- Diễn biến của bệnh tay chân miệng vô cùng phức tạp. Chính vì vậy mà ngày 15/8, Bộ Y tế đã khẩn trương tổ chức Hội nghị tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng tại Viện Pasteur TP.HCM nhằm đưa ra các giải pháp cấp thiết nhất ngăn chặn dịch lây lan, đặc biệt là vào thời điểm mùa tựu trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã nhận định trong hội nghị: “Bây giờ dịch tay chân miệng đang bùng phát rồi chứ không còn gọi là có nguy cơ nữa”.

Diễn biến dịch chân tay miệng vô cùng phức tạp

Theo số liệu thống kê tại hội nghị cho thấy, đến nay ca bệnh tay chân miệng trên cả nước tăng gấp 3 lần năm 2010.

Thống kê cho thấy, số người tử vong do tay chân miệng đang đứng đầu các ca tử vong do bệnh nhiễm ở Việt Nam.

Đối tượng mắc bệnh 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Chính vì vậy số trẻ chẳng may đã bị nhiễm bệnh tay chân miệng ở nhà rất dễ lây cho các bạn mầm non cùng lớp khi bắt đầu đến trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế đã đưa ra 4 giải pháp nhằm khống chế sự lây lan của bệnh tay chân miệng.

Đó là thông qua các phương tiện truyền thông hướng dẫn cách vệ sinh tay, đồ chơi của trẻ sạch sẽ, xây dựng phác đồ điều trị mới, tăng cường thêm kinh phí, hóa chất chống dịch và phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để xử trí kịp thời.

Theo ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, số ca tay chân miệng ở tất cả các tỉnh thành phía Nam đều gia tăng.

Trong số đó TP.HCM với hơn 7.000 ca đang là địa phương có số bệnh tay chân miệng cao nhất. Đồng Nai với 3.413 ca và Đồng Tháp với 2015 ca đang là hai tỉnh thành có số ca tay chân miệng cao kế tiếp.

Trước diễn biến của dịch tay chân miệng, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở - ngành và UBND các quận - huyện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, nhất là vào thời điểm năm học mới 2011-2012.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra hoạt động vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần tại các nhà trẻ, mẫu giáo, các trường tiểu học; phát hiện sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng để nhanh chóng cách ly điều trị.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, các đơn vị liên quan cần tăng cường tuyên truyền giáo dục và thực hiện việc rửa tay thường xuyên đối với trẻ và người chăm sóc trẻ. Trong đó, phải thực hiện vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần khu vực sinh hoạt của trẻ, dụng cụ và đồ chơi của trẻ bằng hóa chất có tác dụng diệt khuẩn.

Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 52 địa phương, trong đó đã có 81 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2010, số trường hợp mắc của cả nước tăng 5,2 lần. Các trường hợp tử vong rải rác tại 17 tỉnh, thành phố, trong đó TP.Hồ Chí Minh có số người tử vong nhiều nhất (22 trường hợp)


 
  • Thanh Huyền
Bệnh tay chân miệng và những lầm tưởng
Lở miệng, lở lưỡi, nổi bóng nước ở các chi khiến nhiều bậc cha mẹ nhầm bệnh tay chân miệng với thủy đậu, nhiễm trùng da, dị ứng... Đến khi bệnh biến chứng thì đã quá muộn.
 
Bệnh tay chân miệng tăng cao chưa từng thấy
Có thể nói lúc này ngành y tế TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh bùng phát cùng một lúc.