiệp dừng lại, phải xử phạt theo đúng quy định.

Theo Tiền Phong