– Bão số 6 hiện còn cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 360km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

TIN LIÊN QUAN:

Với diễn biến này, các chuyên gia khí tượng nhận định bão có thể bão số 6 sẽ tan trước khi vào đến bờ.

Nguyên nhân được xác định là do vượt một quãng đường dài trên biển, nước biển lại đang lạnh nên cơn bão không được tiếp năng lượng.

Các chuyên gia khí tượng nhận định bão có thể bão số 6 sẽ tan trước khi vào đến bờ (Ảnh: NCHMF)

Hồi 10 giờ ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 360km về phía Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 10 giờ ngày 05/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Nghệ An - Quảng Bình khoảng 180km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp.

Đến 10 giờ ngày 6/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc mạnh, nên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh; Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị từ sáng mai (05/10) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.
 

Ở các tỉnh từ Nghệ An đến đến Thừa Thiên Huế có mưa; riêng khu vực Nghệ An đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

7 người chết và bị thương do lũ ở Quảng Bình

Ngày 3/10, các tỉnh miền Trung tiếp tục mưa lớn. Tại Đồng Hới (Quảng Bình), lượng mưa đo được là 121mm.

Sáng 3/10, mực nước các sông ở Quảng Bình lên lại, các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có dao động nhỏ; các sông khác ở Trung Bộ đang xuống. Dự báo mực nước trên các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên.

Ngày 4/10, mực nước các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có khả năng lên mức BĐ1, có nơi trên BĐ1; các sông khác Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có dao động nhỏ.

Tại Quảng Bình đã có 2 người chết và 5 người bị thương do lũ. 14 trường học và 1 chợ bị ngập, hư hỏng; 2.825 nhà bị ngập, sập; 940ha lúa và 1.110 ha hoa màu bị ngập úng.

Đã có 7 người chết và bị thương do lũ ở Quảng Bình (Ảnh: VietNamNet)

Trong khi đó, tại ĐBSCL, lũ trên dòng chính sông Cửu Long tiếp tục xuống dần; vùng nội đồng ĐTM và TGLX tiếp tục lên chậm và đạt đỉnh trong vài ngày tới, đỉnh lũ tại các trạm chính cao hơn mức BĐ3 từ 0,2 - 0,4m.

Đến ngày 7/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 4,7m (trên BĐ3: 0,2m), tại Châu Đốc xuống mức 4,1m (trên BĐ3: 0,1m), tại các trạm chính vùng nội đồng ĐTM và TGLX xuống mức BĐ3, có nơi còn trên BĐ3 từ 0,1 – 0,3m. Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên và đến ngày 7/10 ở mức 2,5m, trên BĐ3: 0,1m.

Lũ ở ĐBSCL đã khiến 26.693 ngôi nhà bị ngập, gần 6.000ha lúa bị ngập và thiệt hại hoàn toàn, 1.192ha hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 1.200 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập lũ.

Trong đợt lũ lịch sử này (tính đến thời điểm hiện tại), An Giang là địa phương thiệt hại nặng nhất.

N.Anh