- Trong 6 giờ qua, bão số 1 hầu như ít dịch chuyển và mạnh thêm 1 cấp. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ dự báo bão số 1 sẽ di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm.

Hồi 4 giờ ngày 30/3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 350km về phía Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và còn có khả năng mạnh thêm.

Bão số 1 ít dịch chuyển trong 6 giờ qua và đã mạnh thêm (Ảnh: NCHMF)

Đến 4 giờ ngày 31/03, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 230km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 1 tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 4 giờ ngày 1/4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 110km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km.

Do ảnh hưởng của bão khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động rất mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Chủ động phương án sơ tán dân, tập trung cứu hộ ngư dân gặp nạn

Trước diễn biến này, tối ngày 28/3, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TƯ đã có công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và TP HCM cần theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời cho nhân dân để chủ động phòng tránh, nhất là chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm (từ vĩ tuyến 14 đến vĩ tuyến 9).

Ngoài ra, chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ vào diễn biến thực tế của bão để kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu an toàn.

Bộ Ngoại giao liên hệ với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực để tạo điều kiện cho tàu thuyền trú, tránh bão, cứu giúp các thuyền gặp nạn (trước mắt tập trung cứu nạn 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang trôi dạt trên biển).

Các tỉnh cần rà soát và thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, đồng thời chủ động phương án sơ tán dân ở vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và nước dâng cao, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét…

Ngoài ra cần kiểm tra các phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa, đê điều và các công trình đang xây dựng ven biên, ven sông suối...

Thực hiện nghiêm túc trực ban để kịp thời nắm bắt và báo cáo tình hình.

Ngọc Anh