- Trước cổng Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng từ nhiều năm nay luôn tồn tại một đội xe chuyên chở bệnh nhân (thường là bị nặng, khó qua khỏi) về nhà. Sự việc sẽ không trở nên gay gắt khi đội xe này bộc lộ quá nhiều hạn chế trong quá trình hoạt động, và đặc biệt là luôn xung đột, đe dọa với lực lượng 115.

TIN BÀI KHÁC
 
Giành giật bệnh nhân

Vào khoảng 12 giờ 40 ngày 21/2, tại Trung tâm cấp cứu 115 Hải Châu (đường Hải Phòng) xuất hiện một nhóm 5 người (3 nam, 2 nữ) với dáng điệu hung tợn, đầy bức xúc.

Nhóm người này xông vào trung tâm buông lời văng tục, đe dọa các nhân viên cấp cứu và viết lên xe cấp cứu những lời lẽ thô tục, thách thức.

Đến hơn 13 giờ cùng ngày, nhóm đối tượng này lại xuất hiện với những hành động tương tự. Chỉ khi có sự xuất hiện của lực lượng công an địa phương, sự việc mới được chấm dứt.

 Trung tâm 115 Đà Nẵng đang bị lợi dụng chức danh

Theo lời khẳng định của nhiều nhân viên cấp cứu, đây chính là đội ngũ chuyên chở bệnh nhân từ bệnh viện về nhà. Theo đó, trước cổng bệnh viện Đa khoa luôn xuất hiện 4 – 5 xe ô tô khách loại 16 chỗ ngồi được tháo hết ghế bên trong.

Mỗi khi có bệnh nhân muốn chở về nhà, đội ngũ này liền đáp ứng. Điều đáng nói là dịch vụ này tồn tại từ nhiều năm nay, ảnh hưởng khá lớn đến uy tín của lực lượng 115, đồng thời chi phí vận chuyển rất đắt đỏ khiến người đi viện càng lao đao.

Để tìm được “mối”, lực lượng này móc nối với một số nhân viên hộ lí, bảo vệ bên trong bệnh viện Đà Nẵng.

Theo đó, mỗi khi có bệnh nhân muốn về nhà, đội ngũ “cò” này sẽ báo tin để được chia “hoa hồng”. “Trong lúc đang bối rối vì bệnh nặng, người nhà bệnh nhân cứ nghĩ đó là lực lượng 115 nên liền lên xe mà không nghĩ ngợi gì. Tuy nhiên khi thanh toán tiền tại nhà thì mới ngớ người ra”, anh Thuận, nhân viên 115 cho biết.

Cứ nghĩ là xe của đội ngũ cấp cứu nên mỗi ngày trung tâm 115 thường xuyên có hàng chục người nhà bệnh nhân tìm đến xin hóa đơn giá cước vận chuyển với giá cao gấp nhiều lần so với quy định.

Để hoạt động được thuận lợi, đội ngũ “115 dỏm” này cũng trang bị băng ca, bảo hộ, đồng phục blouse trắng, thậm chí là còi hụ giành cho xe ưu tiên mỗi khi cần. Không chỉ dừng lại ở đó, lực lượng này còn giành bệnh nhân một cách công khai khiến việc đưa đón bệnh nhân trở nên bát nháo, hỗn loạn không khác gì các bến xe khách.

Sao không công khai hoạt động?

Lâu nay thành phố Đà Nẵng đã có chỉ thị yêu cầu miễn phí giá cược vận chuyển mỗi khi bệnh nhân cấp cứu. Ngoài ra, giá cước vận chuyển về nhà (do 115 đảm nhận) cũng được niêm yết cụ thể, nếu vi phạm sẽ bị xử lí.

Theo đó, chở dưới 7km sẽ tính giá cước vận chuyển là 100 ngàn, từ 7 – 300 km có giá là 14,5 ngàn/km và trên 300km là 13,5 ngàn/km. Điều này nhằm hỗ trợ, chia sẻ trước khó khăn, bất hạnh của bệnh nhân.

Chính vì vậy, việc đội ngũ “115 dỏm” hoạt động lâu nay với giá cước quá cao càng khiến bệnh nhân lao đao, nhiều người bức xúc và đi ngược lại với chỉ thị, chủ trương của thành phố.

“115 dỏm” công khai túc trực ngày đêm tại bệnh viện

Bên cạnh đó, hoạt động này còn tiềm ẩn nhiều mối nguy. Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Phó, Giám đốc trung tâm cấp cứu Đà Nẵng, việc cứu người là không thể đùa giỡn, càng không thể mạo danh khi không biết gì về chuyên môn. Các thao tác như tiệt trùng ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong quá trình vận chuyển cũng cần phải được tuân thủ và thực hiện nghiêm ngặt, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Tuy nhiên có một điều khá đặc biệt là đội ngũ này đã tồn tại suốt 14 năm nay, đến khoảng tháng 8/2011 thì xảy ra xung đột căng thẳng với lực lượng 115 và đỉnh điểm là sự việc diễn ra trưa 21/2.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phó chia sẻ: “Tôi không nghĩ sẽ dẹp bỏ được đội ngũ này, ngược lại tôi chỉ mong muốn họ hoạt động chuyên nghiệp, văn minh và đăng ký một cách công khai với mục tiêu tất cả vì người bệnh”.

Sở dĩ như vậy bởi hiện nay, hoạt động của lực lượng 115 đang trở nên quá tải. Hiện nay Trung tâm 115 Đà Nẵng chỉ có 11 xe cứu thương với 70 cán bộ, nhân viên rải đều tại 5 trạm vệ tinh khắp thành phố. Lực lượng này không chỉ phục vụ trong địa bàn thành phố mà còn tham gia cấp cứu tại các vùng lân cận như Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế), Điện Bàn, Đại Lộc…(Quảng Nam).

“Hiện chúng tôi đang đề nghị thành phố tăng cường thêm 5 xe cứu thương và 15 nhân viên nữa nhằm giải quyết tình trạng quá tải và đáp ứng một cách nhanh nhất nhu cầu của người dân”, ông Phó cho biết.

Trên thực tế, dịch vụ đưa đón, vận chuyển người bệnh đã xuất hiện ở nhiều địa phương và càng trở nên cần thiết tại tại các thành phố lớn, nơi có nguy cơ xảy ra các rủi ro như tai nạn, bệnh tật cao.

Tuy nhiên, song song với đó chính là việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chuyên môn, chi phí vận chuyển, chất lượng phục vụ theo quy định của chính quyền cũng như đúng với lương tâm của việc cứu người.

Phan Chung