- Trong lúc chồng ở nước ngoài, người vợ bị sẩy thai nhưng giấu nhẹm. Đến kỳ sinh nở bà gọi điện báo với chồng đã hạ sinh một đứa con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, bản xét nghiệm AND đã tố cáo những lời nói kia là giả dối.

TIN BÀI KHÁC

Phiên tòa ly hôn ấy diễn ra vào một ngày giữa tháng 3, trời nắng chang chang như đổ lửa. Thế nhưng, dường như sự oi ả của thời tiết vẫn không “nóng” bằng thái độ của những người trong cuộc. Nguyên đơn trong vụ án ly hôn là người chồng, bị đơn là vợ và chị cũng là người kháng cáo dẫn đến phiên phúc thẩm.

Tráo con để giữ chồng


Hơn 8 năm trước, mặc dù đã ngoại tứ tuần, con cái đã lớn nhưng ông N.V.T. và bà N.T.P. quyết đến với nhau sau lần đầu đổ vỡ. Năm 2004, ông và bà P. chính thức làm giấy đăng ký kết hôn. Vốn là Việt kiều Nhật nên chỉ sau thời gian ngắn chung sống hạnh phúc, ông T. trở lại Nhật, lo làm thủ tục để chuyển vợ cùng sang bên đó để định cư.

Một phiên tòa ly hôn (ảnh minh họa)

Khi ông ra đi, người vợ đã mang thai mấy tháng. Những ngày tháng ở lại Việt Nam, do không may mắn nên đến tháng thứ 5 bà P. sẩy thai. Sợ chồng biết chuyện, bà P. lẳng lặng giấu nhẹm, đến kỳ sinh nở bà điện thoại báo cho chồng biết mình đã hạ sinh một con trai kháu khỉnh là kết tinh tình yêu muộn màng giữa hai người.

Ngay những ngày về nước, ông T. tất tả cùng vợ đi làm giấy khai sinh cho con. Thời gian trôi, qua những lời đồn thổi, ông nghi ngờ đứa con trai không phải là giọt máu của mình. Kết quả xét nghiệm ADN đã chứng minh những lời đồn thổi, những lý lẽ nghi ngờ kia là sự thật. Tin đứa trẻ không phải là con mình làm ông T. như hứng trọn trái đắng. Mâu thuẫn xảy ra, ông khởi kiện ra tòa yêu cầu được ly hôn với vợ. Do đứa trẻ không phải là con mình nên ông không chấp nhận việc cấp dưỡng nuôi con. Về tài sản chung, do vợ chồng không có tài sản chung nên ông không có yêu cầu.

Bà P. không chấp nhận những lý lẽ của chồng. Bà cho rằng sở dĩ ông xin ly hôn vì ông là “kẻ phản bội”. Bà biết ông đã lừa dối vợ, qua lại với người đàn bà khác dẫn đến chuyện hai người có con. Bà vẫn còn thương ông nên mong muốn vợ chồng đoàn tụ, bà không muốn ly hôn.

Tuy nhiên, nếu ông quyết ly hôn thì phải thanh toán cho bà nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con một lần là khoản tiền 1 tỷ đồng, ông cũng phải trả cho bà hơn 115 lượng vàng do bà đã đầu tư xây dựng để kinh doanh trên mảnh đất của ông do anh chị ông đứng tên.

Ra tòa “đòi” công lý


Tại phiên tòa sơ thẩm, ông vẫn giữ nguyên yêu cầu ly hôn. Trước tòa, ông tố vợ là kẻ dối lừa nên không thể chung sống còn người vợ nằng nặc anh ta muốn ly hôn vì “anh ta là kẻ bội nghĩa, bội tình”.

Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, ông T. kể lại câu chuyện như trong lá đơn xin ly hôn ông đã trình bày. Về yêu cầu đòi trợ cấp nuôi con, nguyên đơn cho biết lúc vợ mang thai vì công việc nên ông không thể ở lại Việt Nam chờ đến ngay sinh nở. Ông cũng không ngờ vì thế mà vợ có thể giấu bặt chuyện xảy thai, xin một đứa trẻ về làm con thay thế.

Điều đó, ông không thể chấp nhận, nếu tiếp tục duy trì cuộc sống gia đình hôn nhân sẽ đi vào ngõ cụt, ông muốn được giải thoát. Về việc bà P. đòi thanh toán hơn 115 lượng vàng ông không chấp nhận bởi mảnh đất đó là của gia đình anh trai, ông không liên quan đến tài sản của họ.

Phía bà P. lại khẳng định chuyện bà xin con nuôi là có sự đồng ý của chồng. Khi ông đi Nhật, bà mang thai đến tháng thứ 5 thì bị hư thai. Chồng đi vắng, những ngày tháng một mình vò võ khiến lòng buồn, bà mong có một đứa con cho vui cửa vui nhà. Thế nên bà đã liên hệ trước ngày đứa trẻ được sinh ra để xin về nuôi. Ông biết rõ nên khi về nước ông đã cùng bà đi làm giấy khai sinh cho con.

Về bản xét nghiệm ADN, bà lý giải do chồng muốn ly hôn cho “rộng cẳng” đi với người tình nên mới nghĩ ra cách đi xét nghiệm AND, nói con nuôi không phải con của mình, nghi ngờ đó là con của bà với người đàn ông khác, vì danh dự bà mới làm xét nghiệm AND để chứng minh bà cũng không phải là mẹ ruột của đứa bé. Sau những lý giải lòng vòng, bà buột miệng: “nếu ông ấy không đồng ý thì tôi nhận về ai nuôi, tôi đã lớn tuổi rồi nhận thêm đứa trẻ làm gì cho mệt?”, câu nói vô tình ấy khiến người ta suy nghĩ.

Đối vơi tài sản, bà trình bày do ông T. mang quốc tịch nước ngoài, lúc đó vợ chồng ông chưa làm giấy đăng ký kết hôn nên khi đi mua đất phải nhờ anh trai ông T. đứng tên. Khi ông về Nhật, bà đã một tay vun vén, đầu tư mở quán kinh doanh nên việc ông nói đó không phải là đất của ông để chối bỏ trách nhiệm thanh toán tiền là không có căn cứ.

Cứ thế, phiên tòa căng thẳng với những lý lẽ của những người trong cuộc. Ông nói một đường, bà nói một nẻo, Hội đồng xét xử hỏi và lắng nghe, xem xét chứng cứ những người trong cuộc đưa ra. Giờ nghị án, họ lướt qua nhau với thái độ xa lạ. Khoảng cách giữa hai người là chiều dài chiếc ghế nhưng sao cảm giác xa vời vợi.

Sau khi nghị án, Tòa xét thấy quan hệ vợ chồng giữa ông T. và bà P. không thể hàn gắn nên y án sơ thẩm xử chấp nhận cho ly hôn. Về phần con chung, qua hồ sơ vụ án cho thấy những lời khai của bà P. liên quan đến con nuôi trong suốt quá trình giải quyết vụ án có nhiều điểm chưa thống nhất, không rõ ràng trong khi ông T. không thừa nhận nên tòa bác luôn yêu cầu cấp dưỡng nuôi con của bà P. Về phần tài sản, bà không đưa được chứng cứ chứng minh đó là tài sản của ông T. trong thời kỳ hôn nhân nên cũng không có cơ sở xem xét. Từ đó, Tòa bác toàn bộ kháng cáo của người vợ, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Phiên tòa kết thúc. Chuyện thắng - thua, được - mất đã rõ nhưng sự thật có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Dù thế nào cũng thật tội nghiệp “đứa con nuôi”.

M.Phượng