- Hàng trăm khối gỗ bị lâm tặc khai thác trái phép tại khu vực rừng đầu nguồn biên giới Việt Lào (địa phận Hà Tĩnh) đã được phát hiện và thu hồi về xử lý. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là trong năm 2011, tỉnh đã chỉ đạo thành lập hai đoàn thanh kiểm tra và một chuyên án điều tra, thế nhưng hàng trăm m3 gỗ này đã không được biết đến hoặc bị che giấu!
"Ngớ người" rừng phòng hộ bị phá!
Chỉ đến khi hàng trăm khối
gỗ được phát hiện và tịch thu, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng
mới “ngớ người” ra rằng, vụ phá rừng nghiêm trọng này đã không được biết đến
trong những lần kiểm tra trong năm 2011.
Trước tình trạng rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới tại xã Sơn Hồng (thuộc Cty
Dịch vụ và Lâm nghiệp Hương Sơn quản lý) bị tàn phá trong nhiều năm và ngày càng
diễn biến phức tạp, trong năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực chỉ đạo thành
lập các đoàn thanh kiểm tra.
Cơ quan công an cũng đã thành lập Ban chuyên án để điều tra. Tuy nhiên, kết quả thu được chỉ là con số nhỏ so với thực tế.
|
Đã có gần 1000 phiến, lóng gỗ bị lâm tặc chặt hạ, cưa xẻ cất giấu trong rừng bị phát hiện và thu giữ (Ảnh nhỏ trên: Báo cáo kiểm tra của đoàn liên ngành trước đó, số lượng gỗ khổng lồ vừa phát hiện và thu giữ đã không được biết đến). |
Trong lần kiểm tra này, đoàn liên ngành đã phát hiện, truy quét và thu giữ số lượng gỗ tập kết trái phép tại xóm 15 xã Sơn Hồng tổng cộng 278 lóng, phiến gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8 với khối lượng 45,5 m3.
Tiếp đó, ngày 20/7/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có thông báo số 210, giao GĐ Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng lập chuyên án điều tra, làm rõ việc vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và nới rộng phạm vi, đối tượng điều tra, báo cáo UBND tỉnh.
Chuyên án mang bí số KR- 08.11 đã được thành lập với sự tham gia của Công an huyện Hương Sơn, phòng CSĐT tội phạm về Kinh tế chức vụ và Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường.
Sau hai tháng tiến hành điều tra, ngày 19/9/2011, Thượng tá Dương Văn Trường, Trưởng CA huyện Hương Sơn, Trưởng ban chuyên án đã có báo cáo kết quả điều tra.
Một cây thân gỗ lớn bên đường được lâm tặc làm dấu, chưa kịp chặt. |
Đáng chú ý, trong
báo cáo có nêu, ngày 6/9/2011, tổ công tác phối hợp với Hạt kiểm lâm Hương Sơn,
chủ rừng, Đồn BP 565 tiến hành khảo sát nắm tình hình tại tiểu khu 21, 22 nhưng
chưa phát hiện được dấu hiệu khai thác trái phép trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, thông tin từ vụ truy quét mới đây tại xã Sơn Hồng thì tiểu khu 21, 22
do Ban QLXDBV rừng Hồng Lĩnh quản lý là 2/4 tiểu khu mà lực lượng chức năng phát
hiện hàng trăm khối gỗ được khai thác trái phép bị cất giấu.
Báo cáo kết quả điều tra tiếp tục nhận định, toàn bộ số lượng gỗ khai thác trái
phép (45 khối) mà đoàn kiểm tra thu hồi được đã vượt quá mức xử lý vi phạm hành
chính.
“Nhưng xét thấy số lượng gỗ thu hồi ở 6 địa điểm khác nhau... Các tài liệu
điều tra thu thập được không chứng minh được toàn bộ số gỗ do một hoặc nhóm đối
tượng nào khai thác, và thời gian cụ thể... nên chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án
hình sự”, báo cáo điều tra kết luận.
Liên quan đến các tổ chức, cá nhân làm công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý
lâm sản thuộc Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, UBND xã Sơn Hồng, Hạt
kiểm lâm, tài liệu điều tra không chứng minh được có sự thông đồng, móc ngoặc
giữa họ với các đối tượng khai thác gỗ trái phép.
Bỏ qua hay che giấu?
Mặc dù đã nhận được những báo cáo
của đoàn kiểm tra, rồi kết quả điều tra của Ban chuyên án về sự việc rừng Sơn
Hồng bị phá, thế nhưng không hiểu vì sao, đến ngày 1/11/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh
lại tiếp tục chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, “kiểm tra, đánh giá
mức độ thiệt hại của rừng do bị khai thác trái phép từ năm 2010-2011 tại xã Sơn
Hồng”.
Lần này lực lượng kiểm tra rất hùng hậu, gồm có 24 thành viên do ông Nguyễn Huy
Lợi, Phó GĐ Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng kiểm lâm làm trưởng đoàn, hai phó đoàn là
ông Phạm Việt Hùng (Phó phòng CSĐTTP về kinh tế và chức vụ) và ông Hoàng Viết
Dũng, Phó tham mưu trưởng - Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh.
Các thành viên còn lại có sự góp mặt đầy đủ của các cơ quan chức năng.
Bốn chốt chặn của các cơ quan chức năng nằm trên con đường độc đạo: Trạm kiểm lâm Sơn Lĩnh, Ban QLBVR Hồng Lĩnh, Trạm kiểm soát biên phòng Đá Gân và Trạm bảo vệ rừng Khe Sinh, thế nhưng không hiểu sao, rừng đầu nguồn vẫn bị tàn phá, gỗ lậu vẫn được vận chuyển về xuôi? |
Báo cáo kết quả kiểm tra nêu: Đoàn kiểm tra 100% diện tích của 6 khoảnh thuộc 5 tiểu khu với tổng diện tích 760ha, do Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn và UBND xã Sơn Hồng quản lý.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra với số lượng không nhiều. Phát hiện số lượng gốc cây bị chặt ít, không rõ thời gian, và số gỗ tập kết trái phép chủ yếu là lóng.
Cụ thể, tại các tiểu khu 1 và 16,
đoàn kiểm tra chỉ phát hiện được 19 lóng gỗ với khối lượng hơn 8,5 m3, và số gốc
phát hiện được chỉ là 85 gốc với số lượng gỗ suy tính khoảng 67 m3 đã bị lâm tặc
đưa đi.
“Cháy nhà ra mặt chuột!”
Hai đoàn thanh tra và một ban chuyên án được thành lập, tuy nhiên, đối chiếu với
số lượng gỗ khổng lồ mới được phát hiện và thu giữ (khoảng 250m3) thì khó có thể
hiểu được các cơ quan chức năng này đã làm việc như thế nào? Sự chỉ đạo của UBND
tỉnh được thực hiện ra sao?
3 lần kiểm tra này, các cơ quan chức năng chỉ phát hiện được số lượng gỗ rất ít,
chủ yếu là lóng và.. đếm gốc cây.
Trong cuộc họp ngày 5/3, ông Lê
Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đặt dấu hỏi: Số lượng gỗ mới phát hiện chủ
yếu là phiến gỗ (gỗ thành khí) và khoảng 80% là khai thác trước tháng 6/2011,
còn lại khoảng 20% được khai thác sau đó.
Thông tin này cũng đồng nghĩa với việc, trong quá trình thanh kiểm tra 3 lần của
các cơ quan chức năng thì rừng biên giới khu vực xã Sơn Hồng vẫn tiếp tục bị
triệt hạ.
Đáng chú ý nữa là, khi đi kiểm tra thực tế ngày 5/3 vừa rồi, vị Phó Chủ tịch
tỉnh cũng đã tận mắt nhìn thấy có 5 lán trại của lâm tặc đã được dựng lên ở khu
vực sát đường biên. Ông đã phải thốt lên: Chủ rừng, kiểm lâm và biên phòng ở
đâu?
Ông Sơn cũng bức xúc trước tinh thần trách nhiệm của một số lãnh đạo ban ngành
(ông không tiện nêu tên, bởi sau khi có báo cáo của các đoàn kiểm tra, bản thân
ông đã nhận được nhiều thông tin về việc rừng vẫn bị tàn phá và gỗ khai thác
trái phép trong rừng vẫn còn nhiều.
“Ít nhất 6 lần tôi đã chỉ đạo kiểm tra những thông tin trên, tuy nhiên câu
trả lời mà tôi nhận được vẫn là “không có vấn đề gì” từ các cơ quan chức năng”,
ông Sơn bức xúc.
Thông tin về số lượng gỗ gần 100 khối được chủ rừng phát hiện và đã có văn bản
báo cáo lực lượng kiểm lâm trong thời gian các đoàn thanh kiểm tra làm việc.
Tuy nhiên, số lượng gỗ này không
được đề cập đến trong các bản báo cáo với UBND tỉnh. Khi nhận được thông tin
này, lãnh đạo tỉnh và nhiều cơ quan đã phải “giật mình”.
Tình tiết cụ thể về việc che giấu thông tin này sẽ được VietNamNet tiếp tục đề
cập trong những bài sau.
Duy Tuấn - Trần Văn