- 'Giấc mơ ô tô khó thực hiện' và 'không ở đâu phí đổ lên đầu ô tô nhiều như ở Việt Nam' là những ý kiến của số đông bạn đọc VietNamNet tham gia diễn đàn.
>> Chi phí khổng lồ để sở hữu ôtô ở VN
>> "Nuôi" ôtô bằng trả lương cho... sếp lớn
>> Từ 1/6, ôtô xe máy phải đóng phí bảo trì đường
>> Sức ép đè nặng, giấc mơ ô tô tan tành
Giấc mơ dùng ô tô khó thực hiện!
VietNamNet tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của độc giả về tình trạng quá nhiều thuế, phí 'đè nặng' lên chiếc ô tô ở Việt Nam.
Nhiều độc giả thẳng thắn tâm sự, nếu như thế thì 'giấc mơ ô tô' của họ khó thực hiện được.
Độc giả Hoàng Thông (Hà Nội) viết: Tình hình kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp và người dân từ nông thôn đến thanh thị đều chịu một sức ép khủng khiếp về tài chính.
Riêng với giao thông và các thuế, phí dịnh thu trên phương tiện hay khác đi chính là thu trên người dân vào thời điểm này thật khó có sự đồng tình.
'Giấc mơ ô tô khó thực hiện' và 'không ở đâu phí đổ lên đầu ô tô nhiều như ở Việt Nam' là những ý kiến của số đông bạn đọc VietNamNet tham gia diễn đàn. |
Với các mức thuế và phí như hiện nay, mọi người đều có cảm nghĩ rằng giấc mơ cho người Việt được sử dụng ô tô là giấc mơ khó thực hiện.
'Tôi nhận thấy khi xe máy phổ biến thì người nông dân được hưởng nhiều nhất, họ không còn luẩn quẩn quanh lũy tre làng mà tầm hoạt động đã được vươn xa, tri thức cũng phát triển, cuộc sống từng bước khấm khá hơn. Nếu như nông dân có ô tô thì chắc sự thay đổi còn lớn lao hơn.
Nếu như suy nghĩ về khía cạnh là người Việt ta được quyền và phải có các phương tiện tốt để làm việc và nâng cao cuộc sống thì với các mức phí và thuế đánh trên ô tô như hiện nay không thể lý giải được' - độc giả này bình luận.
Thời buổi kinh tế khó khăn nên khi nào có việc cần mới đi. Nếu theo cách tính phí như đề xuất thì mỗi năm tôi tốn phí tương đương 10% giá trị chiếc xe, như vậy có hợp lý không? Tôi cũng không hiểu là cơ sở nào mà qui định xe từ 2000- 3000cm3 đóng phí như thế?"
Độc giả có địa chỉ email antoan..2010@gmail.com đã đưa ra câu chuyện thật của gia đình để phân tích về chuyện phí đối với ô tô hiện nay:
Sau khi có ý kiến đề xuất mức thu phí lưu hành đối với xe ôtô tối thiểu từ 20 triệu đồng/năm, đã có rất nhiều bài báo viết về sự bất cập trong đề xuất này, nhiều hơn thế nữa là rất, rất nhiều các ý kiến phải đối của người dân (đối tượng sẽ phải chịu tác động trực tiếp nếu đề xuất trên là hiện thực).
Đương nhiên tôi cũng là một trong nhiều người sẽ phải chịu tác động trên và đương nhiên tôi cũng thấy băn khoăn, khó hiểu khi đề xuất chủ trương như vậy.
Theo ý kiến của vị Thứ trưởng Bộ GTVT (phát biểu trên chương trình tiêu điểm + thời sự phát sóng trên VTV1) gần đây theo tôi hiểu thì đại ý: Những người đi ô tô là những người có tiền và đương nhiên việc đóng phí như trên là không có vấn đề gì.
Vậy cho phép tôi được trình bày một đôi điều:
- Thứ nhất: so với những người nghèo (không thể mua ôtô hoặc mua nhưng phải đi vay ngân hàng, vay người thân...) thì tôi có tiền hơn họ.
- Thứ hai: so với nhiều người có xe ô tô (loại ít tiền) nhưng phải cố gắng tiết kiệm thì tôi bằng họ.
- Thứ ba: so với nhiều người có xe ô tô (loại đắt tiền) và không phải tiết kiệm thì tôi thua xa, rất xa họ.
Vậy tôi có được gọi là người có tiền theo ý của vị Thứ trưởng trên?
Gia đình tôi có 4 người (hai vợ chồng là công chức), hai con còn đi học, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, nói chung đủ sống ở thành phố xa thủ đô. Mấy năm trước, do tiết kiệm và để thỏa mãn sở thích nên gia đình dành dụm được ít tiền mua chiếc xe Kia morning đã qua sử dụng để thỉnh thoảng đi về quê, đi du lịch... (tôi không phải mất tiền gửi xe ôtô), song thực tế tôi cũng rất ít khi đi vì mức thu nhập có hạn.
Như vậy tôi có được coi là người có tiền để sẵn sàng đóng mức phí 20 triệu/năm không Chắc chắn là không.
Vậy tôi sẽ phải ứng phó bằng cách nào?
- Bán! Không dễ trong điều kiện hiện nay.
- Giữ lại để tiếp tục sử dụng thì huy động tiền để đóng phí bằng cách nào?
- ...???
Ôtô mất quá nhiều phí, thuế
Bạn đọc có địa chỉ email tienlv...@vietsov.com.vn đã phân tích rất sâu sắc về việc chiếc ô tô ở Việt Nam chịu quá nhiều thuế, phí.
Độc giả này cho hay: Qua bài báo của VietNamNet thì đúng là tôi thấy quá phi lý và không có nơi nào trên thế giới mà người dân lại phải bỏ ra nhiều loại thuế và phí cho một chiếc ôtô như vậy.
Tôi chỉ xin lấy ví dụ đơn giản như chúng ta so sánh giao thông bằng phương tiện xe máy và xe ôtô để đưa ra chính sách phù hợp hơn.
Nếu chính sách của nhà nước nhằm bảo hộ cho ngành công nghiệp ôtô trong nước thì thử hỏi hơn 10 năm thực hiện nội địa hoá ngành ôtô có bao nhiêu phần trăm các chi tiết trên ôtô sản xuất và lắp ráp được thực hiện tại Việt Nam?
Chưa kể đến chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm nội địa so với sản phẩm nhập khẩu. Giá cả cũng là một chuyện đáng phải bàn, vì đơn giản giá thành của một chiếc xe trong nước cũng chẳng rẻ hơn so với chiếc xe nhập khẩu là bao.
Nếu chính sách của nhà nước nhằm giảm thiểu lượng xe ôtô trên đường vì cho rằng xe ôtô cũng là một nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông thì hoàn toàn không đúng.
Phần lớn các tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức người đi đường, đặc biệt là ý thức của người đi xe gắn máy không tuân thủ luật lệ giao thông khi đang giao thông trên đường.
Kinh nghiệm đi xe của tôi thấy rằng, khi đi xe ôtô thì người ngồi trên xe ôtô vẫn có ý thức cao hơn so với người ngồi trên xe gắn máy.
Một điểm đáng lưu ý nữa là việc nộp chi phí bảo trì đường bộ cũng không thỏa đáng. Tại sao ở Việt Nam chúng ta đường vừa mới xây vài tháng lại bị hỏng, rồi ổ gà, ổ voi liên tục xuất hiện? Trong khi đó, sang Singapore đi đường thì ít khi (chưa nói là hầu như không) thấy.
Tôi xin phép nêu một số nguyên nhân cơ bản :
1. Việc quản lý trong quá trình xây dựng cầu, đường ở Việt Nam còn quá kém, chưa kể nhiều công trình bị rút ruột một cách trắng trợn do mục đích trục lợi cho một số cá nhân trong chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu và thậm chí đến cả tư vấn giám sát.
2. Xe không đảm bảo chất lượng đăng kiểm để lưu thông (đặc biệt là các loại xe tải) cũng là nguyên nhân dẫn đến trình trạng phá đường, hỏng đường nhanh.
Xe tải hết hạn đăng kiểm thì vẫn chạy vi vu trên đường, thành phần tài xế lái xe tải thì không được đào tạo căn bản, ý thức kém, mà lại là thành phần phức tạp. Xe không đuợc phép gia hạn đăng kiểm nữa thì chỉ cần phong bì là lại được lưu thông trên đường một cách bình thường, giống như là đang làm ảo thuật.
Chúng ta không thiếu gì cách để nâng cao chất lượng công trình, chất lượng xe lưu thông và nâng cao ý thức giao thông của người dân.
Theo tôi, nên đánh thuế và chi phí vào phương tiện xe gắn máy và giảm bớt các loại thuế và chi phí cho xe ôtô, khuyến khích người dân đi ôtô đồng bộ hoá việc quản lý tốt thì ùn tắc và tai nạn giao thông nhất định sẽ giảm.
Vĩnh Lâm (tổng hợp)