- Tiếng máy nổ giòn, họng cát nhả ra đều đặn. Hàng trăm người vây quanh. Người cầm bao, người xúc cát đổ vào. Cột miệng bao, một người khác nhanh chóng đưa lên vai một đồng đội. Bao cát được chạy nhanh đến điểm tập kết...

TIN LIÊN QUAN:

Nhịp điệu ấy đã diễn ra suốt nhiều ngày nay (kể từ 29/9) và chưa biết bao giờ chấm dứt khi nước lũ cứ ngày một dâng cao.

Khoảng 700 giáo viên các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã được huy động có mặt tại khu vực xã Thường Thới Tiền để tham gia bảo vệ bờ bao chống lũ.

Trò nam làm việc nặng
Trò nữ nhiệt tình làm việc giúp bà con

Có mặt tại hiện trường, PV VietNamNet ghi nhận tinh thần làm việc rất khẩn trương nơi đây.

Bên cạnh sự nghiêm túc trong lao động, những tiếng cười chốc lại vang lên. Có lẽ nhờ vậy mà những người làm công tác giảng dạy quên đi mệt nhọc.

Giúp dân, bài học có lẽ thiết thực và sinh động hơn những bài giảng ở lớp, trong hoàn cảnh này. Vì thế thầy nào cô nào cũng hăng hái để cho học sinh noi theo.

Nhìn thoáng qua cứ ngỡ là dân bộc xếp thứ thiệt! Nhưng họ là những người thầy ở huyện Hồng Ngự tham gia chống lũ

Ông Nguyễn Thanh Danh, Trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Hồng Ngự cho biết công tác chống lũ diễn ra nhiều ngày qua.

Bước đầu, nông dân địa phương được huy động nhưng trải qua nhiều ngày sức lực của bà con đã cạn kiệt.

"Giờ thì giới nhà giáo và học sinh phải xắn tay vào việc thôi. Mấy ngày qua chỉ huy động giáo viên nhưng đến hôm nay phải tăng cường các em học sinh lớp 12 cùng tham gia.

Chúng tôi chia ca ra làm việc. Ca này nghỉ thì ca khác vào. Ca tối dành cho các anh chị giáo viên và các em học sinh tại địa phương. Tất cả đều làm việc trong tinh thần cứu đê, cứu lúa".

Đầy cát, phà tách bến

Khi được hỏi về khối lượng công việc, ông Danh lắc đầu: “Đến bây giờ tôi không thể tính được có bao nhiêu khối cát được vào bao đem lên phà. Cũng không tính xuể có bao nhiêu chuyến phà chở những bao cát này đến đê bao cách đây 2km.

Thôi thì cứ làm, làm đến bao giờ hết việc thì thôi. Chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh tiến độ không để đầu bên trong nơi có hàng trăm chiến sĩ bộ đội công an tham gia gia cố đê bao chờ đợi.

Được biết, đê bao này bảo vệ hơn 2.600ha lúa và hoa màu của bà con nằm trong phạm vi 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2.

Mùa nước nổi năm nay, đê chưa bị sự cố nhưng do nước lũ lên cao có khả năng tràn qua nên phải gia cố nâng cao mặt đê.

11 người chết vì lũ ở ĐBSCL

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 11 người chết vì lũ ở ĐBSCL, trong đó có 5 trẻ em (An Giang: 4, Đồng Tháp: 3, Long An: 3, Cần Thơ 1). Tổng cộng có 20.463 căn nhà bị ngập (An Giang: 14.176, Đồng Tháp: 5.963, Cần Thơ: 324). Thiệt hại hoàn toàn 4.993 ha lúa (An Giang: 3.883, Đồng Tháp: 1.060, Long An: 50), bị ngập 166 ha (An Giang 160, Cần Thơ: 6) và thiệt hại hoàn toàn 186 ha hoa màu (An Giang), bị ngập 21 ha (An Giang). 1.141 ha thủy sản bị ngập (An Giang 577, Đồng Tháp 564).

Hiện nay mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang dao động ở mức đỉnh; vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang xuống chậm. Mực nước cao nhất ngày 01/10, trên sông Tiền tại Tân Châu: 4,86m (trên BĐ3: 0,36m); tại Mỹ Thuận: 1,76m (dưới BĐ3: 0,04m), tại Mỹ Tho: 1,57m (dưới BĐ3 : 0,03m); trên sông Hậu tại Châu Đốc: 4,25m (trên BĐ3: 0,25m), tại Long Xuyên: 2,76m (trên BĐ3: 0,26m), tại Cần Thơ : 2,01m (trên BĐ3 : 0,11m).

Dự báo trong 1 - 2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó xuống chậm nhưng vẫn còn duy trì ở mức rất cao. Đến ngày 06/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 4,8m (trên BĐ3: 0,3m); tại Châu Đốc xuống mức 4,2m (trên BĐ3: 0,2m); tại các trạm chính vùng ĐTM và TGLX xuống mức BĐ2 - BĐ3.

Cẩm Quyên

Trần Chánh Nghĩa