- Để “xoa dịu” bác sỹ, chị nhét vào túi áo bác sỹ 200.000 ngàn đồng, miệng nói tới tấp: “Trăm sự nhờ bác sỹ” khiến vị bác sỹ “hạ hỏa” và khám xét nhẹ nhàng cho bệnh nhân.

Phong bì bệnh viện: Đưa không khéo bị 'ăn mắng'
Kể từ khi cuộc vận động "Nói không với phong bì" được các bệnh viện hưởng ứng và cam kết thực hiện từ đầu tháng 9, đến nay đã là 1 tháng rưỡi trôi qua, nhưng thực tế nạn phong bì vẫn xuất hiện phổ biến trong bệnh viện.
 
Vì sao bác sĩ "nói không với phong bì"
Nạn phong bì trong bệnh viện là luôn nóng và mới được xới xáo lên sau khi có thông tin 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội thí điểm triển khai chiến dịch “Nói không với phong bì”. Nhưng liệu kết quả của nó sẽ ra sao?
 
VietNamNet mời bạn đọc chấm điểm bệnh viện
Bạn có hài lòng với thái độ của bác sĩ? Bạn từng 'sử dụng phong bì' tại bệnh viện nào? Người nhà bạn đã bị 'đối xử' ra sao? Bác sỹ và bệnh viện nào đã để lại ấn tượng nhất? VietNamNet mời độc giả chấm điểm các bệnh viện...


Khảo sát của Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy có đến 45% số bệnh nhân được hỏi cho biết họ không hài lòng với cán bộ y tế và các thủ tục hành chính trong bệnh viện.

Trong khi đó, khảo sát của VietNamNet cho thấy nhiều bệnh nhân cho biết họ mất lòng tin ở ngành y tế vì y đức cũng như thái độ phục vụ quá kém và họ không hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh.

Mất niềm tin vào ngành y tế?

Kết quả khảo sát của Công đoàn Y tế Việt Nam (được thực hiện hồi tháng 7 vừa qua) cũng trùng khớp với kết quả trong nghiên cứu của RTCCD (Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng.

Nghiên cứu này đã được trao giải thưởng sáng tạo phòng chống tham nhũng năm 2011).

Nghiên cứu của RTCCD cho thấy, tại BV chuyên khoa, BV đầu ngành hiện tượng phong bì xảy ra nhiều hơn các BV tuyến huyện, trạm y tế xã; còn BV vùng sâu vùng xa rất hiếm xảy ra tình trạng này.


Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ cần 1 năm, từ một nhân viên y tế "trắng tinh” sẽ biến thành một người "nghiện” phong bì.

Khảo sát của VietNamNet trên thực tế cho thấy nhiều bệnh nhân mất niềm tin vào cán bộ y tế và cung cách quản lý của ngành.

Theo đó, mỗi khi đi viện, ngoài mối lo lắng về bệnh tật trong người, họ rất lo lắng về chuyện sẽ được khám và đón tiếp ra sao, sợ bị bác sỹ mắng hoặc có thái độ thờ ơ lạnh nhạt, sợ phải chờ đợi quá lâu và không biết vào viện thì thủ tục sẽ phải như thế nào.

“Nhiều khi chỉ vì thiếu một cái giấy nào đó mà tôi lại phải về tận quê để lấy mang ra. Lòng vòng một tí nhưng nếu không đi thì không được thanh toán để ra viện”, chị Lan, quê Thanh Hóa, đưa con đi khám ở khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết.

Khi đưa con vào khám, chị Lan và con bị bác sỹ mắng xơi xơi vì cho rằng gia đình không quan tâm chăm sóc đến con.

“Bác sỹ còn nói “Không chăm được thì đẻ làm gì?” nhưng bác sỹ đâu có hiểu là tôi ở quê phải làm quần quật cả ngày, làm sao có thời gian chăm con như người thành phố. Bác sỹ mắng làm tôi run quá, chỉ sợ vì thế mà thằng bé không được khám cẩn thận”, chị Lan cho biết.

Để “xoa dịu” bác sỹ, chị nhét vào túi áo bác sỹ 200.000 ngàn đồng, miệng nói tới tấp: “Trăm sự nhờ bác sỹ” khiến vị bác sỹ “hạ hỏa” và khám xét nhẹ nhàng cho bệnh nhân.

Sau đó con chị Lan phải nhập viện, điều trị nội trú. Quá trình nằm viện, chị Lan chứng kiến nhiều cảnh chướng tai gai mắt.

Điển hình là lần có người nhà bệnh nhân vào thăm, hỏi cô điều dưỡng đang đứng ở đó về tình trạng của cháu, cô điều dưỡng xéo mắt về phía đứa bé rồi hỏi lại: “Không nhìn nó vẫn bình thường hay sao mà còn hỏi?” làm chị Lan choáng.

Cứ nghĩ đến cảnh đi viện những lần sau, chị sợ toát mồ hôi.

Với cung cách này, hiện nay nhiều người cho biết mỗi khi đi viện sướng nhất là có người quen làm trong viện dẫn lối chỉ đường (phong bì nhiều khi cũng không tốt bằng).

Có như vậy thì mới tránh được những phiền toái không đáng có và được đối xử tử tế.

Chưa hết, nỗi bức xúc lớn của người bệnh là hiện nay bị phân biệt đối xử theo địa vị xã hội. Anh Hoàn, một người từng đưa người nhà vào khám tại bệnh viện K cho biết trong khi hàng loạt bệnh nhân xếp hàng dài chờ khám từ sáng đến trưa không hết thì lại có những người đang yên đang lành chen ngang vào giữa.

Khi thắc mắc, nhân viên y tế của bệnh viện quay lại hỏi: “Thế các ông các bà có biết đấy là ai không?”.

“Chúng tôi nhìn nhau chẳng biết nói sao. Tưởng rằng bệnh viện chỉ ưu tiên bệnh nhân theo mức độ bệnh thôi chứ ai lại ưu tiên theo địa vị xã hội. Mà hỏi ra thì chúng tôi mới biết đó là người nhà của một cán bộ trên Bộ Y tế, vì thế họ được chăm sóc kỹ hơn”, anh Hoàn bức xúc kể lại.

Theo anh Hoàn, nhiều khi bệnh viện có làm tốt chuyên môn nhưng phục vụ kém, vòi vĩnh người bệnh thì nó có thể lấn lướt tất cả và để lại một ấn tượng rất tiêu cực.

Bệnh viện nào cũng nói là “đã làm tốt”

Trong khi đó, bệnh viện nào khi được hỏi cũng cho biết “đã làm tốt” nhưng khi bị “vặn” lại thì đều thừa nhận “vẫn còn đâu đó chuyện phong bì, vì không thể kiểm soát hết được”.

Tại BV Việt Đức, Giám đốc Nguyễn Tiến Quyết tự tin tuyên bố “Đố ai tìm được người tố cáo bác sỹ bệnh viện này nhận phong bì”.

Để thuyết phục, ông đưa ra bằng chứng đã đuổi việc những người bị bệnh nhân tố là vòi vĩnh nhằm răn đe những người còn lại.

Tuy nhiên, khi được hỏi làm sao phân biệt được phong bì “vòi vĩnh” và phong bì “cảm ơn”, hay làm sao phân biệt được việc đưa phong bì là “ép buộc” hay tự nguyện thì ông Quyết khẳng định là khó.

Khảo sát của Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy có đến 45% số bệnh nhân được hỏi cho biết họ không hài lòng với cán bộ y tế và các thủ tục hành chính trong bệnh viện.

Tại bệnh viện E – 1 trong 5 bệnh viện ký cam kết “Nói không với phong bì”, ông Đoàn Hữu Nghị - GĐ bệnh viện cũng khẳng định bệnh viện đã làm tốt việc kiểm tra, giám sát nên mấy năm nay không còn ý kiến phản ánh từ phía người bệnh về việc bác sỹ vòi vĩnh phong bì hoặc có thái độ không đúng mực trong giao tiếp.

Ông Nghị cho biết bệnh viện có hòm thư góp ý được mở hàng tháng, đường dây nóng phản ánh tức thời song cũng không có ý kiến tiêu cực nào.

“Cũng có thể là do người bệnh giờ không còn bị vòi vĩnh nữa. Nếu có đưa thì cũng đều là tự nguyện, coi như một phần để cảm ơn bác sỹ đã tận tâm chữa trị cho mình”, ông Nghị nói.

Nhận định “đã làm tốt” của lãnh đạo các bệnh viện có thể nói là trái ngược với thực tế. Bởi ngay trong khảo sát của công đoàn ngành đã chỉ ra con số không hài lòng lên tới 45%.

Có những nơi (như bệnh viện K chẳng hạn) có đến 2/3 bệnh nhân không hài lòng với cán bộ y tế và thủ tục hành chính.

VietNamNet mở diễn đàn “Y đức và phong bì trong bệnh viện” để bạn đọc có thể đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên (đặc biệt là đưa ra được những giải pháp có tính khả thi).

Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "Gửi ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết.

Ngọc Anh

(còn nữa)