- Sau khi VietNamNet mở diễn đàn lấy ý kiến đóng góp của người dân về đề xuất thu phí phương tiện giao thông để 'tạo công bằng xã hội', người dân chia sẻ với nhà nước của Bộ GTVT, hàng trăm ý kiến đã gửi về toà soạn. Có những ý kiến đồng tình về chủ trương trên, tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng thời điểm này chưa hợp lý và hơn nữa sẽ tạo thêm sức ép lên người dân, tạo cảnh phí chồng phí...

Bạn đã sẵn sàng rút ví trả phí giao thông?
Bạn là người tham gia giao thông và đề xuất thu phí giao thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của bạn. VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về vấn đề thu phí phương tiện giao thông...


Độc giả Nguyễn Minh Hùng đã viết: Tôi đi nhiều, nhưng có lẽ ở VN là sướng nhất vì gần như không phải trả bất kỳ tiền gì cho việc sử dụng xe cơ giới ngoài bảo hiểm bắt buộc phải mua hàng năm (vài trăm nghìn VNĐ gì đó, không đáng kể).

Xe cứ lái thoải mái, đường hư hỏng có nhà nước chịu. Cũng chính nghịch lý này nên đường có xấu cũng chẳng nên kêu ca chính quyền, chả biết kêu ai.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc nộp phí lưu thông, bạn muốn có đường tốt để lái thì phải đóng tiền thôi, nhà nước không thể cứ bao sân mãi được".

Theo độc giả này, việc cần bàn là khoản tiền này (sẽ là khá lớn) sẽ được sử dụng như thế nào để bảo dưỡng hệ thống đường bộ?

Ngoài ra, cũng phải có luật rõ ràng để quy trách nhiệm. Nếu đường xấu hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn, tai nạn xảy ra, có bị truy tố trách nhiệm, bồi thường không?.

Có những ý kiến đồng tình về chủ trương thu phí phương tiện, tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng thời điểm này chưa hợp lý và hơn nữa sẽ tạo thêm sức ép lên người dân, tạo cảnh phí chồng phí...

Cùng quan điểm với độc giả Nguyễn Minh Hùng, độc giả Hà Quốc Tuấn cho rằng, đây có thể xem là động thái tích cực nhằm thúc đẩy trách nhiệm của người tham gia giao thông đối với cộng đồng nói chung và phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng.

"Người dân vẫn đang có truyền thống thích được hưởng thụ hơn là phải chi trả cho dịch vụ mà mình sử dụng, thích kêu ca hơn là đóng góp, nỗ lực tham gia cùng nhà nước nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Mặc dù biết là nên kinh tế đang thời khó khăn, người dân cũng đa phần là khó khăn, nhưng muốn được hưởng những gì mà người dân mong muốn thì người dân cần phải hành động đồng hành" - độc giả Hà Quốc Tuấn viết.

Đồng ý với đề xuất trên của Bộ GTVT, tuy nhiên độc giả ở địa chỉ mail luongluong@minhthanhtoy.com.vn viết: "Tôi đồng ý đóng phí giao thông vào giờ cao điểm, nếu nghiên cứu cho đóng thuế với tất cả xe cơ giới tham gia giao thông là tốt nhất, vì như thế mới thể hiện tính công bằng.

Điểm mấu chốt của vấn đề là tiền này thu nhằm vào mục đích gì? Theo tôi, số tiền này thu được hàng năm phải được công khai minh bạch, số tiền thu được vùng nào mà đầu tư lại cho vùng đó hoặc đầu tư trọng điểm cho thành phố nào đó thì tuyệt vời. Bộ trưởng Thăng đã huy động nguồn lực toàn dân vào công cuộc xây dựng đất nước. Tôi cho rằng kế hoạch này thành công hay không chỉ ở tính minh bạch...".

Bạn đọc ở địa chỉ mail maikimbao@gmail.com đồng ý với chủ trương trên và còn viện dẫn kinh nghiệm của nước New Zealand nơi bạn đang học: "Hiện nay tình trạng giao thông tại các tỉnh thành ở Việt Nam trở nên nghiêm trọng trong giờ cao điểm. Mọi người có thể sở hữu một chiếc xe gắng máy 1 cách dễ dàng và tuân thủ luật lệ chưa nghiêm. Theo suy nghĩ của tôi, tôi hoàn toàn đồng ý với thu phí sử dụng phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông.

Tôi đang là 1 du học sinh tại New Zealand, và cũng đã trải nghiệm việc tham gia giao thông tại đây. Mỗi người sỡ hữu xe có trách nhiệm phải trả phí lưu hành phương tiện cơ giới họ sử dụng. Hơn thế nữa, đối với những xe chạy dầu còn đóng thuế môi trường. Như vậy sẽ giảm việc các trạm thu phí gia tăng như Việt Nam hiện nay. Vậy một lần nữa tôi hoàn toàn đồng ý với quyết định trên".

Bộ trưởng Thăng: 'Thu phí lưu hành để công bằng..'
“Thu phí lưu hành là để đảm bảo công bằng xã hội. Người đi xe máy, ôtô phải cùng nhà nước xây dựng hạ tầng, người nghèo đi phương tiện công cộng thì không phải đóng góp...".

Cùng với những ý kiến ủng hộ chủ trương thu phí phương tiện vào giờ cao điểm thì cũng có nhiều ý kiến chưa đồng tình.

Độc giả N.V.Hải viết:

"Tôi không đồng ý với đề xuất thu phí vì:

1. đã có rất nhiều loại phí giao thông đổ lên người dân. Việc minh bạch thu chi các nguồn thu này chưa thấy công bố, chẳng hạn thu được bao nhiêu, đã đầu tư vào làm gì, kết quả đến nay thế nào, còn tồn tại gì v.v...

2. không thế lấy việc thu thêm phí để chống ùn tắc giao thông, khi người dân đã nộp phí, thì ngần ấy xe máy, ôtô vẫn cứ phải đi, vì vậy tổng lượng xe lưu thông vẫn không đổi, việc ùn tắc vẫn cứ diễn ra, như vậy mục đích đặt ra không thực hiện được.

3. Cuộc sống của cá nhân tôi, và nhiều người khác đã rất khó khăn vì lạm phát, giá cả tăng cao, lương vẫn như vậy, nay lại thu thêm khoản phí nữa thì chúng tôi sẽ không đủ tiền duy trì cuộc sống".

Cùng quan điểm với độc giả N.V.Hải, độc giả có địa chỉ mail haongvan73@gmail.com cho rằng, các phương tiện lưu thông (ô tô, xe máy) đã đóng rất nhiều thứ phí cho nhà nước trước khi phương tiện được lưu hành. Vì vậy không nên thu phí đánh vào đầu phương tiện của người dân thêm nữa. Ở các nước khác, không nước nào thu phí nhiều như nước ta và nếu cứ bày ra tăng phí như thế này, vô tình là một biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện của họ.

"Về tiền bảo dưỡng cầu đường, xin nghiên cứu tăng đôi chút vào xăng dầu là công bằng hơn cả. Kính đề nghị Bộ giao thông vận tải phối hợp với Bộ công thương làm việc này và tiền đó được một cơ quan của Chính phủ đảm trách dưới sự giám sát của một Ủy ban thuộc quốc hội. Không làm việc gì khác từ số tiền thu được này.

Xóa bỏ tất cả các trạm thu phí trên cả nước vì đã có tiền từ quỹ này. Các trạm thu phí theo hình thức BOT cũng trích từ tiền này và dần dần trả cho nhà đầu tư trong nhiều năm cho đến khi hết nợ và xóa bỏ ngay các trạm đó. Ở CHLB Đức tôi đã từng đến, hoàn toàn không có trạm thu phí. Nhiều nước châu Âu cũng như thế. Họ thu phí cầu đường chỉ bằng hình thức đánh trên xăng dầu mà thôi" - độc giả này viết.

Ở góc độ người lao động, đi làm bằng phương tiện chính là mô tô, xe máy, độc giả Trần Thị Duyên cho rằng, dù có bị thu phí bao nhiêu thì bộ phần này vẫn phải sử dụng phương tiện này để đi làm. Bởi vì hiện nay phương tiện công cộng ở Việt Nam chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, mà xe buýt chỉ phục vụ các tuyến đường chính, người lao động đi làm việc thì đâu chỉ có vậy.

"Vì vậy, có phải là càng làm cho túi tiền họ kiếm được hàng tháng đã ít không đủ chi tiêu, nay lại gánh thêm một khoản chi phí nửa. Vì thu phí xe máy không đúng với mục đích hạn chế họ lưu thông mà là 'móc túi' của người dân thêm thôi..." - độc giả Trần Thị Duyên nói.

Cùng đặc biệt quan tâm đến vấn đề gánh nặng tài chính đè lên đầu người dân, độc giả Nguyễn Trường Nam chi hay, trong bối cảnh người dân đang oằn mình trước tình trạng lạm phát thì đó thực sự là một vấn đề không nhỏ.

"Như tôi chẳng hạn, hai vợ chồng đều công việc ổn định trên Hà Nội, nhưng vì không mua nổi một căn hộ ở Hà Nội nên đã chọn giải pháp về sống với ông bà ở huyện Mê Linh – ngoại thành Hà Nội. Từ nhà đến cơ quan gần 30km, cũng muốn đi xe bus nhưng chẳng có tuyến xe nào cả. Mà nếu muốn đi thì cũng phải đi xe máy đến điểm bắt xe bus rồi mới đi 2 chặng xe bus tới cơ quan được. Vậy nếu nhà nước thu tiền thì đương nhiên tôi vẫn phải đóng tiền để đi lại, chứ chẳng nhẽ đi bộ được? Mức thu đó là đủ để đóng học phí cho con tôi rồi. Vậy thử hỏi có thể nói là nhỏ được không?

Còn theo quan điểm cá nhân tôi, việc thu phí vào thành phố cũng chẳng cải thiện được tình hình ùn tắc. Bởi bây giờ những người dân bình thường ai cũng hiểu rằng: Đã ra đường là tốn tiền và hít bụi. Vậy chỉ có công việc không đừng được mới phải vào Thành phố. Chẳng hạn như ốm đau phải đi viện thì đừng thế nào được? Hoặc các trụ sở công ty toàn nằm trong Hà Nội thì làm thế nào, chẳng nhẽ ở nhà không đi làm?".

Những độc giả đi làm bằng ô tô thì cho rằng, khi mua ô tô đưa vào sử dụng, người dân đã phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế trước bạ, vốn là những khoản rất lớn khiến giá ô tô ở VN thuộc loại đắt nhất thế giới rồi. Giờ xe đang lưu hành, bị đánh phí như vậy chẳng tránh đi đâu được, người chủ sẽ rất bức xúc.

"Muốn thu phí thật nhiều để phát triển giao thông thì cũng phải thu một cách công bằng, ví dụ như lấy mốc đồng hồ counter-mettre tại đăng kiểm, sau đó đến kỳ đăng kiểm tiếp sẽ lấy số km đi mới nhân với đơn giá phí rồi thu. Ai đi nhiều thu nhiều ai đi ít thu ít. Mặc dù thu kiểu này sau khi đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt là áp đặt nhưng còn có tính công bằng nên may ra chấp nhận được" - độc giả Lê Hoàng nói.

Tham gia diễn đàn của VietNamNet, nhiều độc giả cho rằng, với xe hơi, nhà nước nên nghiên cứu thu phí qua xăng dầu hoặc qua quãng đường xe lăn bánh vì chỉ khi đó xe mới tăng áp lực lên giao thông.

Độc giả Hồng Nga nói: "Tôi không phản đối việc thu phí THÊM xe lưu thông trên, đường nhưng phải thu ĐÚNG và nếu đè ra thu khi xe đăng kiểm là thu theo kiểu cào bằng và gây khó cho dân.

Cần cẩn thận nếu không sẽ gây hiệu ứng ngược, kiểu gì tôi cũng đi xe một số dịp trong năm khi không có tắc xi hoặc phương tiện khác nên tôi không thể không đóng. Khi đó nếu tôi đã phải trả 20-50 triệu tôi sẽ cố gắng đưa xe ra đường càng nhiều ngày càng tốt vì đằng nào tôi cũng đóng phí rồi và kết quả lượng xe lưu thông trên đường sẽ tăng chứ không hề giảm như mong đợi...
".

Bạn đã sẵn sàng rút ví trả phí giao thông?
Bạn là người tham gia giao thông và đề xuất thu phí giao thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của bạn. VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về vấn đề thu phí phương tiện giao thông...

Tùng Sơn (tổng hợp)