- Xung quanh Dự thảo đề xuất giờ làm việc, giờ học vừa được Bộ GTVT gửi UBND.TP.Hà Nội, sáng 22/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Hiện Bộ đang thống nhất với Hà Nội về thay đổi giờ làm, giờ học và tuần sau mới xong để trình Chính phủ.


Trong bản dự thảo gửi UBND TP.Hà Nội, để giảm tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, bộ GTVT tải đề xuất thay đổi thời gian làm việc và học tập. Cụ thể công chức cơ quan trung ương sẽ làm giờ ca sáng từ 9h đến 12h ca chiều từ 13h đến 18h. Công chức Hà Nội sẽ làm giờ ca sáng từ 8h30 đến 12h và ca chiều từ 13h đến 17h30.

Bộ Giao thông đang thống nhất với Hà Nội về thay đổi giờ làm, giờ học và tuần sau mới xong để trình Chính phủ

Bậc mầm non, tiểu học, THCS sẽ học bán trú từ 8h đến 17h30. Học sinh THPT sẽ học ca sáng từ 7h đến 11h; ca chiều từ 12h30 đến16h30.

Sinh viên đại học quận Cầu Giấy sẽ học ca sáng từ 7h đến 12h và ca chiều từ 12h30 đến 17h30. Sinh viên quận Đống Đa học ca sáng từ 6h30 đến 11h30 và ca chiều từ 12h45 đến17h45. Sinh viên quận Thanh Xuân học ca sáng từ 6h45 đến 11h45 và ca chiều từ 12h30 đến 17h30. Sinh viên quận Hai Bà Trưng học ca sáng từ 6h30 đến 11h30 và ca chiều 12h45 đến 17h45.

Các trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9h30 đến 23h30.

Bản dự thảo Bộ GTVT gửi UBND TP.Hà Nội được xây dựng trên cơ sở Bộ trưởng Thăng từng khẳng định: Việc thay đổi giờ đi làm của người lớn với thay đổi giờ đi học của trẻ em phải phù hợp. Ngoài ra, giờ học cũng không thể đưa về một thời điểm giống nhau, vì có những tuyến phố có nhiều trường đại học.

Trước ý kiến đề xuất này của Bộ GTVT, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản hoả tốc gửi Giám đốc các Sở GTVT, Nội vụ, GD&ĐT, Công thương, Lao động, Thương binh & Xã hội; Công an TP, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, UBND Thành phố giao Sở GTVT chủ trì cùng các Sở, ngành nói trên và các cơ quan liên quan kiểm tra, khảo sát, tính toán trên cơ sở khoa học, thực tiễn…. tổng hợp, đề xuất và dự thảo văn bản của UBND Thành phố gửi Bộ GTVT trước ngày 25-10-2011.

Điều chỉnh cách nhau 1h mới có tác dụng?

Dựa trên bản dự thảo vừa được Bộ GTVT gửi UBND TP.Hà Nội có thể thấy khoảng cách giờ tan tầm giữa các trường Đại học, Cao đẳng cũng như cán bộ công chức Hà Nội và Trung ương chỉ cách nhau 30 phút. Trong khi một số đông người dân Hà Nội sau khi đi làm về mới có thể đón con ở cách xa nơi làm việc, vậy việc giảm áp lực giao thông vào giờ tan tầm có hiệu quả?

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho biết: Điều chỉnh thời gian đi làm, đi học phải cách nhau khoảng một tiếng đồng hồ, chứ không phải nửa tiếng như kế hoạch năm 2007.

“Học sinh cấp 1 đi học lúc 7h, thì học sinh cấp 2 đi học lúc 8h, hoặc học sinh đi học lúc 7h thì các cơ quan đi làm lúc 8h, cách nhau khoảng 1 tiếng trở lên thì mới có tác dụng.

Đối với giờ tan tầm, các cơ quan Trung ương về lúc 16h, còn các cơ quan của Hà Nội về lúc 17h. Đấy là việc bình thường không có vấn đề gì ảnh hưởng đến đời sống hay học tập của người dân”, ông Thủy nói.

 Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Thăng cho biết: Bộ đang chờ ý kiến thống nhất với Hà Nội nếu thấy hợp lý sẽ điều chỉnh cách nhau 1h để giảm ùn tắc.

Vũ Điệp