- Liên quan đến khung giá viện phí mới sẽ được áp dụng từ 15/4/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đối thoại trực tuyến với người dân.
TIN LIÊN QUAN

10h sáng hôm nay (ngày 16/3), tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đối thoại trực tuyến với nhân dân về giá dịch vụ y tế.
Cuộc đối thoại nhằm làm rõ những vấn đề như sự cần thiết, nội dung và mức độ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc diện chính sách và hỗ trợ người nghèo khám, chữa bệnh, lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế…

Cùng dự cuộc đối thoại còn có lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế và lãnh đạo một số bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Y tế đối thoại trực tuyến (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tăng viện phí là “yêu cầu rất bức thiết phải làm từ lâu”


Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Tại sao lại tăng viện phí? Phải nói đây là yêu cầu rất bức thiết phải làm từ lâu nhưng có nhiều khó khăn trong thực hiện”. Bộ trưởng cho biết, giá dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995. Trong khi đó, lương cơ bản tới nay tăng 6,9 lần, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành y tế cũng tăng theo thị trường.
Mức thu phí dịch vụ thấp ảnh hưởng rất nhiều đến chất lương khám chữa bệnh. Khi mức thu không đủ cho chi, người bệnh phải mua thêm thuốc, ngay chi phí cho phòng khám chữa bệnh, ga trải giường... cũng rất khó khăn.

Chất lượng dịch vụ y tế thấp nên không khuyến khích người dân tham gia BHYT, người có điều kiện thì đi tìm tới dịch vụ trả tiền. Ngoài ra, với các cơ sở khám chữa bệnh, rất vất vả cho cán bộ y tế, kể cả cán bộ quản lý và các y bác sĩ, không có tiền để mua sắm trang thiết bị.

Độc giả Trịnh Minh Thạnh (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cũng đặt ra câu hỏi: "Nhà nước đã cân nhắc, tính toán như thế nào khi quyết định tăng viện phí vào đúng thời điểm khó khăn như hiện nay?".

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đối tượng mà chúng ta vẫn lo nhất là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn… Với người nghèo hiện nay, Nhà nước hỗ trợ 95%, đối tượng cận nghèo, năm nay hỗ trợ mức đóng bảo hiểm là 75%…

Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 14 điều chỉnh quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Đối tượng dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và nghèo mà mắc bệnh hiểm nghèo như chạy thận nhân tạo, ung thư… cũng được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh...

Về câu hỏi của độc giả Trí Phan: “Mức đóng BHYT cho mọi người khác nhau, nhưng mức hưởng quyền lợi về BHYT giống nhau theo hướng không công bằng ví dụ cán bộ đóng 4,5 % theo lương cao hơn nhiều so với đối tượng người nghèo, hoặc tự nguyện nhưng quyền lợi hưởng BHYT giống nhau”, Bộ trưởng nhấn mạnh: “BHXH là sản phẩm rất văn minh và nhân đạo của nhân loại, vừa mang tính chất dự phòng lúc ốm đau, vừa mang ý nghĩa chia sẻ cho cộng đồng nữa”.

Tăng viện phí có giải quyết được vấn đề quá tải ở các bệnh viện truyến trên?

Lê Thị Phùng (Diễn Châu, Nghệ An) hỏi: “Hiện nay, nhiều nơi có bác sĩ nhưng lại thiếu trang thiết bị, máy móc chẩn đoán bệnh. Bệnh nhân vẫn ùn ùn đổ lên tuyến trên gây quá tải. Khi tăng giá viện phí có giải quyết được tình trạng bệnh nhân vẫn ùn ùn đổ lên tuyến trên gây quá tải?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các cơ sở khám chữa bệnh nói chung, trạm y tế xã, bệnh viện huyện nói riêng sẽ có điều kiện được nâng cấp, ít nhất là mua sắm được dụng cụ khám bệnh cơ bản, chi phí vật tư tiêu hao được đảm bảo, bố trí được chỗ ngồi, chỗ khám chữa bệnh tương đối khang trang. Các chi phí về thuốc, điện nước được đầy đủ, kể cả bảo trì máy móc.

Giám đốc BV tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương cũng nhận định: “Đứng về mặt chủ quan, tôi khẳng định sẽ cải thiện được tình trạng trên. Nhưng mức độ cải thiện thì còn tùy thuộc từng nơi”.

Về vấn đề, bệnh viện lạm dụng chỉ định các xét nghiệm không cần thiết làm khổ cho người bệnh như ở một số bệnh viện có hiện tượng các bác sĩ chỉ định người bệnh đi chụp CT sọ não trong khi họ chỉ bị đau chân, đau tay.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời, với bệnh nhân BHYT, việc lạm dụng này sẽ khó hơn, vì có quy trình điều trị, danh mục vật tư, giá dịch vụ… rất chặt chẽ. Như tôi nói, để khắc phục được vấn đề này, phải có quy trình giám sát chặt chẽ, các bệnh viện phải có bộ phận giám sát.

Sắp tới, Bộ cũng sẽ tính tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề này. Bên cạnh đó, với một số hình thức chi trả tiên tiến, chẳng hạn chi trả trọn gói như tôi đã nói ở trên, hiện tượng này sẽ dần được hạn chế.

Sẽ có bảo hiểm cho người thu nhập cao?

Về tình trạng, số người thu nhập cao ở nước ta hiện đã khá nhiều. Khi ốm đau rất nhiều trong số này vào bệnh viện quốc tế hay ra nước ngoài chữa bệnh. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Trong lòng chúng tôi khi xây dựng chính sách thì rất muốn có các mệnh giá bảo hiểm khác nhau, mức bảo hiểm cơ bản, mức trung bình, cao cấp…

Nhưng hiện nay, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chúng ta xác định mức bảo hiểm cho toàn dân. Trong dự thảo Luật sắp tới, chúng tôi đề xuất Chính phủ trình Quốc hội về những loại hình bảo hiểm khác nhau để người có thu nhập cao tham gia các loại hình bảo hiểm cao cấp”.


Lê Lan