- Tại buổi tọa đàm về y đức và phong bì bệnh viện do báo VietNamNet tổ chức, ông Trần Tuấn Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng – RTCCD (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN) đã đề xuất thành lập bộ phận giám sát chất lượng y tế độc lập, hướng về phía người bệnh, hỗ trợ họ đánh giá nhu cầu chăm sóc y tế và chất lượng dịch vụ họ được thụ hưởng.
Y đức là vấn đề nóng bỏng luôn nhận
được sự quan tâm của đông đảo người dân ở mọi tầng lớp. Việc vận
động và phát triển trong nền kinh tế thị trường đã đặt ngành y tế
trước những cơ hội và cả thách thức lớn trong việc đảm bảo chất
lượng dịch vụ và sự minh bạch. Trong phần tiếp theo của bàn tròn về Y đức và phong bì bệnh viện, Phó Giám đốc bệnh viện K và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã có những tranh luận khá độc đáo về vấn đề phong bì, quà biếu cảm ơn bác sĩ. |
Theo ông Trần Tuấn, bộ phận
này sẽ hoạt động độc lập với tất cả các bên để giải quyết được bài toán chênh
lệch thông tin giữa bác sỹ và người bệnh, từ đó tạo ra cơ sở để dẹp bỏ dần những
biểu hiện vi phạm y đức rất phổ biến hiện nay như: Lạm dụng xét nghiệm, kê đơn
thuốc vô tội vạ, …
Ông Trần Tuấn đã đưa ra những phân tích, nhận định để chứng minh rằng chuyện
không công bằng và tham nhũng trong y tế Việt Nam hiện nay là tất yếu, bởi bên
cung ứng dịch vụ (bệnh viện, bác sỹ) hoàn toàn tự quyết tất cả các vấn đề (như
nhu cầu, mức độ) chăm sóc y tế của bên nhận dịch vụ (người bệnh).
Trong bối cảnh các biện pháp giám sát của ta chưa tốt, và quan trọng hơn là chế
độ đãi ngộ chưa xứng đáng, cán bộ y tế sẽ “lạm dụng” kỹ thuật, thuốc thang để
kiếm lời.
Vì thế, theo ông Trần Tuấn,
cần thiết phải lập ra bộ phận giám sát độc lập để hướng tới một nền y tế minh
bạch, lấy đó làm cơ sở để quản trị, nâng cao y đức.
Cần tiếng nói đối trọng
- Thưa ông Trần Tuấn, cơ
sở nào để ông đưa ra đề xuất này và theo quan điểm của ông thì có thể hiểu là:
Vì không có bộ phận giám sát, đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ y tế nên hiện
nay y đức càng có thêm đà giảm sút - với các biểu hiện như lạm dụng thuốc, xét
nghiệm - để tăng thu nhập?
Ông Trần Tuấn: Người bác sỹ là người chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Họ
mang trên mình trọng trách rất lớn khi người bệnh tin tưởng và hoàn toàn đặt vào
tay họ giá trị cao nhất của bản thân mình – đó là sức khỏe, là sinh mạng.
Nhưng có một mâu thuẫn là trong khi giao phó hoàn toàn sức khỏe và sinh mạng cho
bác sỹ và bệnh viện thì người bệnh không đánh giá được giá trị chăm sóc mà họ
được nhận (vì họ không có chuyên môn và nghề y là nghề đặc biệt, không giống như
mớ rau hay cái áo, tốt xấu có thể nhìn là biết mình có cần hay không và cần ở
mức độ nào).
Tại Việt Nam hiện cũng có những tổ chức, đơn vị giám sát (ngay trong các bệnh
viện cũng có việc giám sát, quản lý, hoặc ở cấp cao hơn Tổng hội Y học). Nhưng
tôi xin nhấn mạnh rằng chuyện giám sát hiện nay trong ngành y tế vẫn hoàn toàn
là giám nội bộ (người của Tổng hội Y học trước đây cũng là người của Bộ Y tế).
Như vậy thì làm sao có thể
đảm bảo tính khách quan, công bằng được khi mà họ có cùng lợi ích với nhau? Một
ông bác sỹ làm sai thì ông giám đốc cũng bị liên đới. Như vậy không thể có sự
minh bạch, khách quan nếu chỉ có giám sát nội bộ ngành.
Bằng chứng là Bộ Y tế luôn nói có giám sát, có thực hiện điều này điều khác
nhưng trên thực tế là bên cung cấp dịch vụ (bác sỹ, bệnh viện) đang tận thu và đẻ ra một loạt hệ quả như lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng thuốc, chất lượng điều
trị chạy theo đồng tiền, vv…
Thậm chí, chúng ta cũng thấy nhiều vụ việc kiện cáo, khiếu nại giữa người bệnh
và bệnh viện, bác sỹ liên quan đến y đức hoặc chuyên môn nhưng cuối cùng thì
không đi đến đâu vì người bệnh luôn ở vào thế “yếu”.
Vì thế, với tư cách là nhà khoa học, tôi (và cả các cộng sự cùng nghiên cứu) đã
đề xuất thành lập tổ chức trung gian độc lập giám sát chất lượng dịch vụ y tế,
hướng về phía người bệnh và trợ giúp họ trong vấn đề xác định nhu cầu, chất
lượng dịch vụ, kể cả việc họ có những khiếu kiện.
Tiến sĩ Trần Tuấn đề xuất thành lập bộ phận giám sát chất lượng y tế độc lập, hướng về phía người bệnh, hỗ trợ họ đánh giá nhu cầu chăm sóc y tế và chất lượng dịch vụ họ được thụ hưởng nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong y tế, giúp cải thiện và quản trị y đức. Ảnh: Phạm Hải |
- Ông có thể nói
rõ việc tổ chức này sẽ được thành lập và hoạt động như thế nào?
Ông Trần Tuấn: Tổ chức này có thể do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật
Việt Nam (hoặc tổ chức nào đủ khả năng, nguồn lực) lập ra, hoạt động hoàn toàn
độc lập với Bộ Y tế và hướng về phía người bệnh, trợ giúp họ trong các vấn đề
chuyên môn, kể cả khi họ cần khiếu nại các vấn đề chuyên môn thì họ cũng sẽ được
chỉ giúp về việc phải đi đâu, làm gì (có thể rồi họ sẽ vẫn phải qua Bộ Y tế
nhưng họ sẽ được hỗ trợ ở mức tốt nhất có thể).
- Là người trực tiếp quản lý cán bộ y tế và có lẽ cũng
thường xuyên phải xử lý các ý kiến của bệnh nhân liên quan đến chất lượng dịch
vụ y tế, lạm dụng thuốc, xét nghiệm, …, ông Thuấn (Phó giám đốc bệnh viện K Hà
Nội - PV) nghĩ sao về đề xuất của ông Trần Tuấn? Ông có cho rằng nếu tổ chức này
ra đời thì ít nhiều sẽ khiến các bác sỹ, bệnh viện sẽ phải “thận trọng” hơn
không?
Ông Trần Văn Thuấn: Với mức thu viện phí và lương cho cán bộ Y tế hiện tại thì Ngành Y đang là ngành “phục vụ” chứ không phải cung ứng “dịch vụ”. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để bảo vệ quyền lợi của người thày thuốc.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất cần có sự phản biện của xã hội để nhìn nhận đúng đắn xem đã làm được gì và chưa làm được gì để cống hiến tốt hơn. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, với điều kiện hiện nay thì những gì mà Ngành Y tế làm được là hết sức lớn lao.
Nhiều chuyên gia nước ngoài sang Bệnh viện K làm việc. Họ cho biết họ không thể tưởng tượng được là một bệnh viện phải làm việc suốt từ 4h sáng đến 23 giờ đêm mà thu nhập của cán bộ còn rất khiêm tốn.
Ông Trần Văn Thuấn (phải) ủng hộ đề xuất của ông Trần Tuấn (trái) vì theo ông Thuấn, ngành y tế cũng rất cần có sự phản biện của xã hội để nhìn nhận đúng đắn xem đã làm được gì và chưa làm được gì để cống hiến tốt hơn. Ảnh: Phạm Hải |
- Xin được hỏi ông Trần Tuấn là: Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam có vai trò nghiên cứu và phản biện các chính sách công của Nhà nước. Ông là một nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội và đã có nhiều nghiên cứu, phản biện về chính sách y tế công. Vậy những đề xuất ông vừa nêu đã bao giờ được phản ánh đến các lãnh đạo chưa?
Ông Trần Tuấn: Chúng tôi đã phân tích một cách khoa học, khách quan để xem hiện nay hệ thống y tế Việt Nam còn cần những gì và tổ chức giám sát độc lập mà tôi vừa nêu là một trong những cái hệ thống y tế của ta còn thiếu.
Quốc hội và cả Trung ương đã tổ chức nhiều hội
thảo để chúng tôi trình bày ý kiến của mình. Và họ đã chấp nhận những ý kiến của
chúng tôi.
Nhưng cuối cùng cơ chế khám chữa bệnh của Bộ Y tế như hiện nay vẫn được thông
qua. Điều đó có nghĩa là họ có lắng nghe ý kiến của chúng tôi và quyết định cuối
cùng vẫn thuộc về họ.
Chúng tôi từng đề nghị các cấp lãnh đạo cho thí điểm một tỉnh theo những quan
điểm, suy nghĩ, phân tích của chúng tôi nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Tôi cho rằng hiện ngành y tế của ta cần phải cải cách và để thực hiện được điều
này, lãnh đạo nên thu nhận những ý kiến của các nhà khoa học và của người dân
(bênh cạnh sáng kiến của Bộ y tế). Khi đó các nhà chính trị có thể lựa chọn cho
mình giải pháp thích hợp và đúng đắn nhất.
Bài toán y đức: Giải thế nào?
- Trong các phần trao đổi trước, hai ông cũng đã nói khá rõ về nguyên nhân gây nên tình trạng y đức xuống cấp và nạn phong bì bệnh viện. Theo hai ông, bài toán này cần phải được giải quyết theo hướng nào?
Ông Trần Tuấn: Như tôi đã nói, hiện nay
cấu trúc y tế của ta rất bất ổn (công – tư lẫn lộn, công – tư móc ngoặc với
nhau, …) khiến cho y đức được nuôi dưỡng trong môi trường xấu, và (cộng với sự
xuống cấp chung của đạo đức xã hội) tất yếu nó cũng bị xấu theo.
Vì thế, để giải bài toán này, tôi cho rằng chúng ta phải cấu trúc lại hệ thống y
tế theo 3 khu vực: Y tế tư nhân, y tế công lập và y tế nhân đạo.
Theo quy luật thị trường, Y tế tư nhân sẽ rất mạnh về điều trị và họ sẽ tập trung mạnh vào mảng này. Nhà nước không nên ôm đồm tất cả, cái gì tư nhân làm được thì hãy để họ làm. Nhiệm vụ của Nhà nước là tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho y tế tư nhân hoạt động và thực hiện giám sát chất lượng y tế tư nhân sao cho đảm bảo (tránh chuyện lạm dụng này nọ). Ai muốn sang khu vực y tế tư nhân làm thì hãy tạo điều kiện cho họ.
Còn lại, Y tế công lập sẽ tập trung giải quyết các vấn đề về giáo dục sức khỏe, y tế dự phòng (nói chung là y tế cộng đồng) và Nhà nước cần đầu tư để cán bộ y tế làm cho khu vực này có thù lao xứng đáng (để họ không chạy sang y tế tư nhân). Nguồn lực tài chính chúng ta có hạn, vì thế phải cắt hết chỗ thừa, tập trung cho chỗ cần thiết để đẩy mạnh chúng lên.
Thứ 3 là cần duy trì hệ thống y tế nhân đạo để đảm bảo người nghèo không bị từ chối khám chữa bệnh.
Chỉ khi nào chúng ta giải quyết được gốc gác của vấn đề như trên thì mới có thể nói đến chuyện nâng cao y đức. Hiện giờ, chúng ta tập trung giảm tải, tổ chức cuộc thi này hay phát động phong trào nọ, thường xuyên giáo dục y đức, vv… thì cũng rất cần thiết nhưng mới chỉ chạm đến cái ngọn của vấn đề.
Đất nước chúng ta còn nghèo, nguồn lực có hạn và vì thế ta phải tìm cách tổ chức nguồn lực ấy sao cho có hiệu quả tốt nhất.
Ông Trần Tuấn cho rằng người bệnh VN hiện nay đã quá khổ và việc cải cách y tế là việc tất yếu phải làm (Ảnh: VietNamNet) |
Ông Trần Văn Thuấn: Về vấn đề nâng cao y đức thì chúng tôi cũng đã thực hiện trao đổi qua các buổi giao ban trong viện và được thực hiện thường xuyên.
Chúng tôi tổ chức tập huấn nâng cao y đức cho cán bộ trong tất cả các khoa. Đối với bệnh nhân thì chúng tôi tuyên truyền cho họ dưới nhiều hình thức như trao đổi trực tiếp thông qua quá trình khám chữa bệnh, thông qua hệ thống loa đài phát thanh (nhất là vào giờ cao điểm), vv …
Hi vọng rằng thông qua quá trình tuyên truyền, giáo dục và những biện pháp đồng bộ khác, dần dần người bệnh sẽ hiểu rằng không phải cứ có phong bì thì mới được khám chữa bệnh.
Thực tế, chúng tôi cũng có nhiều lần quyên góp tiền cho người bệnh để người bệnh
lấy chi phí về quê, bởi phần lớn những người đến viện K chữa ung thư là người
bệnh nghèo hoặc cận nghèo nên chúng tôi cũng thường kêu gọi các tổ chức trong và
ngoài nước ủng hộ, hỗ trợ cho họ.
Ví dụ: Hỗ trợ cơm trưa và cháo cho người bệnh và người nhà người bệnh, giảm viện
phí cho những hộ khó khăn,… Gần đây tôi đã đề xuất với Bộ Y tế cho phép thành
lập quỹ hỗ trợ người bệnh nghèo mang tên “Ngày mai tươi sáng”. Hi vọng trong
tương lai chúng tôi có điều kiện tốt hơn hỗ trợ người bệnh nghèo, thực hiện y tế
nhân đạo thay vì chỉ có y tế công và y tế tư như anh Tuấn đã phân tích ở trên.
- Có biện pháp nào đột phá không, thưa ông? Ông đánh giá thế nào về đợt triển khai thí điểm thực hiện Quy tắc ứng xử và văn minh giao tiếp tại 5 bệnh viện do công đoàn ngành y tế Việt Nam đưa ra?
Ông Trần Văn Thuấn: Tôi nghĩ nâng cao y đức là việc chúng ta phải làm dần dần, từng bước một và đồng bộ nhiều giải pháp, trước mắt thì chưa thể triệt để ngay được. Cùng với trau dồi y đức thì phải giải quyết quá tải bệnh viện và chăm lo đến đời sống cán bộ y tế.
Việc triển khai thí điểm ở bệnh viện của tôi là chủ trương đúng đắn. Tôi nghĩ không chỉ riêng 5 bệnh viện lớn mà các bệnh viện khác cũng cần thực hiện sao cho các bệnh viện không chỉ có chuyên môn tốt mà tinh thần phục vụ cũng phải tốt.
Nhóm phóng viên