– Làng nghề đóng tàu có
thâm niên hơn 700 tuổi, tại thôn Trung Kiên, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ
An) đã gánh vác nhiều trọng trách trong cuộc chiến tranh vây ráp trên biển.
Những người thợ tài hoa nơi đây đã hoàn thành những sứ mệnh lịch sử của dân tộc
giao phó, chế tác ra những con tàu.
Và mãi sau này họ mới biết, đó là những đoàn tàu không số hạ thuỷ phục vụ cho
một con đường mang tên “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Ký ức đóng những con tàu đặc biệt
Dù đã bước sang cái “tuổi xưa nay hiếm”, nhưng cụ Phan Anh Phúc (SN 1933) là
nhân chứng đóng những con tàu không số duy nhất còn sống tại làng nghề Trung
Kiên.
Mỗi lần nhắc đến về ký ức đóng tàu không số, cụ Phúc vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc lúc cấp trên giao làm nhiệm vụ đóng những con tàu huyền bí.
Cụ Phan Anh Phúc (78 tuổi) nhân chứng sống duy nhất còn lại sống tại làng nghề đóng tàu Trung Kiên - Ảnh: Quốc Huy |
Cụ Phúc kể: “Thế mã đã 50 năm rồi, cái ngày mà Đội thuỷ
văn Uỷ ban thống nhất Trung ương giao nhiệm vụ đóng tàu, sửa tàu. Cái tên gọi là
tàu không số thì sau này tôi mới được biết, chứ trước đó, khi đóng tàu chỉ biết
mình đang làm một nhiệm vụ đặc biệt. Và ai nấy đều hăng say làm ra những con tàu
dưới sự giám sát chỉ đạo của cán bộ rất nghiêm ngặt”.
Đó là khoảng thời gian từ năm 1959 đến những năm đầu tiên của thập niên 70.
Những người thợ nơi đây được tuyển chọn đều có tay nghề cao, để làm ra những con
tàu khác thường từ kiểu dáng đến kết cấu. Chính những con tàu năm xưa đó, đã tạo
nên một huyền thoại trên biển Đông.
Theo nhiều tài liệu tổ hợp trong Ban liên lạc Cựu chiến binh đoàn tàu không số
Nghệ Tĩnh năm xưa, những con tàu do HTX Trung Kiên đóng đều được ngụy trang kỹ
càng dưới hình thức những con tàu đánh cá của các ngư dân và giao cho đoàn đánh
cá sông Gianh do Tiểu đoàn 603 nguỵ trang.
Những con tàu không số mỗi khi hạ thuỷ đều có 2 lớp vỏ
với 4 khoang, phía trên là để dụng cụ đánh bắt cá và khoảng trống ngầm phía dưới
là để chở lương thực và vũ khí.
Rồi những con tàu đầu tiên cũng được hạ thuỷ, khởi hành trên biển do đồng chí
Nguyễn Bất chỉ huy vào đêm 30 Tết, nhưng chẳng may khi con tàu này đến bờ biển
Hồ Chuối (tỉnh Quảng Nam) thì bị địch phát hiện và bắt giữ. 5 trên 6 người đã
anh dũng hy sinh.
Lần lượt con tàu thứ 2 hạ thuỷ tiếp tục xuất phát từ làng đóng tàu Trung Kiên đã
cập bến Vạm Lũng (tỉnh Cà Mau) an toàn vào tháng 4/1962, ngày đó cũng là chính
thức khai thông những chuyến hàng đầu tiên trên biển vào chiến trường miền Nam
ruột thịt.
Thi thoảng nhớ nghề, cụ Phúc vẫn thường ra xưởng đóng tàu xem bậc đàn em đóng những con tàu lớn ra khơi. Ảnh: Quốc Huy |
Cụ Phúc còn nhớ như in những người thợ đóng những con
tàu đặc biệt ấy: “Thế hệ của tôi là bậc em út đóng và sửa chữa những con “tàu
không số”, tôi tham gia cùng một nhóm thợ gồm 6 ông cháu vào năm 1968, bao gồm:
ông Nguyễn Trọng Sinh; ông Phạm Quang Cảnh; ông Nguyễn Trọng Kỳ; ông Hoàng Văn
Bé và ông Nguyễn Văn Diện, hầu hết các cụ đã khuất núi.
Ngày đó, tôi mới xuất ngũ trở về làng thì được ông Mến, Chủ nhiệm HTX đóng tàu
(ông Nguyễn Thân Mến là Anh hùng lao động - PV). Một hôm ông Mến gọi tôi ra
xưởng đóng tàu và giao nhiệm vụ đóng con tàu loại mới và có kết cấu làm 4
khoang, tàu chia làm 2 lớp vỏ.
Trong lúc làm, có lần tôi hỏi đóng tàu như thế để làm gì? Nhưng cũng không được
trả lời rõ ràng và chỉ biết đó làm một nhiệm vụ bí mật và phải được giữ kín.
Thi thoảng, cụ Phúc vẫn ra ngoài xưởng đóng tàu ngày trước để xem các thế hệ sau
đóng những con tàu mới, ở đó, có những người thợ tâm huyết với truyền thống của
làng nghề, ngày đêm sáng tạo cho ra những con tàu hạ thuỷ chắc chắn.
Dựng lại mô hình lưu truyền cho thế hệ sau
Làng nghề Trung Kiên xưa gọi là Hoàng Lao, cuối triều Nguyễn gọi là xã Trung
Kiên thuộc tổng La Vân, huyện Hưng Nguyên và đến1954 cho đến nay thuộc xã Nghi
Thiết (huyện Nghi Lộc).
Ông Nguyễn Gia In (ảnh trái) và cụ Phan Anh Phúc (ảnh phải): “Chúng tôi không muốn “mặc cả” với lịch sử để đổi lấy vinh danh cho làng nghề”. Ảnh: Quốc Huy |
Về làng nghề Trung Kiên bây giờ, từ đầu cổng làng đến
cuối thôn dần thưa tiếng đục, tiếng máy cưa xẻ gỗ. Ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm
HTX đóng tàu Trung Kiên cho biết: “Trong tất cả 6 thôn thì có 4 thôn chuyên làm
nghề mộc và đóng tàu, 2 thôn còn lại chủ yếu là đi biển và làm nghề phụ khác.
Với 1.000 lao động thì có 450 người làm nghề đóng tàu'.
Năm 2003 HTX đang còn 28 cơ sở đóng tàu, nhưng nay chỉ còn lại 10 cơ sở. Trước
đây xưởng đóng tàu Trung Kiên là có quy mô nhất cả khu vực miền Bắc và đã có một
Anh hùng lao động Nguyễn Thân Mến.
Ông chủ nhiệm HTX làng nghề Trung Kiên đã bước ra ngoài tuổi 60, nhưng ông vẫn
còn nhớ, ngày các bậc cha chú đóng những con tàu không số, khi đó ông đang còn
là trẻ con, chỉ đứng ngoài nhìn vào mà không được tiếp cận để xem đóng tàu.
“Chính mảnh đất mà ta đang ngồi nói chuyện đây là nơi đã đóng những con “tàu
không số”, chính thức là đóng được 5 con tàu và sửa chữa thì nhiều tàu lắm”, ông
In khẳng định.
Ông Ngô Xuân Mến, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết cho biết: “Làng nghề Trung Kiên
được công nhận từ năm 2004, chúng tôi đã gửi hồ sơ ra Bộ tư lệnh Hải quân từ năm
2007, đã 5 năm rồi vẫn chưa có người về xác minh toàn bộ hồ sơ. Rất mong mỏi nhà
nước sớm xác nhận đơn vị là nơi từng đóng những con “tàu không số”.
Những băn khoăn, mong mỏi, hy vọng của làng nghề này lại gửi gắm vào đợt kỷ niệm
50 năm ngày những đoàn tàu không số đầu tiên xuất quân (23/10/1961 –
23/10/2011).
“Sự thật lịch sử là thế hệ cha ông chúng tôi đã đóng những con tàu không số,
chúng tôi không muốn “mặc cả” để đổi lấy vinh danh công nhận nơi đây là đóng tàu
không số. Làng nghề chúng tôi có cách đây 700 năm.
Sắp tới chúng tôi sẽ đóng những mô hình, mô phỏng lại
con tàu không số để lưu truyền lại cho con cháu. Nếu không thì những thế hệ sau
này sẽ lãng quên và không còn biết gì nữa…”.
Quốc Huy - Duy Tuấn
(Còn nữa)