- Sẽ là một hậu quả không thể định lượng được nếu như người chưa thành niên phát triển lệch hoặc không cân bằng. Đa phần những vụ án do người chưa thành niên thực hiện thường bắt nguồn từ việc không nhận thức được hoặc nhận thức chưa đầy đủ về mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.

Những câu hỏi trên không thể được trả lời trong một sớm, một chiều. Nhưng với sự bức xúc của dư luận, “tội phạm trẻ hóa” đã không còn là câu chuyện pháp luật. Đó là chuyện của mỗi gia đình, của  mỗi người làm cha, làm mẹ, và cũng là chuyện của chính những người trẻ.

Buông lỏng, ắt trượt vào tội ác!


Nhiều ông bố bà mẹ khi nhìn nhận về vấn đề “nóng” này đã thừa nhận, yếu tố gia đình là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Dạy con là quan trọng, nhưng quan trọng không kém là bản thân người lớn phải làm gương cho con.

Đa phần những vụ án do người chưa thành niên thực hiện thường bắt nguồn từ việc không nhận thức được hoặc nhận thức chưa đầy đủ về mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.

Khi nói về chủ đề này, chị Lương Thị Thanh (Khâm Thiên – Hà Nội) bày tỏ: Không có ai làm gương, trẻ dễ bị nhiễm thói thư tật xấu.

“Cách dạy con của mình rất đơn giản nhưng “ngấm” vào các cháu từ nhỏ. Đó là bố mẹ thường xuyên quan tâm, dạy bảo nhưng cũng tạo cho con tính độc lập nhất định. Từ đó giúp các con có ý thức sửa đổi bản thân, hướng đến cái tốt, cái thiện. Có những vấn đề gì trong cuộc sống, bố mẹ, con cái có thể cởi mở trao đổi.

Theo tôi, nền tảng gia đình là vô cùng quan trọng. Khi không có nền tảng gia đình, gia đình buông lỏng thì khi ra ngoài xã hội, trẻ học cái xấu, nhiễm cái xấu nhanh lắm… 

Đặc biệt, nếu trong gia đình không ai cho trẻ theo gương, để học hỏi cách đối nhân xử thế, cách sống phải trái, đúng theo để noi theo thì rất dễ trẻ sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu ngoài xã hội, đánh mất những giá trị sống tốt đẹp. Tội phạm gia tăng cũng từ đó mà ra”.

Cũng là một người cha, anh Lê Giang Toản (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, quan trọng nhất là cha mẹ nên dạy con biết sử dụng đồng tiền.

“Trong gia đình chúng tôi, việc quản lý con cái phải được coi trọng. Đặc biệt, đối với con cháu trong gia đình, chúng tôi chú trọng không cho cháu tiêu tiền để hạn chế những ham muốn không chính đáng ở tuổi học sinh của các cháu như game, thuốc lá, chơi bời… 

Chi tiêu cho cháu chỉ vừa phải. Tiền bạc vật chất rất dễ “sinh hư” cho trẻ nếu chúng không được dạy bảo, quản lý một cách hợp lý.

Gần đây, theo dõi những vụ án mạng, những vụ giết người cướp của mà tội phạm còn rất trẻ và thực sự tôi rất lo ngại cho giới trẻ hiện nay và lo ngại cho sự phát triển chung của xã hội.

Theo tôi, vì các cháu còn trẻ, do chưa ý thức được hết mức độ nguy hiểm của những việc mình làm, vì vậy mà đôi khi chỉ vì mấy trăm nghìn chúng cũng dám cũng giết cả mạng người…

Nếu không có giáo dục từ nhà trường và gia đình buông lỏng thì chắc chắn nhiều người trẻ sẽ trượt vào thế giới tội ác”.

Cần yêu thương, nhưng nghiêm khắc


Nhiều người trẻ tâm sự, thực tế họ đã không còn bị “sốc” hay choáng trước những vụ giết người tàn bạo, mà kẻ thủ ác còn trẻ tuổi như trước nữa.

Vậy trong suy nghĩ, góc nhìn của chính giới trẻ, đâu là nguyên nhân gây ra thực tế đáng buồn này? Gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân người trẻ có thể làm gì để đối phó với thực tế ấy?

Bạn Vũ Mai Ngọc (SV ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc Gia HN) cho biết: Hãy để trẻ có cái nhìn tốt về cuộc sống, yêu thương bản thân và con người.

Theo bạn: “Nếu như trước đây tôi cảm thấy khá bất ngờ vì những vụ việc như thế này, nhưng gần đây nó đã phổ biến đến mức dường như tôi cảm thấy không bất ngờ trước những mẩu tin như vậy. 

Đây là một sự báo động đối với cha mẹ, gia đình và nhà trường đối với việc giáo dục trẻ em. Sự tiếp xúc sớm với internet, phim ảnh, game, truyền hình…. mà không được định hướng tốt dễ dẫn đến những hành động cực đoan mà chính các em không hiểu được hậu quả.

Nhiều em đang sống trong một thế giới ảo. Trong thế giới đó, bạo lực, tiền có thể giải quyết tất cả mọi thứ. Các em trở nên vô cảm trước sinh mạng của con người, đang tâm giết người chỉ vì những món lợi có khi là rất nhỏ.

Chúng ta nên tạo cho những người trẻ những môi trường vui chơi lành mạnh, tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với môi trường bên ngoài để có cái nhìn tốt về cuộc sống, yêu thương bản thân và con người".

Trong khi đó, một người trẻ khác là bạn Nguyễn Duy Tuấn (SV ĐH Kinh Tế - ĐH Quốc Gia HN) đưa ra quan điểm rằng cần những đạo luật nghiêm khắc hơn sau hàng loạt vụ việc liên quan đến tội phạm tuổi teen vừa qua.

“Những vụ việc như vụ Lê Văn Luyện, vụ Dương Phương Tuấn…  thực sự đáng báo động về bạo lực trong giới trẻ. Một bộ phận trẻ trong xã hội ngày nay dường như càng trở nên manh động và nguy hiểm.

Nguyễn Duy Tuấn – SV ĐH Kinh Tế - ĐH Quốc Gia HN

Một bộ phận không nhỏ trẻ em tiếp cận sớm với những tệ nạn và bạo lực, cộng với sự thiếu kém trong việc quản lí, giáo dục của gia đình và nhà trường. Chúng không hiểu và không có ý thức về hậu quả của tội ác, từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Ngoài ra, theo tôi, pháp luật nhà nước chưa đủ nghiêm khắc, chưa có hình phạt thích đáng cho những đối tượng như Lê Văn Luyện… dẫn đến thái độ coi thường thậm chí không sợ hãi pháp luật, kết quả như chúng ta có thể nhận thấy là tình trạng tội phạm trẻ hóa đang gia tăng.

Hàng ngày trên mặt báo tôi rất bức xúc khi đọc được những mẩu tin viết về việc phạm tội của những đứa trẻ thậm chí còn chưa đủ 15 tuổi.

Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải nhanh chóng có thêm những đạo luật nghiêm khắc hơn nữa đối với những đối tượng tội phạm vị thành niên”.

Trao đổi với VietNamNet về chủ đề này, Luật sư Nguyễn Hà Cường (Công ty Luật TNHH Leadconsult) nhận định:

"Ở đây, chúng ta đang nói tới một đối tượng đặc biệt: Người chưa thành niên phạm tội. Đây là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, tâm sinh lý và nhân cách. Người chưa thành niên là người đã qua độ tuổi trẻ con nhưng cũng chưa phải là trưởng thành. Vì vậy, kinh nghiệm sống còn ít, trình độ hiểu biết có hạn, đặc biệt hiểu biết pháp luật còn kém. Nhưng bên cạnh đó lại thích khám phá, thích mạo hiểm, bản lĩnh tự lập yếu.

Chính vì vậy nên họ thương dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, không làm chủ được hành vi của mình. Do đó, họ thường không ý thức được hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Từ đó, việc áp dụng các hình phạt cho đối tượng này luôn hướng tới việc giáo dục và cải tạo để họ nhận ra sai lầm và trở thành người có ích hơn cho xã hội. Các quy định pháp luật áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội vừa có tính răn đe, vừa có tính nhân đạo, khoan hồng.

Sẽ là một hậu quả không thể định lượng được nếu như người chưa thành niên phát triển lệch hoặc không cân bằng. Đa phần những vụ án do người chưa thành niên thực hiện thường bắt nguồn từ việc không nhận thức được hoặc nhận thức chưa đầy đủ về mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.

Và đặc biệt là sự bùng nổ của các luồng văn hóa, tư tưởng chưa được kiểm soát kỹ càng trong xã hội, nhưng lại được truyền bá mạnh mẽ nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin.

Từ đó, đã ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ trẻ. Những luồng thông tin này thường trực tiềm ẩn những nguy cơ làm cho trẻ vị thành niên bị dụ dỗ, sa ngã và bước vào con đường phạm tội lúc nào mà không ai ngờ tới.

Hàng loạt các vụ án vừa qua thực sự là “tiếng chuông” báo động cho các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn thể xã hội trong công cuộc phòng chống tội phạm trẻ vị thành niên.

Minh Tâm