– Nạn phong bì trong bệnh viện là vấn đề “ám ảnh” mỗi người bệnh, bởi đôi khi, tiền phong bì còn lớn hơn cả tiền khám hay thực hiện thủ thuật. Vấn đề này luôn nóng và mới được xới xáo lên sau khi có thông tin 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội thí điểm chiến dịch “Nói không với phong bì”...
TIN LIÊN QUAN:
Từ trước đến nay, việc đưa và nhận phong bì đã trở thành chuyện “bình thường” trong các bệnh viện. Nó đã ăn sâu vào tư tưởng của mọi người dù bệnh nặng hay nhẹ và trở thành một việc hiển nhiên.Có nhiều nguyên nhân khiến nạn phong bì xuất hiện và ngày càng trở nên nhức nhối: Bệnh nhân không muốn phải xếp hàng chờ khám bệnh quá lâu, bệnh nhân muốn lấy kết quả xét nghiệm nhanh hơn, tìm được phòng điều trị tốt hơn, sắp xếp ca mổ sớm hay đơn giản chỉ là để bác sĩ thân thiện, trò chuyện hay tư vấn thêm vài câu...
Nhiều người thì hành động theo tâm lý số đông, thấy người khác đưa phong bì mà mình không đưa thì sợ bị 'đối xử thiếu công bằng', sợ không được chăm sóc...
Tựu chung lại, từ phía người bệnh, chuyện đưa phong bì nhằm đạt được mục đích là được chăm sóc y tế tốt hơn.
Phong bì bệnh viện là nỗi ám ảnh của người bệnh. Nhiều bệnh nhân nghèo vẫn phải chi tiền cho bác sĩ để được khám và chăm sóc tốt hơn |
Mới đây, 5 bệnh viện lớn (Bạch Mai, K, Việt Đức, Phụ sản TW, E) đã ký cam kết với công đoàn Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình “nói không với phong bì” (một nội dung quan trọng của kế hoạch Triển khai quy tắc ứng xử và nâng cao y đức) nhằm nâng cao hình ảnh của ngành y tế trong nhân dân, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế.
Theo đó, cán bộ y tế thực
hiện “nói không với phong bì” và tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người
nhà bệnh nhân.
Cơ sở để đưa ra cuộc vận động này là kết quả nghiên cứu của đề án "Nói không với
phong bì trong dịch vụ y tế” của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng
đồng (RTCCD). Đề án này đã được trao giải Sáng kiến phòng chống tham nhũng năm
2011.
Kết luận được đưa ra từ một nghiên cứu chính thức về phong bì trong y tế đã được
RTCCD thực hiện năm 2010 là: phong bì trong dịch vụ y tế không làm chất lượng
dịch vụ y tế tốt lên, mà ngược lại, nó làm cho niềm tin của người dân đối với
nhân viên y tế giảm sút, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không tin tưởng nhau
giữa các nhân viên y tế.
Điều này cũng dẫn đến nguy
cơ trong xã hội là người dân mất niềm tin vào nhau, vào chính sách y tế của Nhà
nước.
Tuy nhiên, chỉ một cuộc vận động này có lẽ không đủ sức làm thay đổi điều gì.
Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng cuộc vận động này sớm muộn cũng sẽ “nguội lạnh”
hoặc diễn ra một cách hời hợt, mang tính hình thức vì nó không đi sâu giải quyết
gốc rễ của nạn phong bì.
Vậy đâu là gốc rễ của nạn phong bì bệnh viện? Vì sao nạn phong bì lại trở nên
phổ biến trong bệnh viện? Vì sao các bác sỹ lại “vòi vĩnh” phong bì của bệnh
nhân (chủ yếu là trong bệnh viện công lập)? Tác hại của việc này như thế nào?
Vì sao người bệnh vẫn cứ đưa phong bì ngay cả khi bác sỹ không đòi hỏi? Và vì sao có những bác sỹ ngày làm ở bệnh viện công thì quát nạt, vòi vĩnh bệnh nhân nhưng tối ra làm phòng khám tư lại biến thành một con người hoàn toàn khác (niềm nở, tận tình, không lấy một xu của bệnh nhân)?
Ngoài lý do “cơ chế
thị trường” thì còn những lý do nào khiến tình trạng này ngày một nhức nhối? Bộ
Y tế cần làm những gì để đẩy lùi tình trạng này?
VietNamNet mở diễn đàn “Y đức và phong bì trong bệnh viện” để bạn đọc có thể
đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên (đặc biệt là đưa ra được những giải
pháp có tính khả thi).
Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "Gửi
ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết.
VietNamNet