- 'Để yên dân và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 sau sự cố nứt đập chảy nước, chúng tôi mong muốn cơ quan chuyên môn độc lập để điều tra nguyên nhân và giám định chất lượng công trình..." - GĐ Sở NN&PTNT Quảng Nam Nguyễn Thanh Quang nói.

Qua đó, để đưa ra biện pháp khắc phục sự cố đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ đập Sông Tranh 2 nói riêng và các hồ đập thủy điện lớn trên địa bàn…

Đây là ý kiến không chỉ của riêng ông Quang mà là đề xuất của hầu hết lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và mong muốn của hơn 800.000 dân sinh sống ở vùng hạ lưu các hồ chứa thủy điện vùng thượng nguồn sông Thu Bồn - Vu Gia.

Cận cảnh những vết nứt trên đập thủy điện Sông Tranh 2 vào sáng ngày 27-3 nước vẫn còn tuôn chảy như thác.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị không nêu tên nói, hiện EVN vẫn chưa đưa phương tiện máy móc hiện đại để đo đạc, khảo sát mà chỉ dựa trên báo cáo của các đoàn công tác vừa qua và quan sát bằng mắt thường thì không có tính thuyết phục.

Theo chân đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam, P.V VietNamNet đã tiếp cận bờ đập chính thủy điện Sông Tranh 2 vào sáng hôm nay (27-3). Nước vẫn tuôn chảy tại hai bên bờ vai của đập chính.

Tại các vết nứt thân đập, ngay nách bên phải của đập xả tràn ở độ cao hơn 80 m, đơn vị thi công đã khoan sâu vào thân đập và bắt ống nhựa loại lớn, đường kính 0,1 m thu gom nước đưa xuống đập. Nước từ vết nứt này được thu gom chảy qua ống nhựa phun trào.

 Cận cảnh thân đập bị thấm nước có màu nâu sẫm

Khi chứng kiến cảnh này, ông Nguyễn Thanh Quang đã phải thốt lên: nước chảy mạnh như thế này không thể nói là 30 lít/giây như Ban quản lý dự án thủy điện 3 báo cáo. Mà lưu lượng nước nếu đo có thể lên đến gấp nhiều lần.

Còn bên nách trái sát cửa tràn xả lũ, nước vẫn tuôn đổ như thác. Bởi đây là khu vực hiểm trở rất khó tiếp cận nên đơn vị thi công chưa đưa ống nhựa vào thu gom nước như bên nách phải cạnh tràn xả lũ.

Toàn bộ mặt bê tông của thân đập từ dưới đáy lên đến giữa thân đều bị thấm nước tràn lan, loang lổ. Mặc dù trong những ngày qua, nhà máy vận hành hết công suất khiến nước lòng hồ tụt sâu xuống hơn 10 m nước.

Trước hiện tượng này, một chuyên gia khí tượng là ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, sự cố nứt đập này là vô cùng nghiêm trọng, không thể xem thường mạng sống của hơn 800.000 dân nơi vùng hạ lưu.

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, qua rà soát các dự án đầu tư xây dựng thủy điện bậc thang trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn và các con sông vùng đầu nguồn miền núi Quảng Nam, hiện có 43 dự án thủy điện đã được phê duyệt và đang khởi công đầu tư xây dựng. Trong đó có 10 dự án thủy điện lớn.

Hiện đã có 3/10 dự án thủy điện lớn hoàn thành đưa vào vận hành là A Vương, Sông Tranh 3 và Đắk Mi 4. Còn lại 7 dự án thủy điện lớn đã khởi công xây dựng trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

Mỗi mùa mưa lũ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và hơn 800.000 dân lại lo lắng lũ chồng lũ và bây giờ là nỗi hoang mang khi sự cố nứt đập Sông Tranh 2 chưa được khắc phục.

Phía dưới đập Sông Tranh 2 đứng từ xa vẫn nhìn thấy vết nứt nước tuôn chảy để lại dấu vết màu sẫm.

Tại cuộc làm việc với lực lượng quân sự tỉnh Quảng Nam và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn với Ban quản lý dự án thủy diện 3 tại công trình đập thủy điện Sông Tranh 2, Thiếu tướng Nguyễn Qui Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 khẳng định: Chúng ta không thể lơ là chủ quan trước sự cố nứt, chảy nước tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh nói riêng và các hồ đập trên địa bàn. Lực lượng quân đội phối hợp với chính quyền địa phương các cấp lên phương án sẵn sàng khi có tình huống xấu xảy ra. 

Theo tướng Nhơn, bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong bất kỳ tình huống nào.

"Phải an dân và giải quyết tất cả vướng mắc mà dự án thủy điện Sông Tranh 2 hiện vẫn còn đang tồn tại như sự cố nứt đập, tái định cư, đất ở… Đây là những vấn đề cấp thiết cần phải làm hiện nay với huyện Bắc Trà My" - Thiếu tướng Nhơn nói.

Kiểm tra tổng thể sự cố nứt đập Sông Tranh 2

"Còn nhiều tranh cãi về sự cố nứt đập hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2. Mặc dù huyện chưa đủ phương tiện và thiết bị cũng như đội ngũ kỹ sư chuyên ngành nhưng chúng tôi vẫn phải thành lập đoàn kiểm tra tổng thể tại khu đập chứa thủy điện sau sự cố nứt này…" - ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.

Ông Đặng Phong nhấn mạnh: Chủ đầu tư không giới thiệu về các điểm rò rỉ bên trong đường hầm với đoàn kiểm tra, chứng tỏ trong ấy có vấn đề. Ngày 28-3, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra tiến hành tổng kiểm tra bên trong hầm và ngoài mặt đập.

"Chính quyền địa phương muốn biết các vết nứt, rò rỉ bên trong lòng con đập này như thế nào. Không thể cứ nói là không có vấn đề gì như chủ đầu tư là chưa thỏa đáng" - ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Trà My nói.

Ông Sơn cũng cho biết kế hoạch cụ thể do UBND huyện đưa ra và sẽ tổng kiểm tra các điểm rò rỉ nước ở đập chính TĐST2 cả bên ngoài lẫn bên trong đường hầm xuyên qua đập.

Đoàn sẽ xem xét tình hình khắc phục các điểm rò rỉ nước để tiếp tục kiến nghị tỉnh, Trung ương có hướng chỉ đạo xử lý dứt điểm sự cố trước mùa mưa lũ năm nay.

Ông Sơn cho rằng, sở dĩ huyện lập đoàn tổng kiểm tra là do hầu hết chuyên gia, nhà khoa học chưa đồng tình với kết luận do Cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng đưa ra là rò do nước thẩm thấu qua các khe nhiệt.

Mặt khác, Cục giám định từng là thành viên tham gia nghiệm thu công trình TĐST2 nên kết luận khó khách quan.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch Hội Cơ học thủy khí VN, Tổ trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật địa lợi (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), người đã trực tiếp khảo sát tại đập cho rằng, hiện tượng nước thấm qua đập TĐST là nghiêm trọng và phải được xử lý khẩn trương.

Không được phép để nước thấm tràn ra mái hạ lưu. Nước thấm trong đập đất thì phải qua tầng lọc trước khi ra phía hạ lưu. Nước thấm trong đập bê tông thì được gom lại trong các hành lang ở thân đập để chuyển xuống hạ lưu theo đường riêng.

Còn dòng thấm xuyên qua đập TĐST chảy tràn ra mái hạ lưu đập phải được khắc phục ngay và triệt để.

Cũng trong chiều hôm nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền sớm kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý triệt để việc thấm nước qua đập chính TĐST2.

UBND tỉnh Quảng Nam còn đề nghị Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng sớm có kết luận chính thức về việc công trình TĐST2 đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối; xác định rõ nguyên nhân thấm nước qua đập chính hồ thủy điện, giải pháp xử lý và các vấn đề khác có liên quan. 

Còn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tổ chức họp báo công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung kết luận của Đoàn công tác Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng để nhân dân được biết.

Vũ Trung