- Hàng loạt pha lật xe tại các khúc cua trên cầu vượt đang thực sự trở thành nỗi khiếp sợ với tài xế ô tô và cả người dân thành phố. Điều gì khiến hiểm hoạ này chưa dừng lại? Những vụ lật xe khi ôm cua trên cầu vượt ám ảnh cánh tài xế đến nỗi có người mê tín dị đoan xem đó như một cái “dớp”, xe này lật rồi, sẽ có những xe khác lật theo.

TIN BÀI KHÁC

Ám ảnh lật xe

Khoảng 13h30’ ngày 14/2, xe tải BKS 61P – 0213 lưu thông hướng cầu Sài Gòn về quận 1, khi cua gấp đổ dốc cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) đã bất ngờ lật nhào xuống bên trái đường và trượt dài 20 mét.

Vụ lật xe khiến không ít người lưu thông bằng xe máy trên cầu lúc đó thất kinh vì ngay trước mặt họ, chiếc ô tô 2 tấn rưỡi bỗng đổ ầm ra giữa cầu ngay đoạn cua gấp. Thời điểm này, nguy cơ xảy ra một tai nạn liên hoàn là rất cao nếu trên cầu đông phương tiện.

Tuy nhiên, rất may mắn là khi xảy ra vụ lật xe không có trường hợp người dân nào lưu thông song song với xe tải hoặc vượt lên phía trước. Ngay sau khi việc xảy ra công an quận Bình Thạnh đã tiến hành lập biên bản và giải tỏa hiện trường để đảm bảo lưu thông trên cầu.

Tài xế chủ quan khi ôm cua trên cầu vượt khiến container văng xuống đường

Vụ tai nạn tại địa điểm này một lần nữa đánh động với tài xế ô tô khi phải điều khiển xe ôm cua gấp trên các cầu vượt. Trước đó, nơi đây từng diễn ra hàng loạt vụ tai nạn khác, khiến khúc cua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trở thành “điểm đen” về giao thông.

Anh Vũ Đình Hùng (29 tuổi, quê Nghệ An), tài xế xe container cho biết: “Những khúc cua trên cầu vượt vô cùng nguy hiểm vì trước đó tài xế đang điều khiển xe đi trên một quãng đường thẳng, không có độ nghiêng mặt đường. Nếu giảm tốc độ từ từ ngay lúc thấy biển báo thì sẽ an toàn chứ khi vào cua rồi mà thắng gấp thì lật xe là điều tất yếu”.

Theo lời anh Hùng, chính anh cũng đã từng là nạn nhân trong vụ tai nạn hy hữu trên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Lúc đó Hùng là phụ xe, cùng tài xế đầu kéo container BS: 53LD- 08... chở hàng qua đây. Khi thấy biển báo cua gắt bên trái, tài xế liền giảm tốc độ đột ngột. Nhưng sực nhớ ra mặt đường nghiêng nên anh này đánh tay lái lấy ngược ngay về bên phải.

Cú lấy lái quá trớn khiến đầu kéo xe đâm sầm vào lan can thành cầu, húc văng 20 mét thanh chắn thành cầu vượt rồi nằm vắt vẻo ở đấy. Phía dưới đường Nguyễn Hữu Cảnh, hàng trăm người dân thót tim khi thấy khối sắt thép khổng lồ lơ lửng trên đầu họ. Rất may, container phía sau có tải trọng lớn nên đầu kéo được giữ lại không văng nhào xuống đất.

Tài xế xem thường biển báo…

Chung tình cảnh như cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, cầu vượt Cát Lái (quận 2) cũng là địa điểm khiến người dân mỗi khi qua đây thoáng nhìn thấy xe đầu kéo container là nhịp tim… đập mạnh. Hơn 1 năm từ ngày đưa vào sử dụng (15/08/2010), khúc cua trên cầu vượt Cát Lái đã “tiếp nhận” 5 vụ lật, rơi container trong đó kịch bản gặp phải phổ biến là “đầu kéo đi, container ở lại”.

Theo ghi nhận của VietNamNet, mặc dù đã có biển báo cấm vượt quá tốc độ 30km/h khi lưu thông qua cầu vượt này nhưng nhiều tài xế vẫn chủ quan lưu thông với tốc độ bình thường như khi đường thẳng.

Anh Trần Văn Hiền (SN 1976) tài xế đầu kéo container 57L- 4853, một nạn nhân của vụ lật xe trên cầu kể lại: “Vào cuối năm 2011, tôi cũng chạy xe chở 1 container loại 40 feet chất đầy hàng chạy từ hướng xa lộ Hà Nội lên cầu vượt để vào cảng Cát Lái. Do chủ hàng yêu cầu gấp nên tôi không cẩn thận giảm tốc độ lúc cua làm container bung khoá lật xuống đường”.

Chỉ có cách chấp hành quy định tốc độ mới chấm dứt được cảnh đầu kéo đi, container… ở lại

Theo tìm hiểu của VietNamNet, ngay trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn với anh Hiền, một container 40 feet khác cũng đã bị lật ngang khiến thùng container bị bể, một đoạn lan can cầu bị húc gãy. Trước đó nữa, cũng ngay tại khúc cua tử thần này, xe container mang biển số 51E- 01048 do tài xế Trần Trung Thái điều khiển hướng vào cảng Cát Lái cũng đã để container bị lật xuống đường, húc trụ đèn chiếu sáng gãy rơi xuống xa lộ Hà Nội.

Sau hàng loạt vụ lật xe trên khúc cua cầu vượt, Sở Giao thông vận tải TP HCM đã giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố, lực lượng cảnh sát giao thông ngăn chặn hiểm hoạ này.

Nguyên nhân các vụ lật container được xác định là do thùng hàng dài, trong khi độ cong của cầu lớn, tài xế không chấp hành cảnh báo giảm tốc độ khi vào đường cua. Theo một chuyên gia giao thông, nếu tài xế chạy với tốc độ cao sẽ không thể ôm hết khúc cua. Như vậy, khi phát hiện đã “sai”, tài xế sửa sai bằng cách giảm tốc đột ngột sẽ tạo điều kiện cho xe lật.
"Với biển báo quy định tốc độ 30km/h, nếu xe container chạy tốc độ trên 40 km/h, nguy cơ lật xe rất cao rất cao. Gặp trường hợp tài xế xem thường biển báo mà điều khiển xe tốc từ 50km/h trở lên thì chắc chắn sẽ trả giá đắt”, chuyên gia này cho biết.

Quốc Quang