– Thật bất ngờ, loài hoa anh túc đang đua nhau khoe sắc ở một số xã dọc đường QL48, bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào người Thái, người Mông ở mảnh đất rẻo cao huyện Quế Phong.

Hiếm có loài hoa nào như anh túc, khi nhắc đến lại khiến nhiều người không khỏi ‘rùng mình’. Nhưng loài hoa hiếm thấy đối với người dân miền xuôi lại trở nên quá bình thường đối với đồng bào dân tộc miền núi.

Vẻ đẹp khó cưỡng ‘nàng tiên’

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những bông hoa anh túc tím ngắt, đỏ rực bên hông nhiều nhà sàn ở người Thái, Mông huyện Quế Phong. Chúng tôi cũng như những ai lần đầu tiên nhìn thấy đều trầm trồ trước vẻ đẹp kỳ lạ của loài hoa này.

Từ lâu, hoa anh túc được mọi người gọi bằng cái tên mỹ miều là ‘nàng tiên’ lúc ẩn lúc hiện giữa núi rừng hay luôn khép mình bên những dòng suối trong xanh giữa rừng.

Ở các huyện miền núi Nghệ An, đồng bào vẫn lén lút trồng đủ loại anh túc có 3 màu hoa đỏ, tím và trắng. Chúng tôi được tiếp cận loài hoa màu đỏ có những vệt màu tím ở giữa thân cánh hoa. Đặc thù mỗi bông hoa thuốc phiện chỉ có 4 cánh, mỗi cánh hoa rất mỏng manh nhưng có sự mê hoặc đối với nhiều người.



Hoa anh túc như một ‘nàng tiên’ nở đỏ vườn ở các xã Tiền Phong, Tri Lễ, Đồng Văn (huyện Quế Phong, Nghệ An).

 

Mỗi cây hoa thuốc phiện có độ cao từ 80 đến 100cm, cây nào cũng có từ 1 đến 4 bông hoa. Khi hoa anh túc rụng cánh, trái cây thuốc phiện phát triển lớn dần lên có dạng hình cầu và khi chín thì chuyển dần sang màu vàng nhạt.

Ông Lương Văn Đ., một người dân tộc Thái tại huyện Quế Phong có 'thâm niên' lén lút trồng cây thuốc phiện nhiều năm liền kể về quá trình cây thuốc phiện từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch lấy nhựa thành ma tuý màu đen ở dạng sơ khai nhất.

“Mùa gieo trồng cây thuốc phiện là vào khoảng tháng 9 và tháng 10 và cho thu hoạch lấy nhựa khoảng tháng 3 hàng năm. Lúc còn nhỏ cây thuốc phiện rất giống cây cải cúc, nên mọi người thường trồng lẫn lộn với rau cải để không bị phát hiện.

Để thu hoạch được nhựa cũng đòi hỏi kỳ công, tỉ mỷ nếu không sẽ khó lấy được thuốc phiện từ trái cây. Cũng có nhiều gia đình trồng cây thuốc phiện để làm rau và mỗi năm tích trữ lại một ít làm giống. Nhưng có những gia đình đem vào gieo trồng tại trang trại, nương rẫy trên núi cao trồng bí mật nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn.

Loài cây thuốc phiện trong những năm trở lại gần đây đang được mọi người đồn thổi như là một “thần dược” có thể chữa được bách bệnh. Do đó, nhiều đồng bào người Thái ở Quế Phong tiếp tục giữ giống để gieo trồng".



Đồng bào người Mông, Thái lấy nhựa từ quả cây thuốc phiện chảy ròng ròng xuống ở cổ cuống.

 

Ông Đ. tiết lộ thêm: “Khi quả thuốc phiện đến độ chín thì dùng chiếc dao lam hoặc dao găm nhỏ, phải rạch thật khéo xung quanh mỗi quả chỉ từ 4 đến 5 đường. Rạch lấy nhựa phải thật khéo tay, nếu rạch sâu quá thì nhựa sẽ chảy vào phía trong. Khi cạo lấy nhựa phải đúng mạch thì sẽ cho nhựa rất nhiều, nhựa của quả anh túc chảy xuống đọng dưới cuống và kết dính lại thành màu nâu đen”.

Điểm mặt ‘thủ phủ’ thuốc phiện

Chúng tôi tìm về những nơi bà con đang lén lút trồng cây thuốc phiện tại các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Tiền Phong, Đồng Văn, Châu Kim, Mường Noọc… (huyện Quế Phong, Nghệ An). Vào mùa này, cây thuốc phiện vừa mới được thu hoạch lấy nhựa và cất giữ giống cho mùa vụ tiếp theo.

Từ trung tâm thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) đi vào xã Đồng Văn gần 60km. Có thông tin cho biết, vào mùa ụ thu hoạch thuốc phiện vừa qua, ông T. (trú tại bản Huôi Muông, xã Đồng Văn) là gia đình lấy được nhiều nhựa đen.

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và ngỏ ý với ông T. “mua” một ít về làm thuốc chữa bệnh.

Gặp ông T. trong căn nhà sàn tuềnh toàng, ngồi bên bếp lửa còn hun hút khói bay khắp nhà. Sau một lúc thuyết phục để được xem hoa thuốc phiện, ông T. bảo, một số công nhân làm nhà máy thủy điện xin để dùng nên ông “cho hết”, giờ chỉ còn một ít để làm thuốc.

Một người hàng xóm tiết lộ, trong vụ thu hoạch vừa rồi ông T. trồng cây thuốc phiện ở vườn quanh nhà và rào cao bằng tấm phên để không ai có thể nhìn từ ngoài vào. Khi lấy hết nhựa quả anh túc, ông T. thu được gần 1 cốc thuỷ tinh nhựa màu nâu đen.

Quả cây thuốc phiện

 

Rời nhà ông T., chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà bà H. là một trong những gia đình có “truyền thống” trồng cây thuốc phiện lâu năm và đang duy trì rất nhiều hạt giống cây anh túc ở đây.

Bà H. buông ánh mắt ái ngại khi chúng tôi ngỏ ý muốn “mua” một ít ma tuý dạng đen và xin xem hạt giống cây. Rất may, anh bạn đi cùng là một người Thái bản địa nên sau một lúc trò chuyện thì bà H. đã gật đầu đồng ý.

Cầm trên tay bó quả cây anh túc đã khô, bà H. nhớ lại chuyện mẹ chồng mình nghiện loại nhựa thuốc đen “sống chết” một thời: “Ngày xưa cứ trước mỗi bữa ăn là bà ấy lấy một ít nhựa đen bằng hạt gạo uống vào trong bụng rồi mới ăn cơm. Lâu thành thói quen, cứ trước bữa ăn mà không có một ít thuốc đen bằng hạt gạo là cơm ăn không ngon, trong người chân tay run run, làm chi cũng không muốn làm và không thể đi lên nương làm rẫy. Sau này mới biết là bà bị nghiện loại nhựa đen từ quả cây thuốc phiện.

Ở bản ta thì nhà nào cũng trồng một ít để làm rau, thân cây dùng để ngâm rượu, quả nào to thì dùng lưỡi dao cạo lấy nhựa làm thuốc”.

Khi PV hỏi không sợ công an bắt hay sao mà vẫn trồng, bà H. cười: “Ta cũng biết nên không dám trồng nhiều, trồng nhiều thì công an bắt đi tù liền”.

Thực tế, người dân vẫn biết anh túc là một loại cây bị nhà nước cấm trồng và sẽ bị công an bắt giữ khi bị phát hiện. Nhưng ghi nhận của VietNamNet cho thấy, tình trạng tái diễn trồng cây thuốc phiện tại xã Đồng Văn, Tiền Phong, Tri Lễ,…vẫn diễn ra âm thầm trong mỗi vườn rau quanh nhà.

Trao đổi và được xem một số hình ảnh PV cung cấp, ông Lang Sinh Đàm, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Văn đã quá bất ngờ khi ở xã mình vẫn còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện.

Ông Đàm nói: “Cái này thì chỉ có một số hộ dân trồng làm rau, chỉ là lén lút mà thôi. Việc này chúng tôi không nắm được, chứ nếu biết chúng tôi sẽ cho dẹp ngay”.

Quốc Huy – Lương Quế

(Còn tiếp)

Trở lại 'thung lũng' hoa anh túc
Cây thuốc phiện có thực sự đã 'biến mất', hay chỉ giấu mình rồi chờ cơ hội bùng phát “rầm rộ” ở mảnh đất biên giới heo hút?