- Phóng viên VietNamNet có mặt tại hiện trường cho biết do đám cháy phát ra từ tầng hầm rồi nhanh chóng xộc lên các tầng cao nên chỉ có những người làm việc dưới tầng hầm mới nhanh chóng thoát được ra ngoài. Còn lại các công nhân đang làm việc ở tầng cao rất hốt hoảng...


Lúc 18h30 phút (sau khi đám cháy xảy ra được khoảng 2 tiếng), một công nhân đang thi công lắp đặt đường điện tại tầng hầm của tòa tháp A đã thoát được ra ngoài nhờ sự trợ giúp của lực lượng cứu hộ.



Ngay khi vừa thoát ra, người công nhân này mặt mũi lấm lem bụi bẩn và khói, chỉ kịp nhìn mọi người, nói một câu: "Nhiều khói quá, ở trong đó thêm chắc chết ngạt mất" rồi ngất xỉu.

Ngay lập tức người công nhân này được đưa lên xe cứu thương để chăm sóc y tế.

Một công nhân may mắn thoát chết đang hốt hoảng gọi điện cho đồng nghiệp còn bị mắc kẹt trong tòa nhà (Ảnh: Dân Trí)
Trong khi đó, còn rất nhiều công nhân bị mắc kẹt trên cao dù hoảng sợ vẫn phải bất lực vì không thể xuống dưới. Họ chỉ có thể vẫy tay đứng chờ lực lượng cứu hộ. Ngọn lửa bên dưới vẫn tiếp tục bùng lên trên (Ảnh: Dân Trí)

Để đưa người ở trên xuống lực lượng cứu hộ cần dùng dây tời. Sau đó người ở tầng trên phải tự bẩy kính ra để bắt dây tời để được đưa xuống.

Dây tời có thể tải được 400kg. Cách làm này không hiệu quả nhưng có lẽ là duy nhất trong điều kiện cứu hộ ở các nhà cao tầng tại Việt Nam khi có sự cố lớn xảy ra!

Song song với việc này, lực lượng cứu hộ còn đập kính để giải phóng đám khói, tránh việc công nhân chết ngạt.

Nhiều người dân có mặt tại hiện trường vụ cháy không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh rất nhiều công nhân đứng ở trên tầng cao vào lúc nhá nhem tối, bên dưới ngọn lửa tiếp tục liếm lên trên và khói vẫn tỏa ra nghi ngút.

Bất lực, họ chỉ còn biết lấy mũ, lấy khăn, cởi áo, bật điện thoại lên để lực lượng cứu hộ nhìn thấy để được ứng cứu.

Một số người may mắn thoát được ra ngoài đã cố gọi điện cho các đồng nghiệp còn mắc kẹt ở trên nhưng không ai nghe máy vì quá hoảng loạn.

Lúc khoảng hơn 5 giờ chiều, từ tầng 5 và tầng 6 của tòa tháp đang bốc cháy ngùn ngụt, có 2 công nhân dùng dây tụt xuống với ý định liều lĩnh. Họ xác định "một là sống, hai là chết" và cuối cùng đã xuống được thành công.
 

Một công nhân hoảng sợ, không đủ kiên nhẫn và bình tĩnh để chờ đợi đã liều mình bật kính thoát ra ngoài từ tầng 25. 2 tháp cao trên dưới 30 tầng của tòa nhà này đều bọc kín bằng kính nên khói khó thoát ra, nếu đứng bên trong lâu bị khói hun thì có khả năng bị ngạt (Ảnh: Dân Trí)

Bác Nguyễn Đăng Viên, bí thư chi bộ, tổ trưởng khu dân cư cụm 6 phường Trúc Bạch cho biết: "Sau khi xảy ra đám cháy có 2 công nhân khoảng 40 tuổi thoát được ra ngoài, đầu tóc đen nhẻm, vừa ra thì mọi người ùa ra dội nước vào".

Sau đó 2 công nhân này chưa kịp hoàn hồn kể lại: "Trong 3 tầng hầm có khoảng 40 người kẹt lại. Còn ở tầng trên thì không biết. Sau khi có tiếng nổ, thấy ngói ngút ngàn, không thể thở được thì chạy ra ngoài".

Công nhân Nguyễn Huy Học đã thoát hiểm được lúc 17h cho biết: "Vào thời điểm xảy ra cháy, ngọn lửa hàn bắt vào vật liệu bảo ôn đang thi công ở tầng hầm thì nhanh chóng lan ra 3 tầng hầm của tòa nhà".

Tại BV Xanh Pôn, ông Trương Văn Tuynh (quê Ân Thi, Hưng Yên) cho biết: Khoảng 17h chiều, ông nhận được điện thoại của con trai gọi điện về cho biết đang bị mắc kẹt tại tầng 25 của tòa nhà bị cháy.

Ngay sau đó, điện thoại của con tắt, ông chỉ kịp dặn con không được nhảy ra ngoài, chờ lực lượng cứu hộ đến cứu.

Ngay lập tức ông và gia đình từ Hưng Yên lên tòa nhà để tìm con. Ông có mặt tại Hà Nội lúc hơn 18h, lúc đó tòa nhà chỉ còn khói cao.

Ông Tuynh cho biết con trai ông tên Trương Văn Nguyên, sinh năm 1987, sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, đang thực tập tại tòa nhà này. Lớp của Nguyên có hơn 10 sinh viên thực tập tại tòa nhà.

Cơ quan chức năng đã huy động lực lượng quân đội tham gia cứu hộ và bắt đầu đập kính của tòa nhà để giải thoát cho những người còn mắc kẹt.

Nhiều người dân có mặt tại hiện trường cho biết, khi chứng kiến vụ cháy này, họ rất lo sợ khi sống trong nhà cao tầng ở Việt Nam. Bởi với cách cứu hộ thô sơ, thủ công như hiện nay thì tính mạng sẽ bị đe dọa.

Tại các nước phát triển, khi xây các nhà cao tầng, khả năng chữa cháy, ứng cứu khi có sự cố cũng được trang bị tỷ lệ thuận với chiều cao ngôi nhà. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì điều này còn rất hạn chế.

Vụ cháy lớn này càng khiến nhiều người dân lo ngại về độ an toàn khi sống trong các tòa nhà cao tầng. (Ảnh: VietNamNet)

Còn nhớ cách đây 3 tháng (vào ngày 17/08/2011), Giám đốc Sở cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội Nguyễn Đức Nghi cho biết tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 16/8 một nội dung gây lo ngại: "Hiện phương tiện xe chữa cháy của TP chỉ đảm bảo cứu hỏa lên tới độ cao 53m, tương đương tầng 17, còn cao hơn thì... quần chúng tự có ý thức bảo vệ".

Cũng theo ông Nghi, việc trang bị thang cao 73m cho xe cứu hỏa của Hà Nội là không khả thi vì xe rất nặng, có thể gây sập cống, đứt dây điện, đường cua xe dài không thuận tiện với địa hình "đường đông ngõ nhỏ. "Vì thế, chỉ có thể trang bị thang cứu hỏa từ 53m trở xuống".

Theo  đó, ông Nghi nêu, đối với những nhà cao tầng chủ yếu phòng ngừa và tự chữa cháy là chính, khi thiết kế nhà cao tầng phải theo quy chuẩn tự động chữa cháy.

C.Quyên - T.Nhung- K.Trung - V.Điệp