- Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết so với cách đây 3-4 năm, lượng bệnh nhân đến khám chỉ bằng 1/3 nhưng người dân khắp nơi vẫn có tâm lý đến sớm để xếp sổ.

Chờ lâu, khám nhanh

Từ sáng sớm hàng ngày, tại bệnh viện K (cơ sở Quán Sứ) đã có rất đông bệnh nhân xếp hàng chờ khám bệnh.

“Bác sĩ chỉ hỏi đau ở đâu, đau từ bao giờ, triệu chứng thế nào, cảm giác ra sao… Tất cả chỉ chừng 2-3 phút. Sau đó bác sĩ kê một loạt xét nghiệm, chụp chiếu, điện tim… Mà khâu nào cũng chờ đợi rất lâu chứ không phải chỉ định xong là được làm ngay’ - chị Tươi, một người bệnh đến khám ở bệnh viên K phàn nàn.

Chị Tươi kể, có người chỉ khám cũng phải đợi sang ngày thứ 2. Hôm sau lại chờ xếp hàng từ đầu như hôm trước. Theo chị Tươi, chờ sinh thiết là khổ nhất vì kết quả phải đợi cả tuần.

{keywords}

Người dân xếp hàng từ nửa đêm để lấy số thứ tự nhưng bệnh viện cho biết đến khoảng 10h sáng thì số lượng bệnh nhân tại khoa Khám bệnh (cơ sở Quán Sứ) giảm hẳn.

Bà Nguyễn Thị Nguyên (Kim Mỗ, Hải Dương) cùng con trai đi từ nhà lúc 3h sáng chỉ mong có thể được khám đầu tiên. Bà Nguyên cho biết: “Tôi lên đến đây lúc 6h sáng, lấy được số 2 nhưng mãi vẫn chưa đến lượt”.

“Khổ nhất là khâu nào cũng đợi. Tôi phải đợi đến 10h trưa mới có kết quả siêu âm, rồi quay ra phòng chụp phim đợi tiếp. Đúng giờ bệnh viên nghỉ trưa, tôi phải đợi tiếp đến 14h30 mới có kết quả, rồi lại tiếp tục xếp hàng quay lại khám lần 2 để bác sĩ kết luận” - chị Mai Thị Gióng (31 tuổi) cùng con gái từ Hà Nam lên Hà Nội khám tai mũi họng.

Chị Gióng cho biết, đến 16h, 2 mẹ con chị mới khám xong. Nửa vui nửa buồn chị nói: “Bác sĩ xem lại kết quả ở phiếu siêu âm và phim, nói là viêm tai bình thường, rồi kê đơn đi lấy thuốc. Không biết như vậy có kỹ không nữa”.

Cùng cảnh ngộ như chị Gióng, chị Tuyết đưa mẹ lên khoa xét nghiệm máu và sinh hóa máu cũng đang đợi lấy kết quả. Trong lúc chờ, chị ngồi trông cho mẹ ngủ ngay tại hành lang. Chị Tuyết cho hay, 2 mẹ con từ Nghệ An ra Hà Nội khám bệnh bướu cổ từ hôm thứ 6 tuần trước nhưng chưa xong nên phải thuê nhà nghỉ để thứ 2 vào khám tiếp.

Cách đó không xa, bà Hà đang ngồi đến lượt khám lần 2 tại phòng vú - phụ khoa sáng 7/3 không giấu được sự mệt mỏi. Bà đợi từ 8h sáng, xếp hàng 30 phút sau mới lấy được số thứ tự.

“Vào khám lần 1, bác sĩ nắn rồi hỏi phát hiện khi nào, có đau không, sau đó chuyển luôn sang siêu âm rồi lên tầng 2 xét nghiệm tế bào. Đợi đến 11h trưa mới đến lượt thì bệnh viện sắp nghỉ. Đến 15h chiều lấy được kết quả xét nghiệm tế bào mà vẫn còn đợi lượt khám lại lần 2”, bác thuật lại.

Người dân không nên đến từ đêm

TS Vũ Hải, trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện K) cho biết: Hiện số lượng bệnh nhân đến khám chỉ còn 400-500 bệnh nhân/ngày/cơ sở, bằng 1/3 so với cách đây 3-4 năm. Trung bình mỗi bác sĩ tại viện K hiện chỉ khám cho 35-40 bệnh nhân/ngày.

“Với số lượng bệnh nhân hiện tại, buổi sáng hàng ngày chúng tôi chỉ khám đến 10h30-11h là xong”, ông Hải vừa nói vừa chỉ tay ra dãy ghế bệnh nhân ngồi chờ khám.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết thêm, những năm gần đây do được đưa thêm cơ sở 2 Tân Triều vào hoạt động, kết hợp cải tiến quy trình khám chữa bệnh cùng đề án chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới nên tình trạng quá tải đã giảm đáng kể.

{keywords}

Thông báo về ngày, giờ trả kết quả trước cửa phòng xét nghiệm tế bào

“Việc người dân đến bệnh viện từ giữa đêm để xếp hàng là do tâm lý sợ đông, muốn đến trước khám trước hoặc do sợ tắc đường. Tuy nhiên 7h bệnh viện mới phát số nên người dân không nên đến sớm để phải chờ đợi mệt mỏi”, ông Thuấn nói.

Ông Thuấn cho biết, sắp tới bệnh viện sẽ dán giờ giấc công khai để bệnh nhân nắm được, tránh đến bệnh viện từ giữa đêm.

Về tình trạng cò mồi chen ngang tại bệnh viện, ông Thuấn thừa nhận có nhưng hiện đã giảm rất nhiều so với trước.

Ông Thuấn cho hay, bệnh viện đã dán ảnh những đối tượng thường xuyên lui tới để người bệnh nhận diện, cảnh giác, tuy nhiên nhóm này hoạt động rất tinh vi, thường xuyên thay đổi người nên bảo vệ cũng không nhớ hết mặt.

Trước phàn nàn của người dân về việc phải chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm, ông Thuấn thông tin, có những xét nghiệm trước kia phải làm cả ngày mới xong thì giờ có kết quả trong vòng 1-2 tiếng, trừ xét nghiệm giải phẫu tế bào.

“Với kết quả sinh thiết, bệnh nhân sẽ phải đợi ít nhất 4-7 ngày vì còn phải ngâm mẫu trong hoá chất, phải cắt, nhuộm... qua rất nhiều giai đoạn, không thể làm khác được, nếu rút ngắn kết quả sẽ không chính xác. Chưa kể, khi phát hiện những điểm nghi ngờ, các bác sĩ sẽ phải làm thêm những chỉ số khác”, ông Thuấn giải thích.

Ông Thuấn cho biết, trước cửa phòng xét nghiệm tế bào hiện đã dán bảng thông báo về khoảng thời gian nhận kết quả sinh thiết, tuy nhiên không nhiều bệnh nhân để ý. Cũng theo vị PGĐ, để đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh, hiện nhân viên y tế của bệnh viện phải làm việc gấp 2,5 bình thường.

“Chúng tôi có 3 cơ sở với 1.800 giường bệnh nhưng tổng số chỉ có 940 cán bộ, nhân viên, trong khi nếu đúng khuyến cáo của WHO phải 2.400 người mới đủ”, ông Thuấn chia sẻ.

Tú Linh - Lương Ánh - Lan Ngọc - Thúy Hạnh