- Trong các câu chuyện của các vị phụ huynh thời điểm này, điều khiến mọi người lo lắng nhất là việc đưa đón con thế nào khi đổi giờ làm việc.

Bộ trưởng Thăng nói gì về thay đổi giờ làm, giờ học ?
Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Thăng cho biết: Bộ đang chờ ý kiến thống nhất với Hà Nội nếu thấy hợp lý sẽ điều chỉnh cách nhau 1h để giảm ùn tắc.
 
Bộ trưởng Thăng: Chưa thay đổi giờ làm tuần sau!
'Cái này phải trình Thủ tướng Chính phủ chứ Bộ GTVT không quyết được và tôi chưa bao giờ nói tuần sau sẽ thực hiện phương án này cả”.


Lo con cái bị “lỗi nhịp” sinh học 

Câu chuyện nóng nhất với các chị em làm việc văn phòng bây giờ là việc cơ quan mình liệu có đổi giờ làm không? Đổi giờ xong thì sẽ đưa đón con thế nào.

Chị Lan Anh, nhân viên văn phòng trên phố Chùa Bộc (Hà Nội), tuyến phố cao điểm về việc tắc đường lo lắng: “Đáng lẽ 7h30 làm thì 7h tôi đã phải đi, trên đường đi sẽ đưa con đến trường luôn. Nhưng nếu 9h mới vào làm thì 7h vẫn phải đưa con đi học, sau đó lại mất 1 lượt xe nữa để đi về thì lưu lượng giao thông trên tuyến không những không giảm đi mà còn tăng thêm”.

Đường Giải Phóng giờ cao điểm

Nhiều chị em lo lắng bởi việc thay đổi giờ làm sẽ khiến cuộc sống cả gia đình bị xáo trộn.

Chị Minh, một nữ nhân viên công sở làm việc tại phố Thụy Khê cho biết, nhà chị ở tận Thanh Trì, mỗi lần lên cơ quan đã cực khổ vô cùng.

Nhưng nếu thay đổi giờ làm thế này thì buổi sáng có thể còn đưa con đi học. Nhưng chiều thì chẳng biết xoay xở thế nào khi ông bà nội ngoại đều đang ở xa, không thể trợ giúp được.

Nhiều bà mẹ lo lắng rằng, bao nhiêu năm nay, các bé vẫn đi học từ 7h30 nên nếu điều chỉnh giờ học thì cũng phải điều chỉnh cả giờ nghỉ trưa, rất có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của các cháu.

Vụ Vận tải (Bộ GTVT) sau nhiều chuyến khảo sát tại Hà Nội đã có báo cáo gửi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về giải pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm. Trong đó đề xuất quy định cụ thể giờ đi học từ 6h30 đến 7h30; giờ làm việc của các cơ quan trung ương trên địa bàn Hà Nội bắt đầu từ 8h00; giờ làm việc của các cơ quan địa phương từ 8h30; giờ mở cửa của các trung tâm kinh doanh, thương mại: từ 9h30 đến 10h00.

Nhiều gia đình đi làm công sở cho rằng, nếu theo đúng giờ này thì việc đưa con đi học có thể thu xếp ổn thỏa.

Nhưng con đi học sớm thì tan học cũng sớm, trong khi cha mẹ đi làm muộn, tan muộn thì không biết đưa đón con thế nào? Chưa kế nhịp sống của gia đình chắc chắn sẽ đảo lộn khi cha mẹ về muộn thì cơm nước, giờ nghỉ cũng thay đổi theo.

“Ủng hộ một phiếu cho bộ trưởng Thăng”

Mặc dù có nhiều lo lắng cho việc đổi giờ làm, nhưng khảo sát thực tế lại thấy, nhiều bậc phụ huynh lại rất đồng tình với việc đổi giờ làm để tránh ùn tắc đường.

Mặc dù có nhiều lo lắng cho việc đổi giờ làm, nhưng khảo sát thực tế lại thấy, nhiều bậc phụ huynh lại rất đồng tình với việc đổi giờ làm để tránh ùn tắc đường

Thành viên tienlocke trên diễn đàn webtretho cho rằng: “Tất nhiên là sẽ có những bất tiện, nhưng dần dần mọi người sẽ thích nghi thôi. Cứ nghĩ lại chính sách đội mũ bảo hiểm thì biết ngay. Lúc đầu ai ai cũng phản đối, gần như 100% phản đối vì những lý do như: "bất tiện", "tôi ở cơ quan, bạn tôi qua đón đi chơi thì tôi lấy đâu ra mũ bảo hiểm để đi", rồi thời gian đầu hay bị mất cắp mũ thì "bảo quản mũ bảo hiểm kiểu gì, tôi vừa mất tiền gửi xe vừa mất tiền gửi mũ bảo hiểm à"... hay "mũ bảo hiểm chất lượng kém, quản lý kiểu gì?", "đội mũ bảo hiểm chất lượng kém còn nguy hiểm hơn"...

Nhưng hiện tại, mọi người thấy đấy, gần như tất cả đã quen với việc đội mũ bảo hiểm, tất nhiên có bất tiện nhưng mọi người đều đã thích nghi. Còn những bất tiện khi thay đổi giờ làm thì dần dần mọi người sẽ thích nghi được hết như việc đổi mũ bảo hiểm thôi.

Vì chưa có cách giải quyết triệt để, cách này có thể làm giảm bớt tắc đường thì nên tiến hành. Và mọi người cũng nên ủng hộ, vì lợi ích chung của xã hội”.

Cùng ý kiến với thành viên tienlocke, rất nhiều topic tại các trang mạng xã hội được đưa ra để bình luận về việc đổi giờ làm: “Phương án đổi giờ làm này tuy tầm rộng hơn phân làn đường, nhưng nếu tiến hành thử nghiệm thì cũng dễ khả thi như đội mũ bảo hiểm thôi vì nó cũng không đến nỗi đụng chạm nặng đến kinh tế hay nhu cầu bắt buộc đi lại của người dân”.

Thậm chí, có những diễn đàn còn lập thêm cả topic đề xuất phương án đổi giờ để ủng hộ cho ý tưởng của Bộ trưởng Bộ giao thông: “Học sinh cấp 2-3, sinh viên: Giờ học 7h15; Học sinh tiểu học, mẫu giáo: Giờ học 7h30; Khối doanh nghiệp, tư nhân: Giờ làm việc 8h; Khối hành chính sự nghiệp, cơ quan nhà nước: Giờ làm việc 9h.

Có một số sẽ thấy bất cập, nhưng họ sẽ phải tự điều chỉnh khắc phục. Ví dụ lâu nay chúng ta tan giờ làm là hơn 5h, 6h kém về đến nhà, nhưng con chúng ta tan học lúc 4h30 mà vẫn sắp xếp được đấy thôi”.
 

Hiện nay, giờ làm việc của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trung ương tại Hà Nội bắt đầu từ 7h30, kết thúc 16h30.

Cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp địa phương bắt đầu từ 8h, kết thúc lúc 17h.

Đối với trường học, bậc mầm non và tiểu học bắt đầu lúc 7h45, kết thúc 16h45; bậc THCS, THPT bắt đầu học lúc 7h30, kết thúc 17h15. Các trường ĐH, CĐ, THCN - dạy nghề bắt đầu học lúc 6h45, kết thúc 17h30.

Toàn thành phố có hơn 350.000 học sinh mầm non. Ngoài ra, bậc tiểu học cũng có gần nửa triệu em và THCS cũng có trên 320.000.

  • Hải Anh