- Với biểu phí hiện tại ở cao tốc TP.HCM- Trung Lương, khi nhìn vào số tiền mà doanh nghiệp vận tải phải trả khiến người ta chóng mặt.
>> 'Đòi' giảm 50% phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương
>> Rối ren thu phí trên cao tốc TP.HCM- Trung Lương
>> Choáng với mức phí 'khủng' cao tốc TPHCM - Trung Lương
>> Ngày đầu thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương
Ngay sau khi Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ giao thông vận tải, Bộ Tài chính về mức phí thiếu hợp lý của cao tốc TP.HCM- Trung Lương cũng như chủ trương cho đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ bức xúc.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có phản hồi nào từ phía cơ quan chức năng.
Luật sư Thái Văn Chung Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP.HCM cho biết: “Nếu lập trạm thu phí trên quốc lộ 1A để "ép" xe vào đường cao tốc là tận thu và thiếu công bằng”.
Còng lưng gánh phí
Ông Đặng Trọng Hiền, Tổng giám đốc Công ty CPVT & DVDL Phương Trang, một tên tuổi chủ đạo của thị trường vận tải miền Tây Nam Bộ cho hay, từ sau ngày 25/02 (ngày thu phí chính thức) đơn vị này luôn luôn trong tinh thần “cắn răng đi cao tốc” vì hoạch toán chi phí phải trả cho riêng tuyến TP.HCM- Trung Lương ước tính lên đến tiền tỷ một năm, chưa kể chi phí khi qua hơn chục trạm thu phí khác và các phà thuộc miền Tây Nam Bộ.
Ông Đặng Trọng Hiền- TGĐ vận tải Phương Trang |
Đơn cử như hiện nay công ty ông Hiền có khoảng gần 400 lượt xe mỗi ngày từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long.
Với chi phí phải trả là 88.000 đồng/xe/lượt thì hàng tháng, công ty chi khoảng 1 tỷ. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ vận tải hành khách chưa vào mùa, nếu đến khoảng tháng 6 trở đi, khi lượt vận chuyển tăng khoảng 30% và mùa tết tăng hơn 50% thì số tiền trả phí khi qua cao tốc TP.HCM- Trung Lương 1 năm đã xấp xỉ 12 tỷ đồng, chưa kể chi phí khi qua gần chục trạm thu phí và phà thuộc miền Tây Nam Bộ khiến công ty còng lưng gánh phí.
“Trong thời gian chờ đợi sự điều chỉnh phí cao tốc của nhà nước, chúng tôi vẫn tiếp tục 'cắn răng' gắn bó với cao tốc TP.HCM- Trung Lương như thời gian 2 năm qua, để phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Tôi tin là sẽ có điều chỉnh trong thời gian sớm, vì với mức phí thu như thế, rõ ràng nếu giá vé tăng, người dân sẽ là đối tượng trực tiếp chịu thiệt thòi”, ông Hiền khẳng định.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, theo chương trình bình ổn giá” hết quí I/2012, hầu hết nhiều đơn vị vận tải không thể tính đến giải pháp tăng giá vé. Bởi vì, từ tháng cuối năm 2011, giá dịch vụ xe ra vào bến xe miền Tây vừa tăng lên 3.500 đồng trên 1 ghế hành khách (tăng 180% giá cước vận chuyển).
Chỉ tính riêng Bến xe Miền Tây, mỗi tháng chi phí của một đơn vị vận tải lớn tăng thêm khoảng 200 triệu. Cho dù đủ khách hay không, vẫn phải nộp phí và xuất bến đầy đủ.
Theo ông Hiền, ngoài bài toán tăng giá vé bất thành, các đơn vị vận tải lớn còn phải tính đến chuyện cân nhắc tiết giảm chi phí.
“Như công ty tôi, khoản chi phí sử dụng xây dựng và đầu tư bến bãi dự kiến như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Hà Tiên, Hồng Ngự... đều tạm thời được chậm lại nhằm xem xét, tìm biện pháp hỗ trợ cho khoản chi phí vận chuyển khi qua cao tốc TP.HCM- Trung Lương”, ông Hiền nói.
Chưa có phản hồi
Trao đổi với VietNamNet sau khi Hiệp hội vận tải TP.HCM có văn bản kiến nghị đến thủ tướng và Bộ GTVT, Bộ Tài chính về phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương chưa hợp lý, luật sư Thái Văn Chung, Tổng thư ký hiệp hội cho biết: “Hiện chưa có phản hồi sau khi chúng tôi gửi văn bản kiến nghị”.
Nếu không giảm giá vé, doanh nghiệp vận tải tiếp tục cắn răng đi cao tốc trước khi chính phủ có biện pháp khả quan. |
Theo ông Chung, hiện phí cao tốc đối với các phương tiện, đặc biệt là container như vậy chưa hợp lý. Mặc khác nếu lập trạm thu phí trên quốc lộ 1A để "ép" xe vào đường cao tốc là tận thu và thiếu công bằng.
Người dân có quyền lựa chọn giải pháp di chuyển cho mình.
"Trạm thu phí hoàn vốn cho đường cao tốc nhưng lại đặt trên quốc lộ 1A là sai đối tượng, sai nguyên tắc, vi phạm quy định. Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ theo Pháp lệnh phí và lệ phí", ông Chung nói.
Bày tỏ ý kiến về phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, bà Võ Thị Thanh, công ty cổ phần Thuận Thảo, hiện đang kinh doanh vận tải nói: “Theo tôi, khi đưa ra mức phí cao tốc, cơ quan nhà nước đã có tính toán tác động lên kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, mức phí nếu chưa phù hợp, mà người hiểu rõ nhất là các đơn vị vận tải thì nhà nước nên có điều chỉnh phù hợp”.
Theo bà Thanh, dù đơn vị của bà hoạt động chủ yếu ở tuyến miền Trung, nhưng việc cân đối phí cầu đường vô cùng quan trọng. Nếu phí tăng, cần có lộ trình để đơn vị vận tải tìm kiếm nguồn hàng xoay vòng thêm chuyến nhằm cân đối lợi nhuận. Biểu phí cao rõ ràng sẽ tác động lên giá hàng hoá.
“Một doanh nghiệp khi đã có thương hiệu muốn điều chỉnh giá không phải chuyện đơn giản, huống hồ với các đơn vị vận tải vừa và nhỏ thì đó càng là chuyện sống còn vì ảnh hưởng đến niềm tin của người dân”, bà Thanh nói.
Trước đó, như VietNamNet đã thông tin, kể từ sau ngày 25/02 (chính thức thu phí cao tốc) lượng xe trên cao tốc TP.HCM- Trung Lương giảm mạnh, hầu hết xe tải và container do chịu mức phí cao nên đã chuyển sang đi QL1A để tránh đóng phí khiến tuyến đường này chịu áp lực giao thông rất lớn.
Quốc Quang