- “Người uống bia, rượu nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở thì ngoài việc bị giữ bằng lái, giữ xe còn phải chịu phạt 15-25 triệu đồng… Ngoài ra người vi phạm còn bị giữ xe 10 ngày, giữ bằng lái 30 ngày”.
Đây là mức đề xuất của Bộ GTVT đưa vào
dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực giao thông đường bộ.
Mức phạt rượu bia tăng mạnh
Một thành viên ban soạn thảo cho biết, trong lần sửa đổi này, Bộ GTVT đã nghiên
cứu và đề xuất tăng mức phạt thật cao đối với các vi phạm vốn là nguyên nhân
trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là vi phạm về uống rượu, bia.
Cụ thể, dự thảo đề xuất đối với lái xe ô tô nếu điều khiển xe trên đường mà
trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc
vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng. Đồng
thời, sẽ bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung là giữ phương tiện 10 ngày và
giữ giấy phép lái xe đến 30 ngày.
So với quy định cũ, mức phạt mà Bộ GTVT đề xuất cao hơn 6-7 triệu đồng.
Mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển phương tiện giao thông có thể tới 25 triệu đồng. |
Theo tinh thần của dự thảo, trường hợp lái xe uống rượu, bia nhiều hơn mức trên
thì mức phạt bằng tiền sẽ còn cao hơn.
Cụ thể, nếu trong máu hoặc hơi
thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở
thì ngoài việc bị giữ bằng lái, giữ xe còn phải chịu phạt 15-25 triệu đồng (mức
cũ là 4-6 triệu đồng).
Được biết, dự thảo này cũng đề xuất tăng mức phạt tiền đối với người lái mô tô,
xe máy uống rượu bia.
Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng (quy định hiện hành là 200.000- 400.000 đồng).
Nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức cao
hơn có thể sẽ phải chịu mức phạt 2-3 triệu đồng (hiện là từ 500.000 đến 1 triệu
đồng) và cũng sẽ bị giữ phương tiện 10 ngày và bằng lái 30 ngày.
Phải xử lý nghiêm minh
Tán thành với đề xuất mức xử phạt trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận
tải Hà Nội cho biết, biện pháp này cần phải được thực hiện thật nghiêm minh mới
có tính răn đe với các hành vi vi phạm.
“Xử phạt phải nghiêm để răn đe người điều khiểm phương tiện không vi phạm, đồng
thời phải minh bạch để mức tiền thu được từ xử phạt vi phạm phải được nộp vào
kho bạc nhà nước”, ông Liên nói.
Khi được hỏi, việc xử phạt người điều khiển sử dụng bia rượu ngoài mức tiền phạt
cao, người điều khiển còn bị giữ phương tiện 10 ngày và giữ bằng lái 30 ngày
liệu có khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và hành khách, nhất là đối
với các doanh nghiệp vận tải, ông Liên cho biết: Đối với doanh nghiệp khi lái xe
bị giữ bằng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp phải chịu vì doanh
nghiệp sử dụng lao động làm trái luật.
“Doanh nghiệp vận tải phải quản lý lái xe chứ không phải cứ khoán cho lái xe
chạy. Nếu anh (doanh nghiệp) không nâng cao ý thức, trình độ của người lái xe
thì anh phải chịu”, ông Liên nói.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết: Nếu
doanh nghiệp không muốn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải của mình thì
tốt nhất không để cho lái xe vi phạm, còn nếu để cho lái xe vi phạn thì doanh
nghiệp phải chịu”.
Gia Văn