- “Từ năm 2007 đến nay đã có rất nhiều đợt thu gom trả những người Campuchia lang thang ăn xin về nước, nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Hiện nay, TP đang chờ chỉ đạo của tỉnh về vấn đề này”.

Đội quân 'cái bang' kỳ lạ vùng sông nước
Một đứa trẻ trong nhóm hô lên một tràng bằng ngôn ngữ lạ lẫm, cả bọn đứng bật dậy. Một chiếc xe khách tuyến TP.HCM - Mộc Hoá vừa qua ngã tư đang tấp vào lề.


Kênh Bảo Định chảy ngang qua thành phố Tân An. Con kênh này được đào từ thời chúa Nguyễn kết nối sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền tạo thành một thủy lộ giúp Tân An phát triển.

Hơn 100 năm qua, kênh Bảo Định là chứng nhân của hưng phế, là nguồn nước nuôi sống người dân nơi đây. Thế nhưng, hiện nay bên bờ kênh Bảo Định, nhóm người hành khất đã tụ tập như một quần thể sinh hoạt vô tư và nhếch nhác...
 
Sinh hoạt giữa phố
 
Chúng tôi có mặt tại TP. Tân An vào sáng sớm. Tại phía đầu cầu Đúc, gặp một người đàn bà đứng tuổi phát tiền cho hai bé trai chừng 7 – 8 tuổi. Cầm tiền, chúng chạy nhanh đến một xe đẩy bán hàng mua mỗi đứa một bịch bánh. Hai đứa vừa ăn vừa chạy nhảy tung tăng trên lề đường.

Ăn xong bịch bánh, hai đứa mang túi xách, tay cầm ca uống nước đến giữa cầu Đúc ngồi bệt xuống lề cầu. Chiếc ca được đặt trước mặt.

Nấu nướng tại chỗ

Sau đó, một người phụ nữ hơn 30 tuổi đến ngồi trước hai đứa trẻ này. Chị cũng ngồi trong tư thế chiếc ca trước mặt nhưng trong lòng chị còn một đứa trẻ.

Hai đứa trẻ và người phụ nữ đều là những hành khất ngồi xin tiền khách ngang qua. Suốt một ngày, từ sáng đến chiều, chúng tôi qua lại cầu Đúc hàng chục lần vẫn thấy họ ngồi như thế.

Trời mưa, trời nắng, gió và bụi đường không làm cho những hành khất này nản chí. Cho đến khi chiều xuống, hai đứa trẻ và người phụ nữ mới lững thững đi về phía bờ kênh Bảo Định.

Lân la hỏi một bà cụ cũng ngồi trên lề cầu bán cà na dầm, bà cho biết: “Họ ngồi đây nhiều lắm. Có lúc hàng chục người cả hai bên cầu. Cảnh này quá quen thuộc với dân Tân An nên cũng ít người cho. Vậy mà ngày nào họ cũng ra đây ngồi. Có thời gian họ bị hốt trả về “bển”, cứ tưởng là hết nhưng không lâu sau đó cũng những người này lại có mặt tiếp tục xin ăn”.


Người phụ nữ với đứa trẻ thơ và hai đứa bé cùng xin ăn trên cầu Đúc

Tìm hiểu số hành khất ngoại nhập này, được biết sinh hoạt hằng ngày của họ đều diễn ra ngay tại bờ kênh Bảo Định, phía sau chợ Tân An.

Tại đây, chúng tôi ghi nhận giữa một thành phố xinh đẹp đang phát triển, những dây quần áo được phơi như giăng mắc. Bếp núc cũng đặt tại đây. Họ tắm rửa nhờ vào nước kênh.

Dọc theo bờ kênh, rác thải vương vãi khắp nơi. Dưới những bóng cây, buổi trưa vẫn còn người nằm ngủ. Một số phụ nữ tụm năm tụm ba bên giỏ hành lý ngồi chờ những đứa trẻ đi xin về giao nộp.

Đêm xuống, những người này ngủ dưới mái hiên nhà, trong lồng chợ. Tất cả những hình ảnh đó đã làm xấu đi bộ mặt của một thành phố trẻ.




Tắm bên dòng kênh Bảo Định

Chiều đến, từ 17h trở đi, người lớn trẻ nhỏ đưa nhau xuống tam cấp bên dòng kênh tắm rửa. Trẻ con không nói làm gì, người lớn mỗi khi thay quần áo, họ đứng giữa khoảng không quấn một chiếc xà-rông bao khắp người rồi cứ thể cởi đồ ướt ra mặc đồ khô vào..

Bắt cóc bỏ đĩa

Những người hành khất Campuchia xuất hiện lần đầu tiên tại TP.HCM và các tỉnh lân cận vào năm 2006. Từ đó đến nay, TP.HCM đã có nhiều đợt thu gom và dường như đã vắng bóng.

Riêng tại TP Tân An, những người hành nghề ăn xin này vẫn còn tiếp tục.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2007, tại Tân An đã có hơn 50 đợt thu gom trả về nước những người hành khất Campuchia. Nhưng sau đợt truy quét một thời gian ngắn, những người này lại tiếp tục xuất hiện.


Nằm và ngồi chờ giao nộp

Tìm hiểu cho thấy, những người ăn xin Campuchia thường tập trung tại Tân An và 2 huyện sầm uất là Thủ Thừa và Bến Lức.

Ngoài một số người lớn (phần lớn là phụ nữ), những em nhỏ tuổi từ 3 tháng đến 10 tuổi chiếm đến hơn 50%. Hầu hết những người này cư ngụ tại tỉnh Svayrieng vượt biên giới theo nhiều ngả không qua cửa khẩu chính thức để vào Việt Nam.

Họ hoạt động có tổ chức và không loại trừ khả năng thuê trẻ em Campuchia qua VN để xin ăn.

Điều làm cho chính quyền khó xử lý là họ không hề gây rối, trộm cắp. Quá trình xin ăn, cho hay không cho cũng không có phản ứng gì ngoài cái chắp tay xá lia lịa. Vì vậy áp dụng luật pháp VN để xử lý là điều rất khó.

Hơn nữa, cho đến nay, chưa có việc giao trả người sống lang thang tại Tân An theo đường ngoại giao.

Bà Trần Thị Chiếm, Trưởng phòng LĐTB&XH TP.Tân An cho biết, mới đây nhất, ngày 23/9, một đợt thu gom trả 41 người về lại Campuchia đã được tiến hành.

Bà Chiếm nói: “Từ năm 2007 đến nay đã có rất nhiều đợt thu gom trả những người Campuchia lang thang ăn xin về nước, nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Hiện nay, TP đang chờ chỉ đạo của tỉnh về vấn đề này”.
 
Trần Chánh Nghĩa