- Liên tục xảy ra tai nạn thảm khốc do xe khách gây ra trong thời gian gần đây. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên, các cơ quan chức năng ở những nơi có các 'điểm đen' TNGT nói gì?

Chạy nhanh bù giờ?

Nhiều lái xe khách chạy xe khách đường dài thông tin với chúng tôi rằng, việc đối phó với các trạm bắn tốc độ của lực lượng CSGT các địa phương cũng khiến cho nhiều nhà xe phải đau đầu.

“Khi đến địa phận huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá chúng tôi biết có CSGT đang bắn tốc độ nên buộc phải chạy chậm lại để đối phó. Hoặc nếu bị “dính” tốc độ thì cũng phải mất thời gian để giải quyết. Mà áp lực thời gian đối với mỗi chuyến thì không thể cho phép chậm, nếu không thì sẽ lỡ mất việc xếp “lốt” đẹp. Thế nên anh em nhiều lúc phải chạy nhanh để bù vào thời gian đối phó với CSGT”, một lái xe chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội cho biết.

Một vụ TNGT xảy ra trên đường cao tốc Trung Lương - Ảnh: M.Sơn

Và theo thống kê, Công an tỉnh Hà Tĩnh thì phần lớn các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong khoảng thời gian từ 0 - 6h sáng. Thời gian này lái xe thường chạy rất ẩu, và khi đã xảy ra va chạm thì hậu quả khôn lường.

Trung tá Cao Minh Phượng, Trạm trưởng Trạm tuần tra kiểm soát 5-1 (Phòng CSGT tỉnh Nghệ An) cho biết: Xe khách chạy trên QL1A thường mắc lỗi tốc độ, việc lập các trạm bắn tốc độ của lực lượng CSGT nhằm hạn chế lái xe phóng nhanh.

Việc xe khách sau khi vi phạm lại tiếp tục chạy nhanh để bù giờ thì khó có thể kiểm soát được vì nó liên quan đến nhiều địa phương.

Ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cũng cho hay: Một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông là việc lái xe thường chạy với tốc độ lớn, lực lượng chức năng không thể kiểm soát được. Sắp tới ngành giao thông tỉnh này cũng sẽ yêu cầu lắp hộp đen đối với tất cả các phương tiện đăng ký mới. Còn đối với xe đang lưu hành thì sẽ yêu cầu trong 6 tháng phải tiến hành lắp hộp đen.

Một trong những bất cập trong việc quản lý xe khách hiện nay ở Hà Tĩnh là việc phát triển quá ồ ạt của loại hình phương tiện này nhưng ý thức chấp hành không được nâng lên, công tác hậu kiểm sau khi cấp phép hoạt động vận tải hành khách thì hầu như buông lỏng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Phòng quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: Toàn tỉnh có gần 300 xe khách các tuyến. Riêng tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội có 39 xe, mỗi ngày chạy khoảng 35 chuyến.

Ông Dũng cũng thừa nhận, khi làm hồ sơ xin cấp phép hoạt động vận tải hành khách thì các nhà xe đều chấp hành khá tốt, nhưng thực tế trong hoạt động thì khó kiểm soát được. Lực lượng chức năng không thể kiểm tra thường xuyên được.

Khắc phục ra sao?

Trao đổi với VietNamNet về những tai nạn trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đoạn thuộc tỉnh Long An), ông Phùng Văn On, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Long An cho biết: “Trước tình trạng tai nạn xảy ra thường xuyên ở khu vực thuộc địa bàn tỉnh, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Trung tâm quản lý đường cao tốc phải lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, vá các ổ gà trên mặt đường. Chúng tôi cũng kiến nghị Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an tăng cường công tác tuần tra, xử lý các xe chạy quá tốc độ”.

Về tình trạng ổ gà trên đường cao tốc Trung Lương, TS Vũ Xuân Hoà, giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng: “Đường mới đưa vào sử dụng mà mặt đường đã hư hỏng thì không thể chấp nhận được. Đã gọi là đường cao tốc thì phải chạy với tốc độ cao. Nếu mặt đường có quá nhiều ổ gà như thế thì rất khó đảm bảo an toàn”.

Cũng theo TS Hoà, ở các nước phát triển, mặt đường sử dụng trên 10 năm mới xảy ra tình trạng hư hỏng.

Về nguy cơ xảy ra tai nạn ở các điểm giao cắt với đường cao tốc trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban ATGT TP.HCM cho biết: TP sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình giao thông ở tất cả các đoạn đường nối với đường cao tốc.

PGĐ Công an tỉnh Hà Tĩnh Bùi Đình Quang

Trong khi đó, PGĐ công an tỉnh Hà Tĩnh Bùi Đình Quang cho hay, tình hình tai nạn giao thông tại tỉnh này vẫn đang nằm ngoài vòng kiểm soát. Hiện tại không thể tiếp tục tuyên truyền theo kiểu tổ chức họp rồi phát biểu như trước được nữa, mà phải có biện pháp cụ thể.

'Chúng tôi cũng tham mưu cho tỉnh, khi xét thi đua cuối năm thì đưa vào tiêu chí về tình hình an toàn giao thông tại các địa phương”, Đại tá Bùi Đình Quang nói.

Trao đổi cụ thể về tuyến đường có nhiều 'điểm đen' TNGT tại huyện Kỳ Anh, Đại tá Bùi Đình Quang nhận định, mặt đường QL1A qua Kỳ Anh khá đẹp nên không có nguyên nhân từ kỹ thuật đường.

“Kỳ Anh có những điểm thường hay xảy ra tai nạn như dốc Đèo Con, Kỳ Khang, Kỳ Thịnh, Kỳ Long. Ở những điểm này đường thường vắng, quanh co, mặt đường khá trơn nên thường xảy ra tai nạn. Và nhất là trời mưa thì tai nạn cũng hay xảy ra, cái này có liên quan đến việc biến đổi khí hậu”, ông Quang cho biết thêm.

Theo ông Quang, nguyên nhân cơ bản nhất là việc ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Lượng phương tiện tăng lên nhưng ý thức tham gia giao thông thì không được nâng lên.

'Ai can thiệp, hãy báo tôi!'

Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo cho lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát, không cố định một điểm. Hiện Cục CSGT đường bộ và đường sắt đã tăng cường 16 cảnh sát cùng nhiều phương tiện cho Hà Tĩnh.

Sau hai vụ tai nạn xe khách vừa qua, công an tỉnh đã chỉ đạo cho Phòng CSGT tăng cường kiểm tra xe khách. Chỉ trong mấy ngày, đã phát hiện 210 xe khách vi phạm.

“Về việc xử lý xe khách lâu nay ở Hà Tĩnh, lực lượng CSGT vẫn đang còn hạn chế. Tôi đã nói rõ với anh em CSGT, bất kỳ xe của ai, nếu khi xử lý xe khách mà có người nào điện can thiệp thì hãy báo lại cho tôi”, ông Quang nói.


Thuý Phan - Nhật Tân

Bài 1: Thắt tim trên những 'cỗ quan tài bay'
Những chuyến xe trên cung đường Hà Nội – Hà Tĩnh và ngược lại một thời được người ta gọi với những cái tên “quan tài bay” khiến hành khách bị ám ảnh.
 
Bài 2: “Tai nạn đã cướp mất bố em rồi”
Thế rồi, tai hoạ từ trên trời ập xuống đã cướp mất người bố của em trong vụ tai nạn vừa xẩy ra ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
 
Bài 3: Lời kể của tay lái 'hàng không mặt đất'
Một thời người ta thường ví những chuyến xe khách chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội là những chiếc 'máy bay đất' vì tốc độ kinh hoàng...
 
Bài 4: 'Thời khắc tử thần' trên đường cao tốc
Thời gian từ nửa đêm về sáng được ví là “thời khắc tử thần” vì đây là thời điểm tài xế dễ buồn ngủ, không làm chủ được tay lái.