- Ngày 20/2, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văc - xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 19/2 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có 61 trường hợp bị bệnh tay chân miệng, tăng rất nhiều so với tuần đầu tiên bùng phát dịch này tại thời điểm năm 2011.

TIN BÀI KHÁC

Trong 61 ca bị tay chân miệng, có 1 trường hợp đã tử vong là bé Nguyễn Anh Kh. (22 tháng tuổi, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Bé Kh. bị phát hiện sốt vào ngày 8/2 nhưng vẫn được đưa đến nhà giữ trẻ, sau đó bé được khám, điều trị tại Trung tâm phụ sản nhi, bệnh viện Đà Nẵng và đã tử vong vào ngày 14/2.

Dịch tay chân miệng đang bùng phát nhanh và phức tạp tại Đà Nẵng
 

Dịch tay chân miệng bùng phát mạnh ở một số địa phương như quận Hải Châu (21 ca), Thanh Khê (10 ca), Liên Chiểu (10 ca)…

Ngay khi phát hiện có bệnh nhân mới, Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng đã nhanh chóng tiếp cận và đã tiến hành kiểm soát, phun hóa chất tại 71 điểm dịch nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan của bệnh.

Theo bác sĩ Lãm, ngoài dịch tay chân miệng, hiện trên địa bàn thành phố còn xuất hiện một số bệnh dịch như sốt xuất huyết (19 ca), thủy đậu (26 ca).

Đà Nẵng hiện là trung tâm điều trị, khám chữa bệnh của khu vực Tây Nguyên và các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tình trạng quá tải vì dịch tay chân miệng đã có từ nhiều ngày qua.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Khoa Y học nhiệt đới, Trung tâm Phụ sản nhi, bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 10 – 15 trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng, trong đó có nhiều trẻ đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Hiện nay, Trung tâm đang theo dõi, điều trị 125 ca bị tay chân miệng, trong đó có 15 ca bị tay chân miệng nặng, ở cấp độ 2B1 trở lên đã được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu.

“Hiện nay chỉ tiêu của khoa chỉ có 3 bác sĩ chuyên khoa, 25 giường bệnh được đặt tại 4 phòng nên việc quá tải là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là với tốc độ nhanh và diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay”.

Theo bác sĩ Ngữ, dịch tay chân miệng trước đây thường xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, năm nay tình hình có diễn biến phức tạp hơn, có nhiều trẻ ở 3 – 5 tuổi vẫn mắc loại bệnh này.

Hiện dịch tay chân miệng vẫn chưa có văc - xin đặc trị và chưa có biện pháp phòng ngừa, đặc biệt rất dễ tái nhiễm. Các bác sĩ khuyến cáo, phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay là nên vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên cho trẻ nhỏ.

Phan Chung