- Trong hàng loạt mẫu thịt bò tươi, nạm bò, giò bò, xúc xích bò được kiểm nghiệm, kết quả nhiều mẫu không phải là thịt bò hoặc thành phần bò rất thấp.

Để chủ động giám sát an toàn thực phẩm, mới đây Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia tiến hành lấy hàng loạt mẫu thịt bò tươi, thực phẩm có nguyên liệu từ thịt bò tại các quận, huyện của Hà Nội để kiểm tra.

{keywords}

Số thịt lợn được “hô biến” thành thịt bò cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện vào đầu tháng 2 vừa qua. Ảnh: Tiền phong

Kết quả rất bất ngờ. Cụ thể, trong 44 mẫu thịt bò tươi, có 35 mẫu là thịt bò thật, còn lại 8 mẫu là thịt lợn, 1 mẫu là thịt trâu.

Trong 10 cửa hàng chuyên phở bò được kiểm nghiệm, có 8 quán là phở bò, còn lại 2 quán là phở thịt lợn. Trong 12 mẫu nạm bò thì chỉ có 2 mẫu là bò thật còn có tới 10 mẫu là thịt lợn.

Đặt biệt, trong số 20 mẫu giò bò được lấy tại chợ và siêu thị thì 9 mẫu hoàn toàn là thịt lợn, 8 mẫu hàm lượng bò thấp, chiếm 13%, 2 mẫu có lượng thịt bò chiếm 33% và 1 mẫu duy nhất đạt hàm lượng thịt bò 60%.

Ngoài ra, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cũng đã lấy 23 mẫu xúc xích bò tại chợ và một số mẫu có nhãn mác, được cấp phép đầy đủ thì có tới 8 mẫu không phát hiện có hàm lượng thịt bò, 15 mẫu còn lại hàm lượng thịt bò rất thấp.

Theo Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, do áp dụng phương pháp tách chiết ADN nên các kết quả phân tích nói trên hoàn toàn chính xác.

Đáng nói, dù không phải thịt bò nhưng những miếng thịt và các sản phẩm chế biến nói trên vẫn có mùi và màu sắc bò đặc trưng. Câu hỏi đặt ra, loại phụ gia, chất tạo màu nào đã được sử dụng để “hô biến” thịt lợn thành thịt bò?

Liên quan đến thịt bò giả, vào đầu tháng 2 vừa qua, Chi cục Thú y TP.HCM cũng đã phát hiện gần 1 tấn thịt heo nái tại cửa hàng bán thịt sạch thuộc Công ty TNHH Bính Hạnh (Q.3, TP.HCM) được ướp hoá chất hoà lẫn tiết bò để thành “thịt bò”, hơn 1 tấn còn lại đã được đổ ra ngoài chuẩn bị sơ chế.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hoá chất tẩm ướp là metabisulfite – bị cấm dùng trong bảo quản, chế biến thịt. Nguyên liệu này được chủ cửa hàng mua tại chợ Kim Biên với giá 25.000 đồng/kg, còn thịt lợn sau khi “tắm” hoá chất và tiết bò sẽ bán được giá 130-150k/kg.

Minh Anh