- Theo cách hiểu thông thường của người dân thì “vàng có trên đất của tôi, đất ấy đã có sổ rồi thì tôi phải được khai thác”. Và đó là lý do để nhiều người “hùn hạp” đất ruộng với chủ bưởng để làm vàng, ăn chia theo thỏa thuận. Và trên hết, xã, huyện lại đau đầu!
Tự nguyện “bắt tay” với vàng tặc
Trong báo cáo tóm tắt công tác quản lý lĩnh vực khoáng sản (huyện Na Rì, Bắc Kạn) ngày 07/11/0211 gửi Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bắc Kạn, một trong những tồn tại gây khó khăn cho công tác quản lý, đó là thực trạng “một số hộ dân có đất đã tự ý thỏa thuận với chủ phương tiện để khai thác vàng trái phép và chủ yếu khai thác vào ban đêm, rất khó cho công tác truy quét”.
Trước đây, khu vực này là đất ruộng... |
Thực tế này cũng được Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Na Rì, ông Nguyễn Đức Lai thừa nhận: “Người dân có ruộng, ruộng đó đã được nhà nước cấp GCNQSD, và họ lập luận: vàng có trên đất của họ, thì họ được quyền khai thác. Không có lý do gì mà thu hồi đất của dân để giao cho DN khác từ đâu đến để lấy vàng.
Người dân kiến nghị được tự khai thác. Vì lẽ đó, nhiều nhà liên kết với các chủ máy móc, bên có đất, bên có phương tiện, tỷ lệ ăn chia theo thỏa thuận. Chuyện người dân “đi đêm” như thế, huyện bó tay, không thể kiểm soát hết được”.
Cũng theo ông Lai, đã có những câu chuyện truyền tai ở Na Rì: có những hộ dân, chỉ trong một đêm liên kết với chủ phương tiện có máy xúc, máy sàng tuyển, cả mảnh ruộng vài trăm mét đã bị ngoạm ngon lành. Cũng có hộ may mắn trúng vỉa, kiếm được bạc tỷ, nhất là trong thời điểm giá vàng đang tăng lên vùn vụt.
Còn đây là dòng sông Bắc Giang có chiều dài 28,5km chảy qua địa bàn huyện Na Rỳ. |
Hiện tại, ở Na Rỳ đang có 5 điểm khai thác vàng cấp cho các DN: mỏ vàng Bản Giang (xã Lương Thượng) giao cho cty An Thịnh với diện tích 11,27ha, thời hạn khai thác 17 tháng; mỏ vàng Ao Tây; mỏ vàng Tân An; mỏ Tốc Lù; mỏ Nà Làng.
Trong số đó, 3/5 mỏ không thực hiện theo đúng cam kết hoàn thổ, bị đình chỉ, đóng cửa mỏ; doanh nghiệp “chầy bửa” xin gia hạn cấp phép thêm, và nhiều điểm mỏ tỉnh cũng… đồng tình, nhưng rồi đâu lại vào đấy, có điểm mỏ tỉnh không xử lý được vì khi đến nơi, chủ dự án đã... cao chạy xa bay!
Bốn điểm mỏ khác được cấp phép khai thác cát trên sông Bắc Giang thuộc các xã Lạng San, Lương Thành, Lam Sơn.
Tuy nhiên, trước thực tế “ở Bắc Kạn chỗ nào cũng có vàng” như lời một quan chức địa phương, các chủ mỏ này lại tiếp tục kiến nghị lên huyện xin được khai thác vàng. Huyện thấy có lý, kiến nghị lên tỉnh. Vô hình trung, huyện miền núi như Na Rỳ cùng một lúc có cả chục điểm khai thác vàng cùng bám dọc 28,5km sông Bắc Giang.
Thực trạng cũng không sáng sủa hơn đối với huyện “hàng xóm” của Na Rỳ - huyện Ngân Sơn. Một vệt các xã ven sông Bắc Giang và ven đường quốc lộ 3B, những vạt đất ruộng, đất bãi… của người dân được “thế chấp” với các chủ bưởng, tiến hành khai thác theo phương pháp công nghiệp: dùng máy xúc, máy sàng tuyển… để tiến hành khai thác.
Chủ tịch xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, ông Đào Việt Hưng không giấu giếm: “Cái này ở Thuần Mang xảy ra nhiều lắm. Ruộng đất bị xới lên lấy vàng, xới xong rồi trở thành hoang hóa, muốn canh tác trở lại cũng phải mất vài năm trời…”.
Chủ phương tiện sử dụng các phương tiện cơ giới hoá hiện đại để đào đãi vàng. |
Theo đó, từ năm 2009 đến nay, bà con xã Thuần Mang đã “nướng” 10,6 ha đất nông nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép. Trong xã lúc nào cũng có mặt của không dưới bốn chiếc máy xúc của bốn đội khai thác tại các điểm Nà Thia – Bản Băng (khai thác trên đất soi bãi ven sông); Tẩu Bản – Bản Giang khai thác trên đất ruộng; Nà Looc – Bản Giang khai thác trên đất rẫy; Xăn Có – Nà Chúa khai thác đất ven suối.
Cay đắng nhất, khi lực lượng chức năng của xã đến kiểm tra xử lý thì không còn một bóng người, chỉ có máy móc. Và, vì những lỗ hổng của văn bản pháp lý, tổ kiểm tra lại phải… tay trắng ra về.
Xã Thuần Mang đã có văn bản kiến nghị lên Phòng TN-MT huyện Ngân Sơn, chỉ đích danh hai hộ dân kèm theo là ông Đinh Thiện Nghị, ông Đinh Thiện Dũng mang đất ruộng nhà mình “cấu kết” với chủ bưởng để khai thác vàng.
Xã nói nhưng họ vẫn để ngoài tai, nên đành phải kiến nghị lên cấp trên nhờ huyện can thiệp giúp…
Vàng tặc ồ ạt xuất hiện vì… giá vàng tăng
Trước sự phức tạp của tình trạng khai thác vàng trái phép, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc tăng cường quản lý, xử lý, giám sát…
Tuy nhiên, “vàng tặc” thì đứng trong tối, lực lượng chức năng vừa mỏng về số lượng, vừa hạn chế về năng lực, lại phải phụ trách địa bàn rộng ở khu vực miền núi…, cho nên, rất khó để có thể xử lý vấn nạn trên trong một sớm một chiều.
Tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép tại Na Rỳ, Ngân Sơn thực sự “nóng” trở lại từ thời điểm tháng 9/2011. QĐ số 2839/UBND-CN của UBND tỉnh Bắc Kạn ngày 26/10/2011 thừa nhận: hoạt động khai khoáng trái phép có chiều hướng diễn biến phức tạp, hoạt động khai thác trái phép diễn ra công khai, thách thức chính quyền địa phương tại các xã Cốc Đán, Thượng Quan, Vân Tùng, Hương Nê (huyện Ngân Sơn); Khuổi Nộc, Lương Thượng (huyện Na Rỳ), Yên Hân (huyện Chợ Mới).
Nước thải đổ trực tiếp ra bên ngoài tự lắng cặn. |
Chỉ thị số 02 – CT/HU của Ban thường vụ huyện Na Rỳ chỉ ra thực trạng: hoạt động khai thác vàng trái phép có chiều hướng gia tăng với tính chất tinh vi, phức tạp hơn; tập trung chủ yếu trong khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, dọc sông Bắc Giang…
Các đối tượng khai thác dưới nhiều hình thức, sử dụng các phương tiện khai thác hiện đại như máy xúc, máy đào, máy bơm phụt, dàn tuyển rửa gọn, nhẹ, dễ dàng, cơ động…
Chỉ tính riêng trong tháng 10/2011, qua các đợt kiểm tra, truy quét, Na Rỳ đã tịch thu 14 máy nổ, sên hút, vòi xả và các vật dụng khai thác; trục xuất hai nhóm tập kết máy móc phương tiện chuẩn bị khai thác trái phép tại Khuổi Cáy (xã Đổng Xá) và Phiêng Khoang, Hợp Thành (xã Lam Sơn)…
Những bãi soi ven sông bị "ngoạm" không thương tiếc như thế! |
Tuy nhiên, sự quyết liệt như trên cũng chưa đủ, bởi theo thừa nhận của ông Nông Danh Hiển, chủ tịch UBND huyện Na Rỳ: “Có sự việc tổ công tác đi kiểm tra, thông tin bị lọt ra bên ngoài. Cho nên, khi tổ công tác tới nơi thì chủ phương tiện đã lẩn trốn hết, không làm được gì, anh em phải ra về tay không.
Huyện đang tiến hành điều tra để truy trách nhiệm cá nhân nào để lộ thông tin ra bên ngoài, và hoàn toàn có khả năng có cán bộ làm chân trong tiếp tay cho vàng tặc”.
Một nghịch lý chưa từng có tiền lệ, chủ phương tiện tham gia khai thác vàng trái phép nộp đơn… kiện chính quyền vì thu giữ máy móc của họ. Trong thời gian chờ xử lý, UBND tỉnh phải bỏ tiền thuê người dựng lán để trông coi máy, với mức ngày công 100 ngàn đồng/người/ngày!?
Kiên Trung
(còn nữa)