- Ngay trong ngày đầu tiên đổi giờ học, giờ làm giao thông Hà Nội đã chia làm nhiều khung giờ cao điểm nhỏ do các đối tượng tham gia lưu thông trên đường đã có sự bố trí lệch nhau. Vì thế, hầu hết các tuyến phố, giao thông chỉ ùn ứ mà không tắc.

Theo ghi nhận của PV, trên tuyến đường Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, nơi có nhiều trường học tập trung, sáng nay lưu lượng giao thông có giảm so với những ngày trước, tình trạng ùn tắc do xe ô tô đưa đón con dàn hàng ba, hàng tư đã không xảy ra.
 
Em Phạm Phương Thảo, học sinh lớp 9, trường Trung học cơ sở Chu Văn An cho biết: Mọi hôm do vào học từ 7h30 nên Thảo phải dậy từ lúc 6h15 chuẩn bị để đi ô tô cùng bố đến trường, nhưng hôm nay 8h mới vào học nên 6h45 em mới dậy và tự đi xe buýt để tới trường.
 
Người đứng chờ xe buýt trên đường Trường Chinh khá đông.

 
“8h mới vào học, nên em ngủ thêm được 30 phút và có thể tự đi xe buýt tới trường chứ không phải dậy sớm để đi cùng xe của bố”, Thảo nói.  
 
Tại các tuyến phố Chùa Bộc, Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng, Đê La Thành... thường xuyên là điểm “nóng” giao thông trong giờ cao điểm thì sáng nay, với việc bố trí thời gian lệch nhau 30 phút, lưu lượng người tham gia giao thông giảm đi đáng kể.
 
Mặc dù lượng phương tiện đông nhưng xe cộ vẫn có thể lưu thông với tốc độ chậm, không phải dừng lại do 25 đến 20 phút so với trước vì giao thông ùn tắc.
 
Tuy nhiên, do lòng đường hẹp, nên tại một số ngã ba khi xe ô tô ở trong ngõ chạy ra, quay đầu, thường chắn hết lòng đường gây ùn ứ giao thông cho các phương tiện phía sau.
 
Chị Nguyễn Thị Phương ở quận Hà Đông làm việc trên phố Chùa Bộc cho biết, thường ngày vẫn phải mất hàng giờ đồng hồ “vật lộn” với đoạn đường dài hơn 10 cây số để tới nơi làm và phải bố trí thời gian đi từ rất sớm để tránh ùn tắc. Nhưng hôm nay ít ùn ứ nên việc đi lại có thuận tiện hơn.
 
“Trước đây mình đi làm hết gần một tiếng thì giờ chỉ mất khoảng 30 phút vì đường đi có vắng người hơn. Nếu hôm nào giao thông cũng thông, đi lại thuận tiện như thế này thì tốt biết mấy” chị Phương nói.
 
Một CSGT thuộc Đội số 3 - Phòng CSGT Hà Nội đứng trực phân luồng giao thông tại nút Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc cho biết: “So với ngày hôm qua, khi chưa tiến hành đổi giờ, tuyến đường Trường Chinh vào sáng nay việc đi lại thông thoáng hơn, không còn xảy ra ùn tức như trước”.
 
“Lúc 7 giờ sáng, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông có đông hơn nhưng cũng chỉ xảy ra ùn ứ nhẹ do phụ huynh, học sinh đưa con đi học, sau đó mới đến công sở nhưng nhìn chung không xảy ra ùn tắc”, CSGT này nhìn nhận.

Từng nói về việc thay đổi giờ học giờ làm, TS Khuất Việt Hùng, Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) nhận định, nếu hiệu quả nhất thì khả năng điều chỉnh lưu lượng giao thông trên các trục chính trong giờ cao điểm của giải pháp điều chỉnh giờ học giờ là từ 5-7%.
 
Giờ cao điểm của giao thông Hà Nội sẽ được nới rộng ra

 
“Khi triển khai, Hà Nội nên nghiên cứu rất kỹ chuỗi chuyến đi, hoạt động trong ngày của các nhóm dân cư, sau đó đưa chuỗi chuyến đi lên mô hình giao thông để xem hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra trên tuyến đường nào, giờ nào, từ đâu đến đâu, sau đó mới tính toán điều chỉnh giờ làm, giờ học của nhóm đó.…” - ông Hùng đưa ra quan điểm.
 
Liên quan đến việc đổi giờ này, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Về phương án triển khai điều chỉnh giờ học, giờ làm, Sở đã có thông báo rộng rãi đến các trường. Các trường phải có trách nhiệm thông báo với học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh”.
 
Đánh giá tác dụng của việc thay đổi giờ, ông Tân cho rằng, giờ cao điểm của giao thông Hà Nội sẽ được nới rộng ra. Trước đây, giờ cao điểm là 6h30 thì hiện nay sẽ lùi xuống từ 6 giờ đến 9 giờ sáng, chiều từ 16 giờ đến 20 giờ.
 
Gia Văn