– Mưa lũ liên tiếp trong những ngày qua tại Thanh Hoá, Nghệ An đã khiến các địa phương chịu thiệt hại nặng nề, đã có 3 người chết, hàng nghìn ha lúa có nguy cơ mất trắng, nguy cơ thiếu đói...

Tin liên quan:

Lũ đang lên nhanh, đã có hai người chết

Ngập lụt nghiêm trọng tại Thanh Hoá 

Mưa lũ kéo dài, nguy cơ thiếu đói 

Tại Thanh Hoá, mưa lớn trong 4 ngày liên tiếp đã khiến nhiều địa phương trong tỉnh ngập lụt cục bộ. Hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu cùng hàng trăm căn nhà của người dân bị ngập trong nước lũ.

Nước lũ tràn ngập hơn 700 ngôi nhà của người dân tỉnh Thanh Hoá, nhiều hộ gia đình đã phải sơ tán khẩn cấp.
 Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Thanh Hóa, tính đến tối ngày 12/9, tại tỉnh này đã có hàng chục ngàn ha lúa màu bị ngập, trong đó có 6.473 ha lúa mùa bị ngập nặng có nguy cơ mất trắng, hơn 6.000 ha lúa bị giảm năng suất do bị ngập trong nước lũ đúng thời điểm lúa đang thời kỳ trổ bông và phơi màu.  

Ngoài ra còn có 714 hộ dân bị ngập; khoảng 3.900 m3 hồ đập và 22.000 m3 đê điều bị sạt lở, 1.128 ha hoa màu các loại bị ngập úng, hơn 110 ha mía bị ngã đổ, 561ha nuôi trồng thủy sản bị tràn… ước tính thiệt hại khoảng 385 tỷ đồng.

Nhiều tuyến đường đã bị cô lập khiến các cháu nhỏ phải mò mẫm dò tìm đường về nhà sau mưa.
 Một số địa phương bị thiệt hại nặng như huyện Tĩnh Gia có hơn 4.000 ha lúa bị ngập…  

Tại huyện Nông Cống, mưa lớn kéo dài, cộng với việc xả lũ thiếu linh hoạt của hồ chứa nước thủy lợi Yên Mỹ đã khiến hơn 1.200 ha lúa mùa của huyện này đang vào thời kỳ trổ bông bị chìm sâu trong nước lũ. Toàn huyện có tới 350 hộ dân bị cô lập hoàn toàn.

Chính quyền huyện Nông Cống đã mua mỳ tôm và những nhu yếu phẩm cần thiết để phát cho người dân một số vùng bị cô lập trong nước lũ
Ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, Nếu những ngày tới vẫn tiếp tục mưa, số diện tích lúa mất trắng của huyện có thể lên tới 3.000- 4.000 ha. Khiến hơn 20 nghìn nhân khẩu của huyện chắc chắn thiếu đói từ nay đến tháng 5.2012. Điều đáng nói là hầu hết số diện tích bị ngập lụt đều nằm trong khu vực không thể chủ động tiêu úng của huyện. 

Mực nước ở một số hồ đập lớn trên địa bàn Thanh Hoá, như hồ Cửa Đạt, hồ Hao Hao, hồ sông Mực… đã ở mức tương đối cao và bắt đầu chu trình xả tràn. Trong đó mực nước tại hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt đã đạt 99,07 m, vượt cao trình xả tràn gần 2 m so với thiết kế.

Hàng nghìn ha lúa mùa đang trong thời kỳ trổ bông bị ngập sâu trong nước lũ có nguy cơ mất trắng.

 Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa cho biết, hiện các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các công trình đang thi công.  

Tiến hành sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng ngập lụt đến nơi an toàn, có phương án hỗ trợ lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng đói rét.

“Việc xã lũ đúng quy phạm, nhưng nếu như anh em linh hoạt hơn thì sẽ không đến mức thiệt hại 350 ha lúa đang thời kỳ trỗ bông”, ông Thuấn cho biết.

Đợt mưa lớn gây ngập lụt trong mấy ngày qua cũng khíên cho 128 hộ dân ở xã Tượng Sơn rơi vào tình cảnh khó khăn khi 2 năm liên tiếp chịu thiệt hại do lũ lụt. “Do đây là vùng đất trũng lại bị ngập mặn nên năm ngoái và năm nay đều bị ảnh hưởng của lũ lụt nên đời sống người dân cũng hết sức khó khăn”, ông Thuấn nói.

Trong đợt mưa lớn này, huyện Nông Cống có 288 hộ dân bị nước lũ tràn vào nhà. Trước tình hình này, UBND huyện đã vận động người dân di chuyển đến các hộ không bị ảnh hưởng để trú tạm chờ khi lũ rút.  

Ngay sát với địa phận huyện Nông Cống, tại các xã Các Sơn, Anh Sơn, Hùng Sơn của huyện Tĩnh Gia, hiện mực nước tại hồ thủy lợi Hao Hao đã vượt qua mức tràn tới 1,5 - 2m, nước tràn ra gây ngập úng nặng nề.

Ông Nguyên Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: Tính đến thời điểm này đã có 12.480 ha lúa và hoa màu bị ngập lụt. Trong số này có khoảng trên 6.000 ha bị mất trắng ước tính thiệt hại khoảng 385 tỷ đồng.

Cũng theo ông Quyền, toàn tỉnh có khoảng 714 hộ dân thuộc 6 xã của hai huyện Nông Cống và Tỉnh Gia bị ngập. Trong đó nặng nhất là xã Tượng Văn huyện nông cống được xem là vùng rốn lũ.

Mưa lũ tàn phá miền Tây Nghệ An 

Liên tiếp trong nhiều ngày qua trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An có mưa to, trong đó có huyện Con Cuông và Tương Dương chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận mưa lũ liên tiếp 3 ngày qua.

Mưa lớn đã khiến lũ các sông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều dâng cao, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn hécta hoa màu bị ngập úng, 3 người chết đã tìm thấy xác và 1 chiếc ô tô 7 chỗ đã trục vớt thành công.

Đến 17giờ ngày 12/9, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB thì mưa lớn vẫn tiếp tục trên địa bàn Nghệ An, khiến các dòng sông chính trên địa bàn dâng cao như: sông Hiếu, sông Cả giao động trên mức báo động II.

Miền Tây Nghệ An lại bị mưa lũ tàn phá.

Mực nước trên dòng sông Lam đoạn gần cầu Bến Thuỷ II đang thi công bị ngập úng lên cao, khiến công tác thi công cây cầu này bị chậm lại.  

Đêm 12/9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to. Ban chỉ huy PCLB tỉnh cũng đề nghị các huyện miền Tây Nghệ An cần đề phòng cảnh giác lũ ống, lũ quét có thể xảy ra bất ngờ trong đêm. 

Đến trưa trưa 13/9, mực nước trên các sông vẫn tiếp tục dâng cao, tại huyện Nam Đàn ,mực nước dâng cao lên đến 7,2m cao hơn mức báo động II 42cm. Lượng mưa lớn đêm 12/9 đã khiến mực nước các sông dâng cao gây ngập úng nhiều hecta hoa màu. 

Ông Hoàng Sỹ Thìn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương , (Nghệ An) thông tin: “3 ngày qua khiến trên địa bàn huyện Tương Dương đã có mưa to, chịu ảnh hưởng lớn nguồn nước từ thượng nguồn dòng sông Nậm Mô, Nâm Nơn đỗ về dâng cáo. Đã có nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi, hàng chục công trình thủy lợi bị phá hỏng và nhiều diện tích lúa đang mùa thu hoạch bị ngập úng”.

 Nhiều tuyến đường giao thông đi vào các xã Yên Na, Yên Tĩnh (huyện Tương Dương) bị sạt lở nghiêm trọng.

Các xã bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn như: Yên Na 10 nhà bi bị sập và nước cuốn trôi; 2 nhà của Ban quản lý rừng phòng hộ bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó nhiều diện tích hoa màu cũng bị nước cuốn trôi. 

Giao thông đi lại tuyến đường từ xã Yên Na đi Yên Tĩnh bị sạt lở 23 điểm, trong đó có 7 điểm sạt lở nặng ô tô không thể vào được. Trong suốt ngày 12 đến suốt đêm 13/9, một khối lượng đất đá khoảng sạt lở khoảng 1500m3 đã được dọn xong. 

Tuyến đường từ thuỷ điện Bản Vẽ đi xã Yên Na sạt lở nhiều chỗ, đặc biệt đoạn đường từ bản Hào đến Xiềng Líp, xã Yên Na khối lượng đất sạt lở 300 m3. Ước tính thiệt hại ban đầu tại Tương Dương lên đến trên 10 tỷ đồng. 

Đến sáng 13/9, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Tương Dương liên xã đã được đội cứu hộ dọn thông đường.

Cũng trên địa bàn huyện Con Cuông có đến 11/13 xã bị ngập lụt, nước sông dâng cao. Theo nhiều người già sống tại những xã bị ngập lụt, thì đây là lần đầu tiên chứng kiến trận mưa lụt lớn nhất từ trước đến nay. 

Về hoa màu trên địa bàn là trên 600ha, đường giao thông bị sạt lở trên 40km, đập tạm bị cuốn trôi 19 cái, 13 đập kiên cố bị hỏng, kênh mương bê tông bị sạt 1.200 mét. Thiệt hại ban đầu do lũ lụt gây ra trên địa bàn huyện Con Cuông gần 20 tỷ đồng.  

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An: “Lượng mưa đêm qua là rất lớn, khiến mực nước các sông trên địa bàn dâng cao lên mức báo động II. Hiện số liệu báo cáo thiệt hại đang được chúng tôi cập nhật, đến 16giờ ngày 13/9 sẽ có số liệu chính thức”. 

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có số liệu thiệt hại lên đến 365, 264 tỷ đồng do mưa lũ gây ra.
 

Q. Huy - T. Nguyên - T. Lê - T. Phan - V. Điệp

Tin liên quan:

Lũ đang lên nhanh, đã có hai người chết

Ngập lụt nghiêm trọng tại Thanh Hoá