- Liên quan đến việc bà Phạm Thị Diệu Hiền Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Thủy sản Bình An xuất cảnh để lại món nợ lớn cho nông dân, ngày 13/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1560/VPCP-TH do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quang Thắng ký gửi đến UBND TP Cần Thơ yêu cầu UBND TP Cần Thơ kiểm tra sự việc báo nêu và báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/3.


Trước đó, ngày 12/3, đại diện Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam có buổi làm việc với Công ty cổ phần thuỷ sản Bình An và một số hộ dân bán cá để giải quyết nợ giữa đôi bên.

Ông Trần Văn Trí (chồng bà Diệu Hiền) Tổng Giám đốc Bianfishco cho hay, thời điểm này có 2 tập đoàn trong nước định bơm tiền cho các ngân hàng để lấy tài sản của Bianfishco đã thế chấp để đem về một mối, nhằm ngăn việc bán nhà máy Bianfishco.

Cũng theo ông Trí, sắp tới, đối tác nước ngoài mua 80% cổ phần của công ty sẽ làm việc với các ngân hàng để thỏa thuận việc xử lý tài sản của Bianfishco.

Tại buổi làm việc, nhiều hộ dân bán cá được ông Trần Văn Trí hứa trong tháng 3/2012 sẽ trả nợ. Nhưng khi một số chủ nợ đề nghị phía Bình An phải làm cam kết để họ yên tâm thì TGĐ Trần Văn Trí không thực hiện. Ông Trí cho biết bắt đầu từ tuần sau sẽ làm việc với từng hộ để giải quyết nợ nần.

Vụ đòi nợ của nông dân với đại gia thủy sản Bình An vẫn chưa được giải quyết, trong khi ngày ra tòa (16/3) đã rất cận kề

Liên quan đến vụ việc, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay, Đoàn công tác kiểm tra tình hình nợ nần do trưởng Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ (Cepiza) làm trưởng đoàn mới chỉ báo cáo tình hình công ty nợ các hộ dân bán cá khoảng 264 tỉ đồng, còn các khoản nợ ngân hàng bao nhiêu thì chưa rõ vì công ty hẹn thống kê lại trong vài ngày tới.

Ông Sơn cho biết thêm, TP Cần Thơ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho nông dân và Công ty Bình An để thương lượng, giải quyết vụ việc và Cepiza sẽ đảm nhận việc này.

Trong trường hợp chính quyền làm trung gian nhưng vẫn không giải quyết được thì hai bên phải ra tòa án giải quyết vì đây là mối quan hệ mua - bán có hợp đồng, khi có tranh chấp thì tòa án giải quyết.

"Chúng tôi cũng đã họp với tòa án và viện kiểm sát TP, trường hợp nông dân kiện công ty để đòi nợ tiền mua cá, họ sẽ thụ lý. Còn việc nợ nần giữa Ngân hàng ACB với công ty cũng là mối quan hệ hợp đồng tín dụng, chính quyền TP không can thiệp được" - ông Sơn nói.

Trước câu hỏi của PV báo Tuổi trẻ rằng UBND TP Cần Thơ có dự liệu tình huống xấu nhất của công ty Bình An, ông Sơn nói trong trường hợp xấu nhất công ty vỡ nợ thì buộc phải tuyên bố phá sản, xử lý tài sản thế nào thì cơ quan pháp luật làm.

Tuy nhiên nếu trong tình huống xấu nhất, UBND TP sẽ ưu tiên giải quyết quyền lợi công nhân như: các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội... sau mới đến quyền lợi của người nuôi cá bị công ty nợ và tiếp theo là các ngân hàng.

UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Lao động - thương binh và xã hội, Cepiza và Liên đoàn Lao động TP nắm rõ lực lượng công nhân lao động tại đây, chế độ chính sách doanh nghiệp đã giải quyết ra sao, còn gì phải giải quyết tiếp theo nữa không, lương và bảo hiểm xã hội thế nào...

Luật sư đề xuất hai phương án “tái cơ cấu” doanh nghiệp thủy sản Bình An theo hướng có lợi cho nông dân và các nhà đầu tư.
Chiều 13/3, luật sư Nguyễn Trường Thành (Văn phòng luật sư Vạn Lý, đoàn luật sư TP Cần Thơ) đã có văn bản gửi đến các ngành chức năng ở TP Cần Thơ và ông Trần Văn Trí, Tổng giám đốc công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) cùng các hộ nông dân bán cá đề xuất 2 phương án giải quyết nợ của Bianfishco.

Đến nay, vẫn chưa rõ thông tin bao giờ bà Diệu Hiền về nước giải quyết các khoản nợ nần hàng trăm tỷ đồng

Theo đó, Công ty có thể thành lập pháp nhân mới trên cơ sở giao 52% cổ phần của bà Phạm Thị Diệu Hiền và gia đình (tương đương 252 tỉ đồng vốn điều lệ) để thanh toán số nợ 62 tỉ đồng cho Ngân hàng ACB, phần còn lại phân bổ cổ phần theo tỷ lệ cho các chủ nợ là nông dân nắm giữ. 48% cổ phần các cổ đông khác giữ nguyên.

Các cổ đông hiện hữu và các cổ đông mới sẽ thay đổi điều lệ của công ty bầu HĐQT và tổng giám đốc mới, đăng ký lại kinh doanh để tiếp tục hoạt động. Phần bảo hiểm xã hội (BHXH) và tiền thuê đất hàng năm, công ty mới sẽ tiếp tục giải quyết trên cơ sở làm việc với các ngành chức năng và UBND TP.Cần Thơ để xin hưởng chế độ ưu đãi đầu tư đối với một doanh nghiệp mới thành lập.

Phương án hai: Nếu có đối tác mua hoặc Bianfishco có thể bán đấu giá công ty với sự đồng ý của cổ đông, ngân hàng ACB và các chủ nợ là nông dân và thanh toán nợ theo thứ tự ưu tiên: lương công nhân, BHXH, thuế và các khoản nợ nhà nước; ngân hàng ACB; các chủ nợ khác.Nếu còn dư thì gửi vào tài khoản tạm giữ tại một ngân hàng chờ xử lý.

Tuy nhiên, để thực hiện một trong hai phương án trên cần phải có sự ủy quyền bằn văn bản hợp pháp của bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT, là người đại diện theo pháp luật của công ty bởi cho đến nay, trên giấy đăng ký kinh doanh bà Phạm thị Diệu Hiền vẫn là người đại diện theo pháp luật, ông Trần Văn Trí, chỉ làm Tổng giám đốc theo ủy quyền tạm thời.


Phóng viên bị bảo vệ công ty Bình An “giam lỏng”

Chiều ngày 12/3, khi đến Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco - trụ sở tại Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) để dự cuộc họp giữa đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với ông Trần Văn Trí, Tổng Giám đốc Bianfishco, cùng nhiều hộ nuôi cá để bàn cách giải quyết nợ nần, phóng viên Ca Linh báo Người Lao Động đã bị bảo vệ công ty này tạm giữ và ngăn cản không cho tác nghiệp.
 
Đến công ty, sau khi tự giới thiệu là phóng viên báo Người Lao Động, phóng viên Ca Linh được tiếp tân hướng dẫn lên phòng họp trên lầu 1.
 
Tuy nhiên, đợi khoảng 30 phút, Ca Linh và các hộ nuôi cá không thấy Tổng Giám đốc Trần Văn Trí lên nên đã xuống phòng họp dưới lầu và thấy ông Trí cùng đại diện MTTQ Việt Nam đang họp.

Phóng viên Ca Linh vào phòng dự họp, đặt máy ghi âm trên bàn và ra ngoài nghe điện thoại.

Phát hiện máy ghi âm của phóng viên, người của Bianfishco đã yêu cầu bộ phận kỹ thuật của công ty xóa file ghi âm cuộc họp, buộc Ca Linh xuất trình giấy giới thiệu và CMND.

Sau đó, phóng viên được dẫn ra cổng để bảo vệ lập biên bản với nội dung “phóng viên tự ý trà trộn vào Bianfishco để ghi âm”.

Sau khi lập biên bản, ông Nguyễn Định Cường, người phát ngôn của Bianfishco, đã yêu cầu bảo vệ công ty giữ lại giấy giới thiệu, trả máy ghi âm và cho phóng viên Ca Linh ra về.

Thế nhưng, với lý do Ca Linh không chịu ký vào biên bản, một nhân viên bảo vệ của Bianfishco hét lớn: “Nó không ký thì giam nó ở đây” và tạm giữ phóng viên Ca Linh ở công ty khoảng 1 giờ.

Đến khoảng 18 giờ, sau khi có được sự can thiệp của Trưởng Văn phòng báo Người Lao Động tại Cần Thơ, một số nhà báo khác và Trung tá Huỳnh Thanh Cần, Phó Trưởng Công an quận Ô Môn với lãnh đạo Bianfishco, bảo vệ mới trả lại máy ghi âm và thả Ca Linh.

Phương Châu - Sa Hằng