- Rất nhiều vấn đề 'nóng' trong lĩnh vực giao thông đang được Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương quan tâm hàng đầu. Nhưng nổi bật nhất vẫn là 3 chủ đề: phân làn tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM; thí điểm việc hạn chế xe máy và thu phí ô tô vào nội đô ở TP.HCM. Mặc dù, tất cả các vấn đề trên đều đang 'dự kiến' và 'thí điểm', nhưng với tư cách một công dân, một người tham gia giao thông, bạn sẽ đưa ra quan điểm gì?
VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên. Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "gửi ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết. |
Cách đây 3 tuần, tại Thông báo số 218/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu UBND TP Hà Nội và TP.HCM phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thí điểm ngay việc hạn chế hoặc cấm lưu thông đối với xe mô tô, xe gắn máy trên một số tuyến phố đô thị trong thời gian thích hợp.
Việc thí điểm này sẽ được rút kinh nghiệm, nhân rộng nếu thấy hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông tại 2 thành phố.
Sau khi có thông tin này, dư luận xã hội mà không chỉ những người hàng ngày điều khiển xe máy tại 2 thành phố lớn không tỏ ra bất ngờ. Bởi vì, chủ trương hạn chế xe máy đã rục rịch từ trước đó, khi cơ quan chức năng xem xe máy như là 'thủ phạm của tắc đường'.
Phân làn hay không, như thế nào cho hợp lý? - Ảnh: LĐ |
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, nói đến cấm xe máy trong nội đô để giải quyết ùn tắc chính là nói đến cưỡng chế và thể hiện sự bất lực của cơ quan chức năng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên VietNamNet, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho hay, bình quân mỗi năm tăng một triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Hiện, cả nước có khoảng 1,8 triệu ôtô và hơn 35 triệu mô tô với dân số là hơn 80 triệu. Như vậy cứ 2 người dân thì có 1 ôtô, xe máy. Mật độ như vậy là quá lớn nên hạn chế là việc phải làm.
Trước khi quyết định cấm xe máy có hiệu lực, đi vào cuộc sống, vị tư lệnh GTVT nói rằng, những giải pháp này chỉ hiệu quả khi người dân thực hiện cùng cơ quan chức năng.
Thí điểm hạn chế xe máy trong nội đô HN, TP.HCM
“UBND TP.Hà Nội và TP.Hồ
Chí Minh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thí điểm
ngay việc hạn chế hoặc cấm lưu thông đối với xe môtô, xe
gắn máy lưu thông trên một số tuyến phố đô thị trong
thời gian thích hợp…”
|
Làm sao để có cuộc vận động toàn dân nâng cao ý thức về châp hành luật lệ giao thông. Đó phải là 1 cuộc cách mạng thực sự và ùn tắc giao thông là trách nhiệm từng người dân, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải, chính quyền địa phương.
Bên cạnh việc hạn chế phương tiện cá nhân, việc phân làn cho từng loại phương tiện trên tất cả các tuyến phố tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng được Chính phủ chỉ đạo ngay sau đó. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Thủ tướng ký công văn yêu cầu Hà Nội và TP.HCM thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, trong đó, trước hết cần tổ chức phân làn lưu thông hợp lý cho từng loại phương tiện trên tất cả các tuyến phố.
Thực ra, việc phân làn không phải bây giờ mới làm. Trước đó, cách đây vài năm, Hà Nội cũng đã thí điểm làm tại 2 tuyến phố Kim Mã - Cầu Giấy và Trần Khát Chân.
Hà Nội phân làn thử trên một vài tuyến phố nhưng gặp khá nhiều bất cập |
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian không lâu, các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe gắn máy đã không tuân thủ quy định, kèm thêm những nguyên nhân khách quan khác dẫn đến việc phân làn này thất bại.
Lãnh đạo ngành GTVT tự tin rằng, trong điều kiện đường xá chật hẹp, hạ tầng giao thông chỉ có như vậy thì việc phân làn sẽ giúp lưu thông tốt, trật tự ngăn nắp hơn, không gây ùn tắc cục bộ. Và lần phân làn này, trước mắt sẽ vận động, hướng dẫn. Sau đó sẽ phạt theo quy định.
Bộ trưởng GTVT nói về cấm xe máy, phân làn
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trao đổi
về những vấn đề 'nóng' của giao thông hiện nay: Lộ trình
cấm xe máy nội đô; kế hoạch phân làn tại Hà Nội và
TP.HCM và vấn đề thu phí ô tô vào nội đô ở TP.HCM.
Bộ trưởng GTVT nói về ùn tắc nội đô
"Việc hạn chế xe cá nhân sẽ chuẩn bị làm
ngay trong thời gian tới, chỉ một số tuyến
phố sẽ làm chứ không phải tất cả. Sẽ siết
dần xe cộ và các tuyến phố đó phải có phương
tiện vận tải công cộng di chuyển...".
|
Không chỉ 'nóng' với những vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân và phân làn, lĩnh vực giao thông đang khiến người dân, đặc biệt những người sử dụng ô tô phải lo ngại và không thể không lên tiếng. Đó là vấn đề gây tranh cãi tại TP.HCM: Sở GTVT đã kiến nghị lên UBND TP cho phép triển khai thử nghiệm dự án thu phí ô tô vào trung tâm (cụ thể là quận 1 và quận 3), với mức phí 30 nghìn một lượt cho ô tô con và 50 nghìn với các xe còn lại.
Theo lãnh đạo đơn vị được giao nghiên cứu đề xuất dự án này, xe máy là phương tiện đi lại chính của người dân thành phố với hơn 80% nên các giải pháp để thu phí trong thời điểm hiện nay là khó khả thi. Bởi vậy, kế hoạch thu phí xe ôtô vào nội đô theo mô hình của Singapore là hợp lý.
Trả lời báo chí, TS Trần Xuân Dũng, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược phát triển GTVT cho hay, thực hiện dự án thu phí trong thời điểm này là hợp lý. Ông Dũng lý giải: đối tượng đi xe ôtô là những người khá giả, nên cơ quan chức năng sẽ có nguồn thu để đầu tư thêm cho hạ tầng giao thông vốn quá yếu kém hiện nay. Hơn nữa, ông Dũng cho rằng, ai cũng biết hiện ôtô là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe tại nội đô.
Tuy nhiên, dự án trên đang vấp phải những phản ứng dữ dội từ người dân và những người vốn quá am hiểu về tình hình giao thông đô thị. Có ý kiến cho rằng, mức phí 30-50 nghìn đồng đối với người điều khiển phương tiện ô tô là quá dễ dàng. Họ sẵn sàng trả phí và thậm chí còn trả được cao hơn để được vào nội đô. Khi đó, tình trạng kẹt xe sẽ không thay đổi.
Lại có bức xúc của những doanh nghiệp kinh doanh taxi, khi họ cho rằng, nếu thu phí vào nội đô thì giá cước vận chuyển lại tăng lên, người dân lại chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó là viễn cảnh taxi không đưa khách ra ngoại thành vì sợ mất phí, chỉ loanh quanh trong nội đô và tình trạng ùn tắc sẽ vẫn còn, thậm chí tăng lên.
Bạn đang ngày ngày ngồi sau vô lăng ô tô, đang điều khiển xe máy hoặc sử dụng phương tiện vận tải công cộng cũng đều liên quan đến những vấn đề 'nóng' của giao thông hiện nay.
Phân làn hay không, như thế nào cho hợp lý? Hạn chế xe máy ảnh hưởng ra sao với bạn? Thu phí ô tô vào nội đô, nên hay không? Vì quyền lợi của chính mình và cộng đồng, bạn sẽ đưa ra quan điểm?
VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên. Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "gửi ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết.
VietNamNet