- Trong lúc Hải Phòng “loay hoay” trả lời câu hỏi, ai phá nhà vụ cưỡng chế, một dấu vết quan trọng đã bị bỏ quên, đó là vết hằn của bánh xe xúc trên bờ đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn. Cùng lúc đó, hàng trăm người dân xã Vinh Quang khẳng định, ngôi nhà hai tầng bị chính chiếc xe này san phẳng.

Dấu vết để lại!

 

Hơn một tháng kể từ ngày cưỡng chế tại khu nuôi trồng thuỷ sản của Đoàn Văn Vươn, một câu hỏi mà dư luận rất quan tâm nhưng chính quyền địa phương ra sức bao biện, đó là: Ai ra lệnh và ai phá nhà Vươn, Quý?

 

Báo chí đã đưa tin, chính quyền các cấp của Hải Phòng đều khẳng định: không có chuyện chính quyền phá nhà dân khi cưỡng chế. Cũng không có lãnh đạo nào ra lệnh việc này cả.

Chiếc xe xích xuất hiện hôm cưỡng chế

Tuy nhiên, thay cho việc khẳng định chính quyền không liên quan đến việc nhà Vươn, Quý bị phá, không một ai nhắc đến chi tiết, chiếc máy xúc – phương tiện san ủi ngôi nhà Đoàn Văn Quý đã “bốc hơi” nhưng những dấu vết bánh xe xích vẫn còn hằn lại trên bờ đầm nhà Vươn.

 

Khu vực đầm bãi của Đoàn Văn Vươn ngoài đầm cống Rộc, xã Vinh Quang nằm ở phía ngoài cùng, sát mép biển. Nó có diện tích 19,3ha và nằm trong quyết định thu hồi số 461 đã có thông báo cưỡng chế.

 

Nguồn gốc của đất đầm này, đó là do Đoàn Văn Vươn tiếp tục quai đê lấn biển mà có; sau đó ngày 2/3/1997, ông Vươn làm đơn xin giao đất bổ sung phần diện tích lấn chiếm ngoài diện tích được giao.

Ngày 9/4/1997, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm. Như vậy, với 2 quyết định trên, ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản.

 

Để đi ra được khu vực đầm cưỡng chế này phải qua khu vực đầm bãi 21ha và ngôi nhà hai tầng của vợ chồng Đoàn Văn Quý.

Bờ đầm dài hàng km tính từ ngôi nhà của Tổng đội Thanh niên xung phong ra đến đầm của Vươn đã được bê - tông hóa. Tuy nhiên, con đường bê-tông này chỉ rộng chừng 0,50 mét, hai chiếc xe máy không thể tránh nhau cùng một lúc.

 

Hơn một tháng trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ cưỡng chế, dấu vết của bánh xe xích máy ủi vẫn hằn lại hai bên đường, dù thời tiết thời gian qua nhiều ngày mưa.

 

Rất nhiều đoạn, những đám cỏ dại hai bên đường bị đánh rạp, nhàu nát ở vị trí hai bánh xe xúc đi qua, chà xát.

 

Một người dân (đề nghị giấu tên) ở xóm Yên, xã Vinh Quang khẳng định: “Cả làng, cả xã này ai chả nhìn thấy cái máy xúc được đưa ra ngoài đầm để phá ngôi nhà hai tầng của vợ chồng Đoàn Văn Quý”.

Người dân lập luận: Nếu dùng sức người phá thủ công ngôi nhà hai tầng kiên cố thì phải mất cả tuần lễ. Thế nhưng, chỉ một, hai ngày sau ngày xảy ra cưỡng chế, ngôi nhà hai tầng này đã bị san phẳng.

 

Rất nhiều người dân khi được hỏi đều cho biết thêm: khu vực nhà, công trình phụ, chuồng trại của Đoàn Văn Quý (cách đó vài trăm mét và ở khu vực 19,3ha) bị đập phá thủ công. Hiện tại, vẫn còn lại những bức tường cao chừng hơn một mét bị phá nham nhở, bể nước mưa… vẫn chưa bị phá.

Ngôi nhà hai tầng của Đoàn Văn Quý bị san phẳng,

Cụ Nguyễn Văn D. (người xã Vinh Quang) nhớ lại: vào chiều ngày 05/1 (thời điểm cưỡng chế), chiếc máy xúc được đưa ra ngoài đầm để đập phá nhà hai tầng. Một vài ngày sau, nó tiếp tục quay trở lại và đục một cái lỗ rất lớn ở khu vực nền nhà của Đoàn Văn Quý.

 

Sau khi “hoàn thành nhiệm vụ”, chiếc xe xúc này đã được di chuyển ra khỏi đầm, hiện tại nó đang ở đâu thì… không ai biết.

 

Nhiều người cho biết: chiếc máy xúc này là của ông V.V.K., người tiếp quản đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý một thời gian ngắn sau cưỡng chế.

 

Sao không tìm cái máy xúc?

 

Người dân xã Vinh Quang khá bức xúc khi gần một tháng nay, câu hỏi: Ai phá nhà Vươn, Quý?; Ai là người ra lệnh phá? Vẫn là câu hỏi mà chính quyền “chưa đi thẳng”!

 

Nhiều người “hiến kế”: chiếc máy xúc phá nhà Quý là mười mươi đúng. Nó là cỗ máy vô tri, nên phải có người điều khiển. Trong khi số máy xúc, máy ủi ở Tiên Lãng và ở Vinh Quang chỉ đếm trên đầu ngón tay, việc tìm nó không khó. Cứ “truy” người điều khiển cỗ máy này, sẽ tìm được câu trả lời. Đó là một điều mà ai cũng nghĩ được cả.






Dấu vết bánh xe xích hằn trên bờ đầm nhà Vươn, Quý.

Tuy nhiên, dường như chi tiết chiếc máy xúc này không được chính quyền Tiên Lãng để ý.

 

Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Liêm, chủ tịch xã Vinh Quang khẳng định: xã chưa tiếp nhận thực địa đầm bãi sau cưỡng chế của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Xã chỉ được giao nhiệm vụ cắt cử công an, dân phòng xuống chốt giữ đầm không cho người lạ vào mà thôi.

Về thông tin ông Vũ Văn Kết là chủ đầm mới, ông Liêm giải thích: “Có thể đó là việc làm ăn kinh tế của người dân họ hợp đồng với nhau, chúng tôi không biết”.

 

Trái ngược với những thông tin của chủ tịch xã Vinh Quang, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh khẳng định: “Huyện đã bàn giao diện tích đầm bãi thu hồi cho chính quyền xã Vinh Quang. Xã có trách nhiệm xây dựng phương án quy hoạch, sử dụng, tiến hành cho thuê theo hình thức đấu thầu đầm bãi”.

Như thế, tính đến thời điểm hiện tại, UBND xã Vinh Quang là chủ thể duy nhất đang tiếp quản khu đầm 40,3ha này.

 

Ngày 17/1/2012, PCT UBND TP Hải Phòng, ông Đỗ Trung Thoại cho biết: “Người dân bất bình nên đã phá nhà ông Vươn chứ không phải tổ cưỡng chế phá dỡ”.

 

Ông Ngô Ngọc Khánh, CVP UBND huyện Tiên Lãng cương quyết: huyện không chỉ đạo phá nhà Đoàn Văn Vươn.

 

Giám đốc công an Thành phố Hải Phòng, Đại tá Đỗ Hữu Ca khẳng định: “Tôi không ra lệnh phá nhà Đoàn Văn Vươn. Việc cưỡng chế là của UBND huyện. Khi để xảy ra việc chống người thi hành công vụ, đối tượng dùng phương tiện, vũ khí nguy hiểm chống lại lực lượng công an huyện nên Công an Thành phố phải vào cuộc. Sau khi sự việc xong, tôi lệnh anh em rút về an toàn. Việc còn lại là của huyện Tiên Lãng”.

 

Như thế, với những khẳng định của chính quyền ba cấp của Hải Phòng, không một cơ quan chức năng nào ban hành hay ra lệnh phá nhà Đoàn Văn Vươn. Việc phá nhà này cũng không phải là nội dung trong QĐ thu hồi, cưỡng chế đầm bãi. Hành vi phá nhà Vươn, Quý là hành vi làm trái nhiệm vụ được giao và vi phạm pháp luật.

 

Thế nhưng, trong lúc chính quyền chối, người dân ký tên kèm theo trong lá đơn của Nguyễn Thị Thương khẳng định: dân không phá nhà, thì ngôi nhà, chỗ ở duy nhất của anh em Vươn, Quý đã bị san phẳng. 

 

Chiếc máy xúc – “kẻ duy nhất” phá nhà Quý đến thời điểm hiện tại đã bị… bốc hơi, nhưng những vết bánh xe xích hằn trên con đường bao dẫn vào đầm của Quý, Vươn vẫn còn nguyên!?

 

Kiên Trung