- Không thể sử dụng chuyên môn hoặc vị trí công việc để tăng thu nhập, các công chức hiện nay đang phải “bấu víu” vào bố mẹ, vợ/chồng, anh em, hoặc phải tự thân vận động bằng mọi công việc khác nhau để đảm bảo cuộc sống.

>>
Không dám sinh con vì lương thấp
>> Làm Nhà nước 23 năm, hưởng lương... 2 triệu

Lao động tay chân

Làm công chức trong ngành thống kê tại Hà Nội đã trên 20 năm, hiện nay chị H. đang hưởng lương gần 3 triệu đồng/tháng (với hệ số 4,1). Chồng chị H. đã phải nghỉ hưu từ 5 năm nay vì sức khỏe không cho phép.

Mỗi tháng cả nhà “co ro” chi tiêu trong khoảng 4 triệu đồng (kể cả lương hưu của chồng). Với 4 miệng ăn, chị H. cảm nhận rõ rệt sự thiếu thốn khi các con bắt đầu bước vào cấp 2.

Hàng ngày, sau khi kết thúc công việc tại cơ quan, chị H. tất bật chuẩn bị bữa tối cho chồng con rồi bắt tay vào việc làm hàng mã tại nhà. Đây là công việc chồng chị vẫn làm thường ngày kể từ khi nghỉ hưu.

Nhiều công chức đang đau đầu vì mức thu nhập thấp (ảnh: Internet)

Công việc này không quá nặng nhọc, mỗi ngày làm đến khoảng 11h đêm có thể đem về cho vợ chồng chị H. thêm một khoản thu nhập khoảng 50 - 60 ngàn đồng, gần đủ để cả gia đình vơi đi nỗi lo rau dưa, mắm muối, gạo, điện nước, … Phần lương 4 triệu đồng của 2 vợ chồng được sử dụng cho các con ăn học, lo mọi chuyện phát sinh trong và ngoài gia đình.

“Nhiều khi tôi cũng tự hỏi là liệu làm cách này mãi có thể trụ được không, khi mà bọn trẻ học lên cấp 3, rồi có thể chúng sẽ vào Cao đẳng hoặc ĐH. Nếu được như thế thì vợ chồng tôi rất mừng nhưng cũng “run” lắm. Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt, học phí tăng, lương tăng nhưng thực chất là đời sống không tăng vì những cái khác còn tăng nhanh hơn cả lương”, chị lo lắng.

Chị H. cũng không giấu rằng gia đình chị thậm chí chưa bao giờ đổi không khí bằng cách ra ngoài ăn chung một bữa tối vì quá đắt đỏ, bản thân chị cũng không ăn sáng bên ngoài, cơm trưa được nấu sẵn từ nhà mang đi ăn uống qua quýt.

Để có thể đảm bảo đời sống sinh hoạt của cả gia đình, chị T. (Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia) phải bươn chải làm thêm mọi việc vào buổi tối và thứ 7, chủ nhật bằng các công việc như đi giao túi nilon cho các cửa hàng, buôn bán quần áo – mỹ phẩm ở chợ đêm (các công việc không có chút liên quan gì đến chuyên môn chị được học và được làm trong cơ quan Nhà nước).

Khoản tiền thu được từ việc làm thêm này cũng tương đương với lương của cả 2 vợ chồng (khoảng 3,5 đến 4 triệu/tháng). Có khoản tiền này, chị T. mua ngay “phần cứng” như gạo, mắm, muối,… từ đầu tháng cho chắc ăn. Phần còn lại được dè sẻn chi tiêu cho cả tháng với “hầm bà lằng” công việc từ A đến Z như ma chay, cưới hỏi, thức ăn, điện nước, thuốc men, v..v… mà chị T. thường gọi là “tiền khóc tiền cười”.

Chị T. dạo gần đây còn kiếm thêm được một việc có thể mang lại thu nhập là bóc băng thuê. Đối tượng thuê chị thường là những người làm nghiên cứu, họ phải thực hiện phỏng vấn để lấy thông tin rồi ghi âm lại nhưng sau đó không có thời gian để ngồi nghe lại và gõ ra nên chị T. đã làm thay công việc này với mức giá 30 ngàn đồng cho 5 trang thông tin A4 được bóc và gõ y nguyên đoạn phỏng vấn.

“Việc này không mang lại nhiều tiền nhưng không vất vả mưa nắng, lại có thể tranh thủ làm vào mọi lúc rảnh rỗi. Tôi cố gắng để xoay sở thêm lấy ít thu nhập”, chị T. thành thật kể.

Sống tầm gửi

Mỗi khi có công việc đột xuất, cần đến nhiều tiền, đặc biệt là lúc ốm đau, chị T. vẫn phải cậy nhờ đến ông bà nội ngoại, các anh chị em có điều kiện kinh tế khá giả hơn.

Có những công chức dù đi làm đã gần chục năm và đã có gia đình như bố mẹ đẻ vẫn chu cấp như thời đi học! Đây cũng là câu chuyện không hiếm hoi vì với mức lương trên dưới 2 triệu đồng, phải thuê nhà (thậm chí có nhà rồi) và nuôi con nhỏ thì khoản tiền trên cũng không đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Ra trường là vào làm việc tại Bộ Tài nguyên - Môi trường, đảm nhận công việc tại nhà xuất bản Bản Đồ, chị P.N.L cho biết: “Hiện tại lương của tôi là 2.34x730x0.85, chưa tính tiến ăn, ở, đổ xăng, rồi sinh nhật, đám cưới hàng tháng rất nhiều, khổ kinh khủng. Bố mẹ nuôi 4 năm đại học ra rồi bây giờ vẫn còn tiếp tục nuôi nữa, thậm chí nếu cứ tình hình này thì lấy chồng rồi bố mẹ vẫn phải chu cấp. Không biết đến chừng nào tôi mới có chút dư dả”, chị than thở.

Trong khi đó, có những trường hợp cả vợ lẫn chồng đều là công chức, lương ba cọc ba đồng, con cái đi học đều do ông bà cho tiền như trường hợp của một thành viên trên một diễn đàn trực tuyến. Chị kể: “Hai vợ chồng tôi đều làm Nhà nước và đến nay vẫn sống được (cùng với 2 con nhỏ) là nhờ hoàn toàn vào bố mẹ.

Tiền lương của tôi (đi làm được 12 năm rồi) chỉ đủ dắt con đi nhà sách vài lần và mua chút sữa cho con. Con đi học, ông bà cũng cho tiền. Toàn bộ chi tiêu trong nhà vợ chồng tôi không phải lo (Thực chất là có đâu mà lo? Vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ chồng). Các em tôi làm cho nước ngoài nên cũng giúp chị thường xuyên, kể ra thì xấu hổ nhiều thật … Tôi cũng đang tính phải làm thế nào đó thì mới ổn vì bố mẹ không sống mãi để mà chu cấp cho mình được. Nhưng tôi cũng chưa nghĩ ra cách nào khả thi".

Trên diễn đàn dành cho trẻ em và những người làm cha mẹ, rất nhiều các thành viên kể về câu chuyện và hoàn cảnh của mình khi phải sống với đồng lương công chức còm cõi. Hầu hết đều cho rằng có một bộ phận công chức thu nhập thấp, không làm thêm được gì song vẫn sống tốt có thể là nhờ chồng/vợ làm bên ngoài với mức lương cao gấp 4-5 lần hoặc nhờ kinh tế gia đình nội ngoại khá giả (Thậm chí đã có gia đình chồng làm công chức, lương “suy dinh dưỡng”, mọi việc trong nhà đều do vợ gánh vác (vợ làm ngoài) lâu ngày dẫn đến những mâu thuẫn khó nói thành lời).

Khó khăn chật vật nhưng những đối tượng trên vẫn còn người thân để dựa. Bi kịch nhất là những gia đình cả vợ lẫn chồng đều làm công chức nhưng không có chỗ nào để nhờ vả, tháng nào cũng phải đi vay nợ triền miên.

Dù lương thấp nhưng thực tế là có một bộ phận công chức Nhà nước vẫn có tiền để tham gia vào những lĩnh vực đắt đỏ như bất động sản. Và kinh doanh thành công trong lĩnh vực này (chỉ 1 lần) cũng đã mang lại lợi nhuận lớn có thể bằng lương đi làm Nhà nước nhiều năm.

Sở dĩ những công chức này có thể làm được việc trên vì họ có sẵn một nguồn lớn hỗ trợ phía sau (từ gia đình 2 bên sẵn có tiền). Sau vài lần thành công là nghiễm nhiên họ đã có một khoản tiền lớn nhất định để quay vòng rồi sinh lời. Vì thế, cùng làm công chức lương ba cọc ba đồng nhưng nhiều người đã phất lên nhờ cách này.

Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao không bỏ hẳn Nhà nước ra ngoài buôn bán để kiếm lời nhiều hơn (như cách trên) thì một công chức (xin được giấu tên) thành thật chia sẻ: “Con người ta ai cũng cần 1 chỗ đứng để tạo ra sự an tâm, nhất là chỗ đứng trong một cơ quan Nhà nước chính thống. Điều này sẽ có lợi khi ra ngoài làm các việc khác, dễ tạo ra sự tin tưởng với đối tác. Vì thế, với người khác thì tôi không rõ nhưng với tôi, làm công chức vẫn luôn được xác định không phải ưu tiên hàng đầu, nhưng lại là việc khó có thể từ chối nếu có cơ hội. Và lúc này tôi lại cảm thấy hài lòng vì mình là một công chức bình thường”,


 

·         Cẩm Quyên