- Câu chuyện thu các loại phí giao thông đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Xung quanh vấn đề này, có rất nhiều lời phát biểu, ý kiến của đại diện các ban, ngành khiến người dân phải chú ý.

Toàn cảnh diễn đàn thu phí ô tô
Chuyện thu phí, thuế đối với ô tô đang rất nóng trên mặt báo cũng như trong dư luận xã hội. Mời quý độc giả theo dõi toàn cảnh diễn đàn thu phí ô tô trên VietNamNet ở đây.


'Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về phí đường bộ'

Trên báo VietNamNet, tại phiên họp sáng hôm qua (ngày 27/3) của Ủy ban Thường vụ về chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội diễn ra vào 5/2012, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, Nguyễn Kim Khoa đề nghị: “Nhân dân đang rất quan tâm đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, phí ôtô vào nội ô giờ cao điểm. Tôi đề nghị phải có báo cáo lên Quốc hội”.

“Người dân trông chờ rất nhiều vào quyết định của Quốc hội”

Cũng tại phiên họp này, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho hay: “Hiện, người dân đang rất quan tâm đến việc Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất thu phí lưu thông phương tiện”.

Ông Pha cũng nhấn mạnh: “Người dân trông chờ rất nhiều vào quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đối với đề xuất này bởi quyết như thế nào dân sẽ phải chịu thế”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng tán thành vì “đề xuất thu phí giao thông đang là vấn đề nóng bỏng, nhiều ý kiến khác nhau”.

Dân trông chờ rất nhiều vào quyết định của Quốc hội đối với đề xuất thu phí giao thông đường bộ.

“Làm đẹp đắt hơn cả đóng phí cho bảo trì đường bộ”

Sáng ngày 21/3, bên lề lễ phát động chương trình lái xe an toàn và ý thức văn hoá giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông trao đổi trên báo Tiền phong: "Nếu bạn mua một thỏi son, phải mấy trăm nghìn, nhưng phí bảo trì đường bộ, bạn chỉ phải đóng 100 nghìn thôi. Thế thì làm đẹp có khi còn đắt hơn cả đóng phí cho bảo trì đường bộ".

Về vấn đề người dân cho rằng mức phí được đề nghị quá cao, Thứ trưởng Đông cũng phát biểu: “Đây là mức phí đã so sánh với các nước trong khu vực, kể cả những nước có thu nhập bình quân đầu người GDP tương đồng Việt Nam. Theo đánh giá của chúng tôi, không phải cao”.

Minh bạch thế nào?

- Các khoản thu phí bảo trì của người dân sẽ được minh bạch thế nào?

Đây là một nội dung chúng tôi đang bàn. Trong thông tư hướng dẫn, ngay khâu kế hoạch sẽ có hội đồng quản lý quỹ có thành phần có tính chất phi chính phủ như phòng thường mại công nghiệp VN. Dưới địa phương cũng có những đơn vị trung gian đại diện cho người dân nói chung. Phải có công khai về kế hoạch sử dụng năm này bao nhiêu tiền dùng vào dự án nào... (Trích bài phỏng vấn Thứ trưởng Đông trên VietNamNet).

“Gánh chịu nặng nhất chính là người dân"

Về vấn đề thu phí giao thông, trên báo Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho rằng: "Các doanh nghiệp vận tải rồi sẽ tăng giá vé, giá cước để bù vào các khoản phí còn đối tượng phải gánh chịu nặng nhất chính là những người dân".

“Thêm vào đó, với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vận chuyển các mặt hàng xuất nhập khẩu, nếu không đủ tiền đóng phí sẽ không được chạy trên đường, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận chuyển hàng hóa và lớn hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế", ông Liên cũng cho biết thêm.

'Thiếu công bằng quá!'

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội hàng hoá TP.HCM nói: “Vấn đề đóng góp với xã hội, với nhà nước thì rõ ràng. Nhưng hàng loạt cách tận thu bằng nhiều loại phí như vừa qua rõ ràng tôi thấy không hợp lý.”

“Thời đại văn minh mà thu phí như vậy thì thấy kém cỏi, thiếu công bằng quá”, ông Trung bức xúc.

'Cần rà soát lại!'

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam: “Các cơ quan quản lý cần rà soát lại tất cả các loại thuế và phí một cách tổng thể, xem xét giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô để giá xe hơi ở Việt Nam ngang bằng, hoặc không quá cao so với các nước trong khu vực. Đồng thời, giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5%”, ông Thanh kiến nghị (trích trong bài 'Thu phí bảo trì đường bộ thì phải bỏ phí xăng dầu' đăng trên VietNamNet.

“Thu phí đường bộ là phi lý”

TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam: “Tôi đã nói rất nhiều lần là việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc là thiếu nhân văn, thiếu công bằng với người dân. Việc thu phí đường bộ là phi lý”.

Ông Thuỷ còn cho rằng: "Mong muốn của Bộ trưởng Thăng là tốt, nhưng giải pháp thì kém".

“Sinh đẻ không có kế hoạch”

Trên VnMedia, luật sư Nguyễn Đăng Quang, Trưởng văn phòng Luật sư Đăng Quang (Hà Nội) trao đổi: “Phí hạn chế xe cá nhân cụm từ phí này chưa quy định trong Pháp Lệnh phí, nay Bộ GTVT tự đẻ ra thì giống như “sinh đẻ không có kế hoạch vậy”, vi phạm luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”.

“Thu phí đường bộ là cần thiết”

"Như các nước giàu họ tập trung thu tất cả qua giá xăng dầu, nhưng với người dân của họ đã quen như thế. Còn ở ta, đóng góp mà xã hội chưa quen thì không nên tập trung tất cả vào làm một. Bởi, nếu gộp tất cả phí vào làm một thì cả xã hội có thể bị sốc", TS. Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường Bộ, Trường Đại Học Giao thông vận tải Hà Nội, trao đổi với trên VietNamNet.

Về việc thực hiện thu phí Bảo trì đường bộ, TS. Nguyễn Quang Toản cho rằng: Chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo công trình giao thông không xuống cấp, an toàn là rất lớn, chiếm khoảng 5-10% tổng mức đầu tư một công trình. Do vậy, việc thu phí bảo trì đường bộ là cần thiết, nhất là trong điều kiện nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ta đang tăng nhanh.

"Đừng đổ mọi gánh nặng lên người dân"

Về câu chuyện phí giao thông, trên báo Giáo dục Việt Nam, TS. Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ủy viên UB Kinh tế Quốc hội, cho rằng: "Đừng đổ mọi gánh nặng lên người dân".

Ông Lịch cũng nhấn mạnh: "Bộ GTVT phải có quan điểm rõ ràng VN nên phát triển hệ thống giao thông theo hướng nào?”

'Bị thu phí, dân sẽ buộc phải chọn phương tiện!'

Trao đổi với báo giới, Phó Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Phí hạn chế phương tiện chắc chắn sẽ có tác dụng. Người dân sẽ buộc phải lựa chọn phương tiện, thậm chí đi bộ.

'Tôi sẽ bán xe!'

Chị Nguyễn Mai Khanh, quận 3, TP.HCM tỏ ra băn khoăn: "Hai vợ chồng đi làm ở gần nhà nên thường đi xe máy, định mua xe để thi thoảng đi chơi và về quê ở Long An. Nhưng tính ra tiền gửi xe, các loại phí …mỗi năm cũng hết 70 - 80 triệu. Với bấy nhiêu tiền thì để dành đi taxi lại tốt hơn. Mỗi tháng về quê một lần, cả đi cả về hết 1 triệu".

Mới mua xe ô tô được hơn một năm, trước tình trạng phải chịu thêm nhiều loại phí mới anh Đỗ Việt Hà, quận 1 đang tính đến giải pháp bán xe.

Hiện tại chi phí cho chiếc xe này đã ngốn của tôi từ 7 -8 triệu/tháng, giờ cộng thêm các loại phí mới không biết sẽ thế nào. Tôi đang suy nghĩ, nếu cứ thế này thì chắc tôi sẽ bán xe này đi rồi mua chiếc xe máy tay ga đẹp, tiền còn lại gửi tiết kiệm có khi lại hay hơn”, anh Hà trăn trở.

Phí tăng, kinh doanh giảm

Chị Thùy Dương, Giám đốc kinh doanh cửa hàng ô tô P.TH trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 tỏ ra ngao ngán: “So với cùng kì năm ngoái, 2 tháng đầu năm nay doanh thu của cửa hàng giảm gần 70%. Trước thông tin người tiêu dùng sẽ phải chịu thêm 3 loại phí mới gây tâm lý chán nản; có lẽ các tháng tiếp theo tình hình kinh doanh của chúng tôi còn giảm sút nhiều hơn nữa”.

"Không nơi nào ô tô mất nhiều phí như ở VN!'

'Giấc mơ ô tô khó thực hiện' và 'không ở đâu phí đổ lên đầu ô tô nhiều như ở Việt Nam' là những ý kiến của số đông bạn đọc VietNamNet tham gia diễn đàn trên VietNamNet.

'Lời thỉnh cầu không chỉ riêng tôi!'

'Việc thu phí bảo trì đường bộ là đúng luật và có nhiều nước đã thực hiện. Tuy nhiên, cách thu như thế nào? Mức thu bao nhiêu lại là một vấn đề rất lớn... Trên đây là lời thỉnh cầu không chỉ của riêng tôi' - Độc giả Trần Quang Vinh (Vũng Tàu) đã có những đề xuất sâu sắc tham gia diễn đàn thu phí ô tô trên VietNamNet.

Lê Lan (Tổng hợp)