- Những chiếc tàu như những con bạch tuộc, ngày đêm vươn vòi ra ngoạm thẳng vào gần bờ. Đất canh tác của người dân ngày càng bị lở xuống sông.
>> Băm nát dòng Lô

Cực chẳng đã, người dân nơi đây đã lên kế hoạch “chiến đấu” với DN khai thác cát. Nhưng, sức người có hạn. Dân có mặt: tàu lùi ra giữa sông. Dân về: những chiếc cần cẩu hút cát lại "ngậm sâm" gần bờ. Cuộc chiến “không cân sức” này rút cuộc chẳng thể giúp người dân giữ được đất đai của mình.
Cuộc chiến không cân sức

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư xã Đại Nghĩa thì đa số người dân nơi đây sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, đất canh tác dần dần bị thu hẹp. Một phần là do nhu cầu xây dựng nhà ở, trường học, trạm xá. Một phần, diện tích các bãi bồi phì nhiêu ven sông Lô bị cuốn trôi xuống sông.

Dẫn chúng tôi đi dọc các bãi bồi ven sông, bí thư xã Đại Nghĩa thở dài: Trước, bãi bồi này rộng thênh thang và đẹp lắm. Hồi đó, nước sông Lô trong vắt, người dân còn gánh nước về ăn được. Đêm đêm, vào những hôm trăng thanh gió mát, thanh niên trai tráng trong làng tụ tập ra bãi ngô ngồi hóng gió, tự tình.

 

Bí thư xã Đại Nghĩa khẳng định: đoàn tàu quốc của Công ty TNHH THT khai thác cách bờ chỉ vài chục mét. Và đấy là nguyên nhân khiến đất nông nghiệp của người dân bị trôi hết xuống sông

Nhưng mấy năm trở lại đây, người dân bỏ hẳn thói quen đó. Dòng sông Lô chuyển từ màu xanh sang đục ngầu, đỏ quạch như màu máu. Cả một khúc sông dày đặc những tàu là tàu.

Trai làng thay vì ra bãi bồi hóng gió, tự tình vào những đêm trăng, giờ đây, chuyển ra bãi bồi để canh đất. Mà đâu chỉ có trai làng, từ cụ già đến phụ nữ và trẻ em, chẳng quản đêm hay ngày thay phiên nhau ra bãi bồi để xua đuổi đoàn tàu.

Người dân ở thôn 12, xã Đại Nghĩa kể rằng: từ ngày đoàn tàu quốc của Doanh nghiệp THT (Doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác ở khu vực này) lũ lượt kéo đến đây khai thác, người dân mất ăn mất ngủ để nghĩ ra kế giữ đất. Với những người dân nơi đây, đất còn quý hơn cả vàng.

Với người dân nơi đây, đất còn quý hơn cả vàng. Thế nhưng từng giờ, từng ngày, những "khối vàng" này đã bị cuốn trôi xuống sông

Cái bãi bồi phì nhiêu, uốn lượn quanh sông Lô, từng nuôi sống bao nhiêu đời người ở cái thôn 12 này ngày càng biến dạng bởi phi đội tàu quốc của doanh nghiệp THT. Mỗi khi chiếc cần cẩu của tàu quốc thọc sâu vào khu vực không được phép khai thác để lấy cát là hàng trăm khối “vàng” của người dân lại đổ xuống sông. Người dân nhìn từng khối “vàng” của mình ngày đêm bị thu hẹp mà xót xa. Dân xót của nên kéo nhau ra xua đuổi.

Ban đầu, họ dùng đất, đá ném thẳng xuống tàu. Thấy dân làm dữ, chủ tàu lại ngừng khai thác, cho tàu lùi ra giữa sông. Thế nhưng khi dân về, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Thuyền quốc lại tiến sát bờ, ngoạm sâu vào khu vực không được phép khai thác. Cực chẳng đã, dân lại nghĩ kế mới. Lần này, họ dùng giẻ tẩm xăng rồi ném ra tàu.

Nhưng, sức người làm sao sánh được với máy móc. Khi người dân ra về, đoàn tàu lại “lỳ lợm” tiến sát bờ. Bức xúc vì miếng cơm, manh áo của mình trôi hết xuống sông, dân lại kiến nghị lên thôn, yêu cầu phải có biện pháp mạnh đối với các doanh nghiệp khai thác trái phép.

Thôn kiến nghị lên xã, xã cử dân quân, công an xã ra để “dẹp”. Nhưng, mọi cố gắng của người dân và chính quyền xã không có tác dụng. Trong khi xã đang loay hoay báo cáo lên huyện để xin ý kiến chỉ đạo thì toàn bộ cát sỏi đã được doanh nghiệp khai thác xong. “Tài sản” mà doanh nghiệp để lại cho người dân là những bãi bồi bị lở kiểu hàm ếch. Chỉ cần vào mùa nước lên, là hàng chục khối đất lại đổ sầm xuống sông để bù vào khối lượng cát đã được lấy đi.

Ông Trần Ngọc Hải, Bí thư chi bộ thôn 11 (xã Đại Nghĩa) cho biết: hiện tại nhiều tàu đã khai thác vào địa phận thôn 11. Mới nhất là hôm 20/10 vừa qua, người dân cùng lãnh đạo thôn và Công an xã phải ra đuổi và lập biên bản hai tàu khai thác cát, cách bờ chỉ chưa đầy 30m.

Địa phương bất lực hay đã bị doanh nghiệp thao túng?

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư xã Đại Nghĩa (huyện Đoan Hùng) thì toàn xã có 4,7 km đường sông, có 2 công ty được phép khai thác là công ty TNHH THT và công ty TNHH Cát Vàng. Những công ty này đều được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác.

Khi đại diện phía công ty TNHH THT làm việc với xã, cả 2 đều thống nhất là chỉ được phép khai thác đúng quy hoạch, cách bờ 50 m. Thế nhưng trên thực tế, những con tàu cuốc của công ty TNHH THT vẫn khai thác trong phạm vi không cho phép.

Khi có lực lượng công an xã thì nó khai thác ở ngoài, không có lực lượng thì nó gặm vào trong khu vực cấm.

 

Một chiếc tàu quốc của Công ty TNHH THT đang khai thác gần bờ

Cũng theo ông bí thư xã Đại Nghĩa thì hiện tại, có hàng trăm m bờ sông bị sạt lở. “Nguyên nhân của việc sạt lở là do khai thác cát trái phép, trong vùng cấm. Chúng tôi chỉ biết dùng công an viên để đẩy đuổi tàu ra khỏi khu vực cấm khai thác. Nhưng khi công an viên về, nó lại đánh vào vùng cấm. Đẩy đuổi kiểu này chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa. Chúng tôi cũng khổ, chứ không sung sướng gì. Người dân xót là đúng, bởi dân phải sống nhờ vào đất. Dân xót, chúng tôi cũng xót. Mất đất thì còn gì mà sống.” – ông Trung thở dài bất lực.

Ông Trung khẳng định: việc khai thác này ảnh hưởng đến sạt lở đất và dòng chảy. Sau này, không biết còn bao nhiêu tai họa xẩy ra nữa.

Được biết, để chống tình trạng sạt lở đất, một số thôn đã được xây dựng kè. Tuy nhiên, với mức độ khai thác như hiện nay, ngay sát chân kè, thì chẳng mấy chốc mà sạt lở hết. Mấy chục tỷ đồng của nhà nước rồi sẽ trôi xuống sông hết.

 

Bờ sông nứt toang hoác

“Cơ quan nào cấp phép thì phải có trách nhiệm chứ. Chúng tôi thì chỉ báo cáo, kiến nghị chứ không biết làm thế nào cả. Các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm, giám sát. Nếu các công ty làm không đúng thì phải đình chỉ khai thác, để không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Không vì lợi ích của một doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn dân. Nếu cần, xử lý bằng hình sự, pháp luật. Ai cấp giấy phép cho Dn vào khai thác, thì phải quản lý chặt, chứ không thể thả lỏng để cho địa phương quản lý như thế này được”-  Bí thư xã Đại Nghĩa kiến nghị. 

Để nhận được sự đồng thuận từ chính quyền, một Doanh nghiệp đã đồng ý chi cho xã Đại Nghĩa với số tiền 100 triệu đồng. Tuy nhiên, chừng đó chẳng thấm là bao so với những gì mà Doanh nghiệp đã lấy đi của người dân nơi đây. Đất canh tác – nguồn tư liệu sản xuất nuôi sống người dân nơi đây - không thể trả với cái giá rẻ mạt như thế.

Một điều khiến chúng tôi bất ngờ là tại thời điểm chúng tôi có mặt, các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh vẫn chưa nắm được tình trạng này. Và, doanh nghiệp thì vẫn mải miết ngoạm sâu vào đất canh tác của người dân còn các cơ quan có thẩm quyền thì làm ngơ. Cán bộ phòng TNMT huyện Đoan Hùng trả lời tỉnh bơ: “Không thấy xã báo cáo, chúng tôi không biết”. Còn Sở TNMT Phú Thọ thì đưa ra một bản thành tích, đại loại: “chúng tôi đã kiểm tra, nhưng không phát hiện ra sai phạm nào từ việc khai thác cát trái phép của công ty khai thác trên địa bàn xã Đại Nghĩa”. 

  • Hoàng Sang

(còn nữa)