- Chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ 12/8 đến 15/9), cả nước đã có thêm gần 20 ngàn ca mắc bệnh tay chân miệng. Số tử vong cũng tăng thêm 25 trường hợp. Những con số này khiến không ít người giật mình, vì ngành y tế các địa phương khẳng định đã kiểm soát được dịch và không cần công bố dịch!
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy: Tích luỹ từ đầu năm 2011 đến ngày 12/8, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc tay chân miệng tại 52 địa phương trong đó đã có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố.
Đến ngày 15/9 (1 tháng 3 ngày sau báo cáo trên), Bộ Y tế cho biết số ca mắc tích lũy trong cả nước đã tăng lên 52.321 trường hợp (tăng gần 20 ngàn trường hợp). Số tử vong chỉ trong vòng hơn 1 tháng cũng tăng từ 81 lên 109 trường hợp (tăng 28 trường hợp). Các trường hợp tử vong xảy ra chủ yếu xảy ra ở trẻ nam (71,3%), dưới 3 tuổi (79,6%).
Dịch tay chân miệng không có dấu
hiệu hạ nhiệt
Đặc biệt, dịch tay chân miệng đã lan rộng từ 17 tỉnh, thành trong tháng 8 ra thành 61 tỉnh thành trong tháng 9! Điều đáng chú ý là ở những tỉnh mới góp mặt trong danh sách có dịch tay chân miệng đều đã ghi nhận bệnh nhân tử vong (Kon Tum, Quảng Nam, …).
Ngoài khu vực miền Nam là điểm nóng từ đầu vụ dịch thì đến nay, các tỉnh Tây Nguyên và miền Bắc cũng đang nóng lên từng ngày.
Bộ Y tế cho biết cả 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên đều ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.096 trường hợp mắc, 1 tử vong.
Trong khi đó, có 26/28 tỉnh/thành phố; 202/300 quận huyện và 738/4300 xã khu vực miền Bắc ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Thanh Hoá với 1.870 trường hợp mắc. Không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.
Trong 10 tuần gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận trên cả nước không tăng hơn tuần thứ 26, nhưng mức độ giảm rất chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm.
Dịch tay chân miệng không phải bệnh lần đầu xuất hiện, virus lại không biến đổi gây độc lực mạnh hơn nhưng thực tế là số mắc và tử vong vẫn không dừng lại.
Điều này đặt ra câu hỏi: Sự thật là dịch bệnh đã được kiểm soát như lời các địa phương khẳng định? Và vì sao trong tình hình này mà các địa phương cứ khăng khăng không công bố dịch để huy động nguồn lực của cả xã hội trong công tác phòng chống, hạn chế số mắc và số tử vong?
Dịch còn diễn biến phức tạp từ tháng 9-11
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới (tháng 9-11), gia tăng số mắc, tử vong.
Nguyên nhân là do bệnh chưa có vắc-xin, thuốc đặc trị. Ngoài ra, bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp.
Bệnh viện tại TP HCM quá tải bệnh nhi tay chân miệng (Ảnh: VietNamNet)
Hơn nữa, các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, đây là lứa tuổi trẻ, chưa thể tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh nên sự gia tăng số mắc, tử vong phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng chống bệnh tay chân miệng.
Một nguyên nhân nữa được xác định là các biện pháp phòng chống dịch hiện nay hiệu quả chưa cao, tập trung chủ yếu vào công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ, đồ dùng học tập của trẻ chưa chú trọng công tác tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh.
Đặc biệt là sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế.
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Kế hoạch phối hợp hành động liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng chống bệnh dịch tay chân miệng trong trường học năm học 2011-2012 và gửi Bộ GD-ĐT đề nghị góp ý trước khi ban hành.
Cẩm Quyên