- Anh Nguyễn Duy Hải, ngụ tại Lâm Đồng, người mang khối u nặng 82 kg đã trải qua 7 ngày sau ca phẫu thuật nguy hiểm. Hiện nay anh Hải đang dần hồi phục nhưng những ấn tượng của các bác sĩ Việt Nam cùng tham gia ca mổ đối với vị bác sĩ đến từ Mỹ vẫn còn mãi.
TIN LIÊN QUAN

Ngày 13/11, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với bác sĩ Phan Văn Thái và bác sĩ Nguyễn Quốc Thái (khoa Ngoại – Tổng quát Bệnh viện FV), hai người phụ mổ cho bác sĩ McKay McKinnon.

Khi được hỏi điều gì khiến các bác sĩ ấn tượng nhất về vị bác sĩ đến từ Mỹ trong ca mổ vào hàng phức tạp nhất Việt Nam này, bác sĩ Phan Văn Thái rất hứng thú, nheo mắt, mỉm cười.

Bác sĩ Thái chậm rãi nói: “Tôi nể nhất là khả năng tạo hình của ông ấy. Khi đứng nhìn bác sĩ Mckinnon tự tin với đôi tay thoăn thoắt cắt khối u và gần như không cần tính toán đường kéo cắt các vạt da tôi tự nhủ không biết lát ông này vá lại kiểu gì, liệu có đủ da để che vết thương không, chỗ kia “hở” thế lát da ở đâu mà đắp vào.
Vậy mà mọi thao tác, tính toán của ông ta rất hay. Ông ấy lập trình rất nhanh và chuẩn từ việc sẽ lấy da ở đâu đắp vào chỗ thiếu, các vạt da được chừa lại vừa xinh che kín vết thương.
Phải nói Mckinnon rất tự tin vào bản lĩnh của mình. Chắc những ca phẫu thuật khối u lớn từng thực hiện trên thế giới trước đây đã tôi luyện cho ông ta điều đó.

Bác sĩ Phan Văn Thái và Nguyễn Quốc Thái, người hỗ trợ cho bác sĩ Mckinnon trong ca mổ khối u 82 kg. Ảnh: Thanh Huyền.

Theo bác sĩ Phan Văn Thái và bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, điều nan giải trong ca mổ này là sự phối hợp sao cho ăn ý giữa bác sĩ phụ mổ và bác sĩ mổ chính. Tuy ngôn ngữ trao đổi trong ca phẫu thuật bằng tiếng Anh không phải là trở ngại vì các bác sĩ trong ê kíp đều thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp nhưng cái khó nhất là họ chưa từng phối hợp với nhau bao giờ.

Mất 2 tiếng đầu của ca phẫu thuật gần như bác sĩ Mckinnon tự làm một mình, nhiều khi chúng tôi muốn phụ giúp cho nhanh nhưng ông ta không đồng ý. Có lẽ ông ta chưa thực sự tin tưởng. Điều đó hoàn toàn đúng bởi Mckinnon là người mổ chính, phải chịu trách nhiệm trước báo chí, dư luận cũng như gia đình bệnh nhân.

Chúng tôi hiểu vai trò của mình trong ca phẫu thuật này là hỗ trợ, mà người phụ mổ thì phải tìm cách để hiểu người mổ chính cần gì, muốn gì.

Tới đây tôi muốn nói tại sao mình và bác sĩ Nguyễn Quốc Thái được chọn để hỗ trợ cho Mckinnon. Đó là bởi vì sở trường của Mckinnon về tạo hình, còn chúng tôi là về mạch máu.

Đến khi Mckinnon cắt bỏ tới trung tâm của khối u thì máu chảy ra xối xả. Tới lúc đó chúng tôi thực hiện công việc cũng như khả năng của mình. Sau khi thấy cách chúng tôi kẹp mạch máu, cầm máu cho bệnh nhân khá tốt, tự bản thân bác sĩ Mckinnon đã tin tưởng và để cho chúng tôi hỗ trợ.
” - 2 bác sĩ Thái tâm sự.

Ngoài khả năng tạo hình xuất sắc, bác sĩ Phan Văn Thái còn đánh giá bác sĩ Mckinnon rất cao về cái nhìn tổng quát – “Dù chuyên về phẫu thuật tạo hình nhưng ông ta hiểu rất sâu về các lĩnh vực như gây mê, mạch máu…Trong ca phẫu thuật ngoài việc hướng dẫn, trao đổi về khối u, Mckinnon còn như một nhà chỉ huy dàn nhạc giỏi.

Sau ca phẫu thuật điều các bác sĩ lo ngại nhất là 2 biến chứng. Một là về vấn đề gây mê hồi sức. Dự trù khả năng xấu nhất anh Hải sẽ bị viêm phổi nặng nhưng điều này đã được lường trước, bệnh viện vẫn có cách xử lý và chưa thua.

Trường hợp biến chứng thứ 2 là vết thương quá rộng, sau vài ngày hoại tử đen, nhiễm trùng và bung hết ra. Tuy nhiên đến nay đã được 7 ngày mà điều này vẫn chưa xảy ra.

Dù vậy biến chứng nhiễm trùng sẽ còn có nguy cơ cả tháng sau mổ nên anh Hải vẫn cần được chăm sóc, theo dõi chặt chẽ.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái nếu khả năng vết thương nhiễm trùng nhẹ thì vẫn xử lý được. Nói chung tới thời điểm này anh Hải đã qua cơn nguy kịch. Không có gì thay đổi, diễn tiến sức khoẻ vẫn như hiện nay và tốt dần lên thì sớm nhất 1 tháng nữa bệnh nhân có thể xuất viện.

Thanh Huyền