- Hộ ông Nguyễn Đức Thịnh ở xã Thạch Hải chỉ là một trong rất nhiều gia đình phải chịu cảnh sống chung với 4- 5 gia đình của con cái khi mà chẳng thể cấp đất vì nằm trong diện phải di dời do ảnh hưởng của Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Và nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra khi gần 20 con người sống trong căn nhà cấp 4 chưa đến 100m2.

Ở nông thôn mà chật hơn…  Hà Nội

Một trong 9 cái không mà xã Thạch Hải đang phải gánh chịu kể từ khi nằm trong quy hoạch phải di dời 100% do ảnh hưởng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê là việc không được phép xây dựng mới, cấp đất thêm cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn toàn xã. 

Bắt đầu triển khai từ năm 2007, do là xã phải di dời 100% hộ dân để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án cho nên ban đầu, chính quyền nơi đây đã rất nghiêm túc thực hiện đúng nội dung của bản quy hoạch.

Chiếc “chuồng cu” trên nóc nhà bếp mà ông Thịnh làm để cho người con gái ở, bởi ngôi nhà vốn chật hẹp đã không thể nhét thêm. Đất chẳng được cấp, họ đành phải sống trong cảnh ngột ngạt

Theo như lộ trình Dự án mỏ sắt, thì đến năm 2011, toàn bộ 100% dân cư trong toàn xã Thạch Hải sẽ được di dời đến khu vực tái định cư. Thế nên, trong 4 năm qua, chính quyền xã này đã nghiêm túc thực hiện việc không cấp thêm đất ở mới, vì như thế sẽ vi phạm quy hoạch, gây khó khăn trong công tác đền bù, GPMB.

Nhưng rồi tất cả lộ trình, tiến độ dự án chỉ là… dự kiến. Đến bây giờ đã là những tháng ngày cuối năm 2011 nhưng chính quyền và người dân nơi đây vẫn chưa nhận được thông tin gì sáng sủa hơn.

Đến nay, đã có gần 200 hộ dân đã bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp thế nhưng chưa nhận được khoản tiền đền bù nào. Khu tái định cư thì cũng chỉ mới nằm trên giấy. Tất cả đang rất mờ mịt.

Ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải tiếp tục thông tin với chúng tôi, hiện nay đất đai không cấp cho nhân dân ở, do đó có nhiều thế hệ và nhiều cặp vợ chồng phải sống chung trong một nhà. Hiện có 135 hộ dân có nhu cầu cấp đất làm nhà ở…

Hiện nay đất đai không cấp cho nhân dân ở, do đó có nhiều thế hệ và nhiều cặp vợ chồng phải sống chung trong một nhà.

“Trong nhiều năm qua đã có rất nhiều gia đình đến xin cấp đất mới để làm nhà cho con ra ở riêng. Tôi chỉ giải thích được là xã không được phép, khu vực nằm trong quy hoạch phải di dời rồi. Mọi người cố gắng chờ một thời gian nữa, cả xã sẽ được đến nơi ở mới” - ông Chiến nói.

Những câu chuyện tưởng chừng như rất vô lý, “dở khóc dở cười” đã diễn ra tại xã nghèo này. Hơn 100 gia đình mới trong nhiều năm qua đành phải chịu cảnh sống chung với bố mẹ. Có những nhà có tới 4-5 gia đình chen chúc nhau.

Mất “gia đình văn hoá” vì ở quá… đông

Chiều muộn, chúng tôi có mặt tại gia đình ông Nguyễn Đức Thịnh ở xóm Bắc Hải. Căn nhà cấp 4 chật chội chỉ độ hơn 100m2 hiện đang là nơi trú ngụ của 4 gia đình.

Vườn nhà ông chỉ khoảng 150m2 nên tất cả nhà ở, bếp ăn, công trình phụ và chuồng nuôi gia súc đều được xây dựng theo kiểu "liền kề, khép kín".

Ba ngôi nhà trong một mảnh vườn nhỏ của một hộ dân. Biết là việc xây dựng thêm này không đúng quy định vì đã nằm trong quy hoạch nhưng một số hộ đã không thể chịu được vì quá chật, trong khi khu tái định cư cho gần 4000 con người, họ cũng chỉ… nghe nói

Không còn chỗ ngồi vì dành ghế cho khách, bà Nhự, vợ ông Thịnh đành lấy tạm chiếc chổi quét nhà làm ghế, rồi kể. Hai ông bà có 4 người con.

Cuối năm 2007, người con trai đầu của ông là Nguyễn Văn Hùng đã lập gia đình. Ông và con đã viết đơn ra xã xin cấp đất ở để làm nhà tạm ở thì mới biết, do nằm trong phạm vi phải di dời, xã không cấp thêm nữa.

Chẳng thể làm nhà mới, ông bà Thịnh bàn với nhau, nhường căn buồng của hai ông bà đang ở lâu nay cho vợ chồng người con đầu. Thế là một bức vách được dựng lên, vợ chồng Hùng cùng con sống trong căn phòng chưa đầy 12m2.

Nhường phòng cho con, hai ông bà đành phải kê thêm chiếc giường ngoài phòng khách để làm nơi sinh hoạt. Đối diện đó là chiếc giường tre cũ mèm dành cho những người em của Hùng chưa lập gia đình.

Bao nhiêu bất tiện trong sinh hoạt cuộc sống đã bắt đầu nảy sinh.

Gia đình ông Thịnh với hơn 10 con người đang phải sống trong cảnh chật chội. Và bi hài nhất là chuyện do ở quá đông người, nước thải ra nhiều nên không được bình chọn gia đình văn hoá

Sang giữa năm 2008, người con thứ của ông bà là Nguyễn Văn Hào cũng đến lúc cưới vợ. Suy nghĩ mãi, chẳng thế xin được đất cho con, mà căn nhà thì quá chật chội. Ông bà Thịnh bàn với con, ngăn lại một khoảnh nhỏ trong căn bếp ăn để làm chỗ đặt giường cưới cho con.

Thế rồi đám cưới cũng được diễn ra, Hào và vợ sinh hoạt trong căn phòng bó hẹp ở khu vực nhà bếp.

Những đứa cháu lần lượt ra đời, không gian vốn đã chật chội nay lại bị thu hẹp. Sự khốn khổ càng lên đỉnh điểm khi mà trong năm 2009, người con gái đầu Nguyễn Thị Tuyết chia tay chồng, không nơi nương tựa đành phải về bám víu bố mẹ đẻ.

Theo quy định là 'không được xây dựng kiến trúc nhà ở kiên cố', ông Thịnh bèn nghĩ cách xây thêm một "chuồng cu" trên căn nhà bếp. Chiếc "chuồng cu" bé tí teo, nằm chênh vênh trên căn nhà bếp cơi nới vốn không chắc chắn gì.

Bao nhiêu bất tiện trong sinh hoạt cuộc sống đã bắt đầu nảy sinh. Phòng tắm duy nhất, nhà vệ sinh chung, bếp nấu chung, gà lợn nuôi chung nên nhiều khi cuộc sống gia đình cứ "lộn tùng phèo".

Ông Thịnh nói đùa với giọng chua cay: Đôi khi vợ chồng, con cái bức xúc mà không thể to tiếng với nhau vì sợ hàng xóm hiểu nhầm vì không biết ai với ai. Nhiều đêm cả nhà thức giấc vì nghe tiếng động mà không biết người nhà hay kẻ trộm. Khổ nhất là tắm và vệ sinh, cứ phải xếp lịch, bố trí rõ ràng.

Hàng vạn người dân vẫn đang chờ để được di dời khỏi khu vực mỏ sắt. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, những khu tái định cư vẫn đang dang dở hoặc là chưa triển khai. Họ chờ đến bao giờ, chẳng ai biết. Ảnh: Duy Tuấn

 

Ông Thịnh cho biết, bi hài nhất là câu chuyện mới đây gia đình ông không được bình chọn là gia đình văn hoá của thôn với lý do rất lãng xẹt. Số là do sống quá nhiều người trong không gian chật hẹp, lượng nước thải ra qúa nhiều, bị hàng xóm phản ảnh là mất vệ sinh.

“Chúng tôi có muốn thế này đâu. Nhà nước không cấp thêm đất, không cho xây mới thì đã đành nhưng chúng tôi cũng có cuộc sống của mình chứ. Cứ hứa năm này qua năm khác rồi có thấy gì đâu. Còn bắt chúng tôi chờ đợi đến bao giờ?”, ông Thịnh bức xúc thêm.

“Khổ thì đã lâu rồi, nhưng chúng tôi còn khổ đến bao giờ”, câu hỏi của ông Thịnh cũng là câu hỏi chung của hàng vạn người dân của 6 xã bị ảnh hưởng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Và sự chịu đựng của họ không phải là không có giới hạn!

Duy Tuấn – Thăng Long

(còn nữa)