– Không những phải đối mặt với vấn đề quá tải trầm trọng, người bệnh Việt Nam còn mất thêm niềm tin vào dịch vụ y tế khi họ phải “bôi trơn” tất cả các khâu khi bước chân vào bệnh viện. Những yếu kém liên hoàn khiến tiêu cực tất yếu phát sinh.

Người bệnh phải “bôi trơn” các khâu

Một trong những vấn đề bức xúc nhất của người bệnh khi đến bệnh viện là nạn phong bì, lót tay cho nhiều khâu, bắt đầu từ khâu lấy số thứ tự cho đến khâu chăm sóc, điều trị, v..v…

Cũng vì y đức của một bộ phận bác sỹ xuống cấp, nên việc đi viện với người bệnh trở thành nỗi ám ảnh.

Mỗi khi vào viện, người bệnh phải "bôi trơn" nhiều khâu để đổi lấy cái mà họ có quyền và xứng đáng được hưởng - (Ảnh: C.Q)

Xếp hàng tại bệnh viện N. từ 6h sáng để mua phiếu khám nhưng rất nhiều bệnh nhân “ngơ ngác” vì thấy người đến sau được vào khám trước mình! Đây hầu hết là bệnh nhân nghèo từ nông thôn ra, họ không dám có “ý kiến”, chỉ thì thầm bảo nhau: “Họ có tiền nên nó khác!”.

Chưa dừng lại ở việc “bôi trơn”, những nhân viên y tế làm công tác hành chính để có thể được khám chữa nhanh chóng, khi vào khám hoặc nằm điều trị, rất nhiều bệnh nhân khẳng định họ đã phải “lót tay” cho bác sỹ, điều dưỡng (y tá) để nhận được sự thăm khám, chăm sóc nhiệt tình.

Theo nhận định chung của các bệnh nhân, trong điều kiện một phòng bệnh có một điều dưỡng nhưng có tới cả chục bệnh nhân, nếu không “bôi trơn”, người nhà mình sẽ không được chăm sóc cẩn thận, chu đáo.

Trên báo Thanh niên (số ra ngày 8/8/2011), bà Nguyễn Thị Kim Tiến, tân Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận vấn đề bị phàn nàn nhiều nhất trong ngành y hiện nay là thái độ giao tiếp, việc gây khó dễ cho người bệnh, nhận phong bì …

Chính mắt tân Bộ trưởng cũng đã từng chứng kiến chuyện người nhà bệnh nhân phải bỏ tiền vào túi điều dưỡng để nhân viên này thay drap mới cho người bệnh!

Người bệnh ngấm ngầm bị “móc túi”

Giáo dục lại y đức cho cán bộ y tế

“Cần phải có các lớp đào tạo lại về y đức cho nhân viên y tế. Y đức của truyền thống là bảo mật thông tin người bệnh, ân cần chăm sóc người bệnh nhưng y đức của thời cơ chế thị trường còn phải là: kê đơn, là chỉ định chẩn đoán xét nghiệm”

PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế
Ngoài hình thức “truyền thống” là “trao tay” trực tiếp, trong ngành y còn tồn tại những hình thức “ngấm ngầm” móc túi người bệnh một cách tinh vi, kín đáo, khôn ngoan của bác sỹ.

Đó là chuyện kê đơn thuốc một cách “có chủ đích” để được hưởng hoa hồng từ hãng dược phẩm; lạm dụng thuốc, lạm dụng các xét nghiệm, chụp chiếu để nhanh chóng “khấu hao” máy móc (do bác sỹ góp vốn đầu tư), v..v…

Người bệnh không có chuyên môn, chỉ còn nước răm rắp nghe theo lời bác sỹ mà không hề biết mình đang bị “bòn rút” ngấm ngầm.

Trước đây, VietNamNet đã nhiều lần phản ánh chuyện người bệnh bị bác sỹ kê đơn thuốc toàn tên biệt dược ngoại, khiến một bệnh nhân thay vì bỏ ra vài trăm ngàn mua thuốc để khỏi bệnh thì họ phải bỏ ra cả triệu bạc.

Đây là một sự lãng phí không đáng có. Nhưng oái oăm là nhờ sự lãng phí, tốn kém này mà lợi nhuận đã có thêm cơ hội để chảy về túi của các “lương y”.

“Tại sao đơn thuốc cứ kê 5-7 thuốc trong khi có thể là đơn 2-3 thuốc; tại sao không kê thuốc tên gốc để bệnh nhân có thể mua với giá vài trăm ngàn mà cứ kê tên thương mại khiến người bệnh phải mua với số tiền đến cả triệu, thậm chí vài triệu đồng? Tại sao vẫn còn tình trạng chỉ định chẩn đoán, xét nghiệm quá mức cần thiết? Đó chính là y đức", trên báo Thanh niên, tân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bức xúc nói trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng.

Không được hưởng quyền tối thiểu đáng được có

Trước tình trạng này, Giáo sư Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn (phía Bắc) Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khoẻ Cán bộ Trung ương, phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn toàn quốc Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khoẻ Cán bộ Trung ương đánh giá: “Người bệnh Việt Nam hiện không được khám và điều trị theo một cách mà họ xứng đáng được có”.

Còn theo PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, thì những quyền chính đáng, tối thiểu mà bất kỳ một người bệnh nào cũng phải được hưởng, đó là quyền được thăm khám cẩn thận, chính xác; quyền được cung cấp thông tin và tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh; được nằm điều trị trong điều kiện tốt (như một mình một giường), được chăm sóc chu đáo, đầy đủ, kịp thời; vv…

Nhưng trong bối cảnh một bác sỹ phải khám 100 bệnh nhân/ngày, chuyện khám “siêu tốc” là khó tránh khỏi, khiến người bệnh mất đi quyền được cung cấp thông tin và tư vấn từ bác sỹ.

 
Người bệnh Việt Nam không được hưởng quyền tối thiểu đáng được có

Điều kiện phòng ốc chật chội, xuống cấp đã đẩy người bệnh vào thế bắt buộc phải chấp nhận điều trị trong điều kiện không thể tồi tệ hơn (như 2-3 người/giường, thậm chí bệnh nhân phải nằm ở hành lang, chen nhau nằm ở sàn nhà, vv…).

“Bệnh viện cũng muốn cải thiện lắm, nhưng quả thật là không thể hơn được nữa, vì đất không thể đẻ ra thêm, còn bệnh nhân ngày một đông đúc”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng dẫn chứng: Bệnh viện Nhi Trung ương ra đời năm 1983 với quy mô 400 giường bệnh. Sau 28 năm hoạt động, đến nay số giường bệnh của bệnh viện tăng lên 1.000 giường (vẫn với diện tích đó). Kể từ năm 1983 đến nay, Hà Nội chưa có thêm một bệnh viện Nhi nào ra đời.

Nỗ lực lắm thì các bệnh viện đa khoa thuộc TP Hà Nội mới có thêm khoa nhi với quy mô nhỏ. Trong khi đó, dân số Việt Nam tăng mỗi năm gần bằng dân số một tỉnh!

Sự chênh lệch quá lớn này đã tất yếu khiến toàn bộ người dân “khốn khổ” mỗi lần phải đi viện. Bản thân ông Hải cũng thú nhận mỗi khi bị ốm hoặc người nhà bị ốm, phải đi viện, thì ông cũng bị “ám ảnh” và rất sợ hãi!

  • Cẩm Quyên

(còn nữa)

Bài 1: Tình cảnh quá tải khủng khiếp ở bệnh viện VN
Xuất phát từ tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp và quá chật chội, tần suất làm việc quá sức của bác sỹ và điều dưỡng nên người bệnh Việt không được hưởng cái quyền tối thiểu nhất, đó là quyền được khám bệnh và chăm sóc chu đáo.
 
Bài 2: Bi kịch chữa bệnh: Có tiền, không tiêu được!
Trong khi nhiều người bệnh nghèo triền miên không có tiền đi viện thì lại có một bộ phận những người có điều kiện kinh tế vướng vào nghịch cảnh “có tiền cũng không tiêu được” khi phải vào các bệnh viện công lập ở Việt Nam