- Theo thống kê, có tới 50% nạn nhân bị tai nạn thương tích không được cấp cứu ban đầu hoặc cấp cứu không đúng cách trước khi đến bệnh viện, dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Cách bệnh viện vài bước vẫn tử vong

Cho rằng kỹ năng sơ cứu người bị nạn của người dân hiện vẫn còn rất thấp, TS.BS Nguyễn Đức Chính, trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ hàng loạt những câu chuyện đau lòng.

BS Chính kể, cách đây mấy năm có một cháu bé ở phố Hàng Quạt bị tai nạn thương tích, nghẽn đường thở từ đầu nhưng không ai làm sơ cứu, cứ thế lôi thẳng tuột đến bệnh viện Việt Đức nhưng đến nơi đã quá trễ dù khoảng cách có mấy bước chân.

{keywords}
Kỹ năng sơ cấp cứu người bị nạn được đặc biệt quan tâm sau hàng loạt những vụ tai nạn thảm khốc thời gian gần đây.

“Trường hợp này hoàn toàn có thể cứu được nếu ngay tại hiện trường cháu bé được sơ cứu khơi thông đường thở rồi gọi bác sĩ đến. Thời gian vàng chỉ có 2-5 phút, quá thời gian này là mất não rồi làm sao cứu được”, BS Chính đau xót kể.

Theo BS Chính, do là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, nên mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận cả trăm trường hợp bị tai nạn thương tích từ khắp nơi chuyển về, trong số này có rất nhiều trường hợp không được cấp cứu ban đầu hoặc có được cấp cứu nhưng nhiệt tình không đúng cách, vô hình trung làm nạn nhân nặng thêm, tử vong không đáng có trước khi đến viện.

“Mỗi năm Bệnh viện Việt Đức cấp cứu cho 33-35.000 trường hợp tai nạn thương tích, thống kê năm 2014 cho thấy có khoảng 50% nạn nhân không được cấp cứu ban đầu hoặc cấp cứu không đúng cách”, BS Chính thông tin.

BS Chính cho biết trong số 50%, chiếm chủ yếu là cấp cứu không đúng cách.

Cấp cứu ban đầu gồm 5 phần việc quan trọng, nếu chỉ cấp cứu đường thở nhưng không làm gì tiếp theo thì cũng vô nghĩa.

Nhiều trường hợp người bị nạn đã ngừng tim rồi nhưng không được ép tim tại chỗ mà chuyển quãng đường dài đến bệnh viện khiến nạn nhân dù sau đó được cấp cứu, tim đập lại nhưng vĩnh viễn hôn mê.

“Với cấp cứu ban đầu, không bao giờ khuyến cáo 1 người cấp cứu, phải có sự hỗ trợ ít nhất 2-3 người. Ví dụ tôi đã giữ cổ, người khác phải hà hơi thổi ngạt, người khác phải xem tri giác, xem mạch...”, BS Chính nhấn mạnh.

Không liệt thành liệt

Với các tai nạn thương tích, nếu được cấp cứu đúng cách có thể giúp tăng 50% cơ hội sống cho nạn nhân. Trên thực tế có nhiều người đã được cứu sống kịp thời nhưng cũng có không ít bệnh nhân nặng thêm do cấp cứu ban đầu sai cách.

Theo thống kê, gần 100% các nạn nhân chấn thương sọ não đều bị chấn thương cột sống cổ. Tuy nhiên Giám đốc trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội Nguyễn Văn Sáu thừa nhận, rất ít người cứu hộ ban đầu có kỹ năng phát hiện chấn thương này. Khi thấy người bị nạn, người dân thường bế sốc nạn nhân lên xe taxi gây gãy cột sống, rất nguy hiểm.

{keywords}
Diễn tập cấp cứu ban đầu cho nạn nhân chấn thương cột sống cổ. Ảnh: KT

Theo ông Sáu, có trường hợp tai nạn, thấy người bị nạn vẫn tỉnh, nói được, người đi đường tốt bụng liền đề nghị cho ngồi lên xe máy chở đến bệnh viện. Khi đến nơi bệnh nhân đã tử vong do gãy đốt sống cổ mà không biết.

TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giải thích rõ thêm, với những trường hợp chấn thương cột sống cổ khi bị vác, xốc ngược sẽ gây đứt tủy sống, dẫn đến tử vong ngay lập tức hoặc bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không thể phục hồi. Đây là sai lầm dễ mắc nhất của người cứu hộ thiếu kiến thức.

BS Hải kể cách đây vài tháng, có trường hợp bị tai nạn lao động, ngã từ giàn giáo trên cao xuống đất. Thấy vậy, công nhân vội bế nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu nhưng khi đến nơi nạn nhân đã liệt tứ chi.

Một thanh niên trẻ khác ở Quốc Oai, bị tạn nạn giao thông gãy xương nhưng không được phát hiện. Trong lúc hỗn loạn, người dân bế xốc nạn nhân đưa vào viện khiến thanh niên này bị đứt tủy sống, dẫn đến liệt toàn thân.

BS Võ Xuân Sơn cũng từng chứng kiến câu chuyện đau lòng khi làm việc tại Chợ Rẫy. BS kể, đó là trường hợp bị ngã giếng, thấy vậy người thân cho một người xuống, tự buộc dây vào lưng nạn nhân kéo lên, khi gần tới miệng giếng thì dây bất ngờ đứt khiến cả nạn nhân và người xuống cứu đều bị chấn thương cột sống, liệt tứ chi.

Theo các bác sĩ, do cột sống có vai trò quan trọng trong điều khiển vận động, do đó khi phát hiện hay nghi ngờ ai đó bị chấn thương cột sống, việc đầu tiên cần làm là cố định tạm thời bộ phận bị gãy, có thể dùng nẹp tự tạo từ gỗ, tre để tránh làm xương dịch chuyển, không để mảnh gãy chọc vào gây tổn thương thêm về mạch máu, thần kinh, cơ. Với cột sống cổ, nếu không có nẹp cổ, có thể sử dụng 2 bao cát chèn 2 bên từ đỉnh đầu đến cổ để tránh lắc lư cổ trên đường vận chuyển.

Tại Bệnh viện Việt Đức, BS Nguyễn Đức Chính cho biết, bản thân đã chứng kiến nhiều trường hợp ban đầu chỉ là gãy xương đùi nhưng không được sơ cứu đúng cách nên bị chấn thương nặng thêm hoặc phải cắt bỏ toàn bộ chân.

{keywords}
Nẹp tự tạo bằng gỗ để cố định các khớp cho bệnh nhân gãy xương đùi.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Thanh, Hà Nội, bị gãy chân sau cú ngã từ trên cao, người thân vội khiêng lên taxi chạy gần 30km đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu khiến vết thương từ gãy kín thành gãy hở, gây đứt mạch máu, sốc mạch máu, sốc chấn thương.

Với những trường hợp gãy xương đùi các bác sĩ khuyến cáo luôn phải cố định các khớp háng, khớp gối, cổ chân, gãy xương cẳng chân cần cố định khớp gối, khớp cổ chân; gãy xương cẳng tay cần cố định khớp khuỷu và khớp cổ tay.

Thúy Hạnh