Chẩn đoán viêm phúc mạc thành… tiêu chảy!
Cách đây không lâu, một bệnh nhân tên Đ. ở tỉnh Bạc Liêu “hú hồn” vì may mắn thoát chết sau khi bị bác sỹ tuyến huyện chẩn đoán và chữa không đúng bệnh.
Nhiều bệnh nhân lên tuyến trên khi đã ở mức độ nguy kịch do tuyến dưới làm sai chuyên môn (Ảnh minh họa: N.A) |
Theo đó, khi phát hiện sức khỏe không được bình thường, chị Đ. đã đến bệnh viện Đa khoa huyện để khám tổng quát. Tại đây, chị được làm các xét nghiệm máu, đo điện tim,chụp X quang... Căn cứ vào các xét nghiệm, chụp chiếu này, chị được được chẩn đoán là bị “tiêu chảy nhiễm trùng”. Bác sỹ đã kê cho chị một đơn thuốc để chữa bệnh đúng như chẩn đoán.
Tuy vậy, dù tuân thủ uống thuốc theo đơn nhưng bệnh tình của chị Đ. không giảm. Không những thế, những cơn đau bụng quặn thắt cứ liên tiếp hành hạ đến mức chị đi, đứng không nổi. Nguy hiểm hơn cả là bụng ngày càng chướng to ra.
7 ngày sau, chị quyết định đi từ Bạc Liêu lên Sài Gòn khám tại một bệnh viện trực thuộc thành phố. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện chị Đ. bị viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ chứ không phải bị tiêu chảy như kết quả chẩn đoán của Bệnh viện huyện ở Bạc Liêu.
Lúc này, do ổ ruột thừa vỡ gây nhiễm trùng, chị Đ. được đưa đi phẫu thuật ngay lập tức. Sau khi khỏi bệnh, chị Đ. vô cùng bức xúc bởi nếu như chậm thêm vài ngày thì tính mạng chắc không còn!
Chẩn đoán bệnh u não thành… viêm xoang!
Gia đình ông Nguyễn Văn Ch. (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TPHCM) vẫn chưa hết buồn đau vì sự ra đi của cô con gái 25 tuổi. Điều đáng nói là sự mất mát này đến từ việc một bệnh viện trên địa bàn quận 9 đã khám và chẩn đoán bệnh sai cho con gái ông. Con gái ông mắc bệnh u não nhưng bệnh viện này đã chẩn đoán cô gái bị … viêm xoang!
Việc điều trị không đúng và không kịp thời đã khiến cô gái tử vong. Sau 3 lần nhập viện và mổ ở bệnh viện trên địa bàn quận 9 nhưng không khỏi, gia đình ông Ch. quyết định chuyển con lên bệnh viện 115 TP.HCM.
Tại đây, các bác sỹ cho biết: “Bệnh nhân bị u não chứ không phải viêm xoang và gia đình chuyển viện quá trễ. Bệnh nhân đã tụt não, phù não, tăng áp lực nội sọ, hai đồng tử giãn to, hôn mê sâu. Theo kết quả chụp CT sọ não của Bệnh viện 115, bệnh nhân có u não rất to".
Sau đó gia đình đã phải mang cô gái trẻ về nhà lo hậu sự trong nỗi uất ức.
Gần đây nhất là vụ việc chị T. kiện bệnh viện đa khoa Cần Thơ cắt mất 2 quả thận đang khỏe mạnh khiến chị phải chạy thận nhân tạo.
Chẩn đoán nhầm, bệnh nhân khánh kiệt
Tình trạng chẩn đoán nhầm ở các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là tuyến huyện, xảy ra phổ biến trên phạm vi cả nước. Tại khu vực phía Bắc, có những bệnh nhân khi đi khám ở bệnh viện quận/huyện bị chẩn đoán nhầm là mắc bệnh viêm gan C và mỗi tháng họ phải tiêu tốn cả chục triệu đồng tiền thuốc để chữa trị.
Tuy nhiên, khi đi khám lại trên bệnh viện tuyến TW thì kết quả khiến họ ngã ngửa bởi họ không hề mắc viêm gan C như chẩn đoán trước đó! Điều này không những gây ra tổn hại về sức khỏe mà còn khiến bệnh nhân và gia đình khánh kiệt về kinh tế bởi các loại thuốc đặc trị viêm gan C vô cùng đắt đỏ (trung bình khoảng 4 triệu đồng/hộp, mỗi tuần một hộp, chưa kể các loại thuốc bổ trợ khác).
|
Nhiều bệnh nhân khánh kiệt kinh tế chỉ vì bác sĩ chẩn bệnh không đúng (Ảnh: N.A) |
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa điều trị tâm thần nghiện chất - Viện sức khỏe tâm thần QG - cho biết, bệnh nhân này bị rối loạn tâm trí, cần các biện pháp trị liệu an toàn nhưng bác sỹ tuyến dưới đã “tương” ngay thuốc an thần liều cao khiến bệnh nhân bất đắc dĩ biến thành con nghiện thực sự.
Bác sỹ tuyến trên cũng khổ vì tuyến dưới làm sai
Chia sẻ với VietNamNet, nhiều bác sĩ tuyến TW cho biết, họ đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện trong tình trạng “dở khóc dở cười” vì đã bị tuyến dưới làm cho “khổ sở” khi chẩn đoán sai, dùng thuốc không đúng, chỉ định không đúng. Một bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cho biết đã từng điều trị cho những bệnh nhân ở Hải Dương bị gãy xương quai xanh, có thể xử lý đơn giản nhất là cố định hai đầu xương lại để xương liền dần theo thời gian. Tuy nhiên, ở bệnh viện huyện dưới Hải Dương, bệnh nhân đã được … mổ để bó bột. Kết quả là bệnh nhân không những không khỏi mà vết mổ sưng tấy, nhiễm trùng, hai đầu xương bắt đầu hoại tử. “Làm thế này thì không ổn, xương quai xanh bị gãy, không dập, vỡ nên không phải làm như vậy”, vị bác sỹ nói. Theo bác sỹ trên, việc tuyến dưới làm sai làm bác sỹ tuyến trên gặp khó nhiều hơn. “Nếu được xử lý ngay từ đầu thì bệnh có thể khỏi nhanh. Nhưng vì bệnh vẫn còn, lại bị tác động sai nên việc chữa sau đó sẽ phức tạp hơn vì tình trạng đã ở mức tồi tệ hơn”. |
Ngọc Anh
Bài 3: Mãi quá tải nếu tuyến trên chạy, tuyến dưới … ngồi