- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM, có rất nhiều ý kiến thắc mắc tại sao là một địa phương có số ca bệnh cao nhất trong các tỉnh, thành phía Nam cũng như dẫn đầu số người tử vong mà TP.HCM chưa công bố dịch.

Trước thắc mắc của báo đài, Ban giám đốc Sở Y tế đã có báo cáo với UBND TP.HCM về việc công bố dịch tại TP.

Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM chưa nên công bố dịch trong tình hình hiện nay.

Theo khoản a, mục 2, điều 38, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực ngày 01/7/2008 về thẩm quyền công bố dịch và Điều 3 của Luật có quy định bệnh tay chân miệng thuộc nhóm B.

Trẻ em nhập viện vì tay chân miệng đang quá tải - Ảnh: Thanh Huyền.

Vì vậy, việc công bố dịch tay chân miệng thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế.

Theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg, ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, tại Điều 2 có quy định: 'điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ 2 điều kiện là có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Điều kiện thứ 2 phải có ít nhất 1 trong các yếu tố nguy cơ như quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỉ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa".

Ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, điều kiện 1 để công bố dịch đã có, nhưng cả 4 yếu tố của điều kiện 2 đều chưa thỏa đáng.

Cụ thể, mặc dù số ca bệnh tăng cao nhưng vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Chúng ta vẫn chưa có bằng chứng xác định về sự biến đổi tác nhân gây bệnh, đồng thời phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế cho thấy có hiệu quả rất cao, làm giảm tỉ lệ tử vong so số mắc.

Bệnh tỉ lệ tử vong không cao và đã xác định rõ tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh dịch xảy ra trong thời điểm không có thiên tai, thảm họa.

Do đó, theo Sở này, việc công bố dịch có thể gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến đầu tư, du lịch… của thành phố.

Trả lời trên GĐXH, ông Huỳnh Minh Toàn, quyền Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, địa phương đứng thứ 2 về số ca tử vong tay chân miệng cũng cho hay, Sở đang họp khẩn, cân nhắc và bàn bạc trình UBND tỉnh để công bố dịch.

Trong khi đó, báo GĐXH dẫn lời TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trong trường hợp các địa phương đủ điều kiện công bố dịch mà ém thông tin không công bố hoặc ngược lại công bố quá sớm khi chưa đủ điều kiện đều bị phạt.

Khác với những nhận định của lãnh đạo các Sở Y tế, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1, TP HCM nói trên GĐXH rằng, việc công bố dịch tay chân miệng rất cần thiết vì khi công bố dịch, hệ thống phòng chống dịch sẽ thực hiện bài bản hơn, mỗi người dân sẽ ý thức hơn trong việc đối phó.

Cũng theo bác sỹ Khanh, các UBND các tỉnh, thành cần mạnh dạn hơn trong việc duyệt kinh phí cho phòng chống dịch để đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, thuốc men; những quốc gia, hay các tổ chức y tế nước ngoài có cơ sở giúp chúng ta về chuyên môn, hỗ trợ xét nghiệm, hóa chất hay phương án chống dịch...

TP.HCM: Thêm 2 bệnh nhân tử vong vì tay chân miệng

Ngày 18/8, TP.HCM lại ghi nhận có thêm 2 ca tử vong do tay chân miệng. Đó là bé gái Nguyễn Lê Bảo N., sinh năm 2007, ngụ tại quận Bình Tân.

Bé N. được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, tử vong do mắc tay chân miệng độ 4. Hiện bé N. đã được gia đình đưa về an tang tại quê nhà ở huyện Củ Chi.

Được biết, bé N. không đi học, sống chung với 6 người lớn và 3 trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó, một trẻ trước đó đã bị bệnh tay chân miệng phải nhập viện.

Bệnh nhân thứ 2 tử vong do tay chân miệng ngày là bé gái Vũ Linh Đ., sinh năm 2010, ngụ tại quận 6.

Bé khởi phát bệnh từ ngày 15/8, được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. 17h ngày 18/8 bé Đ. đã được đưa về an táng ở quê tại Lâm Đồng.

Qua điều tra dịch tễ, Trung tâm y tế dự phòng nơi các bệnh nhi cư trú cho biết điều kiện vệ sinh nơi sống của bé L. chỉ trung bình, gia đình bé sử dụng nước giếng.

Còn tại quận 6, nơi bé Đ. cư trú từ 1 đến 18/08/2011, ở khu phố 5, phường 14, Quận 6 có 1 ca tay chân miệng (ca tử vong). Trong tháng 7, tại khu phố có 2 ca mắc tay chân miệng.

Kết quả điều tra tại địa chỉ nhà của bé tại quận 6 còn hạn chế, do nhân viên y tế chưa gặp được ba mẹ, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhi.


Công điện của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ động khống chế và ngăn chặn dịch bệnh tay chân miệng lây lan.
 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
 
 a. Chỉ đạo các cấp, các ban ngành, đoàn thể xã hội của địa phương, với sự tham mưu của ngành y tế tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền vận động nhân dân chủ động tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ngay tại hộ gia đình, tại cộng đồng, đặc biệt là tại các nhà trẻ mẫu giáo.
 
 Nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời căn cứ Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm để thực hiện việc công bố dịch và công bố hết dịch đúng thời điểm.
 
 b. Tổ chức làm vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi của trẻ em. Hướng dẫn việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trong các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ và trong các hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh trong chế biến đồ ăn, nước uống của trẻ.
 
 2. Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh, tổ chức tốt phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong do bệnh tay chân miệng.
 
 3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn quốc (đặc biệt là các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ gia đình) phối hợp với ngành y tế trên địa bàn triển khai các biện pháp thiết thực đề phòng bệnh tay chân miệng trong mùa tựu trường năm học 2011 - 2012.
 
 4. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác giáo dục, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng để nâng cao hiểu biết, nhận thức về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh, đồng thời chủ động, tự giác thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả; nghiêm cấm đưa tin sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng, xã hội vv...
  
 (Theo TTXVN)


Nhận biết sớm về tay chân miệng:
 
Biểu hiện:

Sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39- 40oC).

Đau họng, chảy nước bọt liên tục.

Biếng ăn hoặc bỏ ăn.

Khó ngủ, quấy khóc, run chân tay, giật mình nhiều một cách bất thường.

Loét miệng: Xuất hiện các bóng nước có đường kính 2-3mm, vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét.

Xuất hiện các bóng nước từ 2 - 10mm.
 
Biến chứng nguy hiểm:

Viêm màng não, viêm màng liệt mềm cấp.

Viêm cơ tim, phù phổi cấp.

Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như: Viêm màng não, phù phổi và viêm cơ tim. Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.
 
Đưa trẻ đến bệnh viện nếu có một trong các dấu hiệu sau:

Sốt cao, thở bất thường; Quấy khóc liên tục; Khó ngủ hoặc ngủ li bì; Run giật tay chân, co giật; Nôn ói nhiều, bỏ bú; Yếu liệt tay chân; Da nổi bóng nước.

(Theo BS Minh Tiến
Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM)


Thanh Huyền - Quỳnh Anh

Dân bị lừa từ dịch tay chân miệng
Liên tiếp trong những ngày gần đây, các nguồn thông tin cho hay, người dân ở TPHCM tố cáo nhiều người giả danh cán bộ y tế dự phòng quận, huyện ép người dân mua thuốc phòng, chống dịch tay - chân - miệng.
 
Nhà và trường 'đau đầu' với bệnh tay chân miệng
Ngay trước cổng trường mầm non còn để một tấm bảng rất to hướng dẫn phụ huynh cách rửa tay, vệ sinh nhà cửa, đồ dùng của bé để phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng.
 
Căng sức đối phó với bệnh tay chân miệng
“Nghe thông tin qua báo đài, tôi mới thật sự lo sợ cho các cháu trước nguy cơ lan rộng của dịch bệnh".
 
Bộ trưởng Y tế: Dịch tay chân miệng bùng phát
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã nhận định: “Bây giờ dịch tay chân miệng đang bùng phát rồi chứ không còn gọi là có nguy cơ nữa”.