Giữa trưa ngày 30/3, đầu máy đẩy sà lan tông sập cầu Ghềnh đã được Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (đơn vị trục vớt cầu Ghềnh) trục vớt lên bờ.

Đơn vị này đã cho công nhân kết hợp cùng các thợ lặn làm việc từ sáng sớm; quá trình trục vớt gặp nhiều khó khăn do đầu máy nằm dưới đáy sông, trong khi mực nước dâng cao...

{keywords}
Đầu máy đẩy xà lan được trục vớt vào trưa nay (30/3)

Đến khoảng 10 giờ sáng, đầu máy đẩy sà lan 800 tấn gây sập cầu Ghềnh được cẩu nổi kéo lên khỏi mặt nước. Tuy nhiên, đội thi công phải hạ xuống đáy sông do móc cáp liên tục bị trượt khỏi vị trí, đe dọa an toàn.

Các thợ lặn buộc phải tiếp cận đầu máy ở độ sâu 14 m để thực hiện các thao tác cố định cáp và đến 11 giờ, đầu máy được cẩu 500 tấn kéo lên nhưng cáp chịu lực bị đứt nên việc trục vớt bất thành.

Phải đến 12 giờ trưa cùng ngày, đầu máy đẩy sà lan đã được trục vớt thành công và đưa lên sà lan.

Sau khi cẩu xong đầu kéo chìm và một phần dầm cầu còn lại dưới đáy sông, đơn vị trục vớt sẽ cho cắt nhỏ các phần cầu còn lại không bị sập để giải tỏa hiện trường.

{keywords}
Xà lan trục vớt phần gãy cầu Ghềnh

Sáng nay các tàu, sà lan trọng tải dưới 300 tấn vẫn được điều tiết lưu thông qua dầm số 4 của cầu Ghềnh nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc.

Theo đơn vị trục vớt là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1- Bộ GTVT, hết ngày 31/3, công việc trục vớt, giải tỏa có thể sẽ hoàn thành.

Đồng thời chiều 30/3, đại diện ngành đường sắt Việt Nam cho biết, ngày 1/4 sẽ khởi công xây dựng lại cầu Ghềnh và dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 15/7. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến 298,5 tỷ đồng.

Hùng Anh