- Những tiếng khóc thảm thương vẫn chưa dứt sau vụ chìm xuồng. Xóm nhỏ yên bình bên bờ sông Giồng Ông Tố bắt đầu ngày đại tang định mệnh.
>> Nhói lòng ngày đại tang ở xóm chìm đò
>> Vụ lật đò trên sông, quặn lòng ôm xác bé 1 tuổi
>> Đò lật úp trên sông, 3 trẻ em oan mạng
>> Vụ lật đò trên sông, quặn lòng ôm xác bé 1 tuổi
>> Đò lật úp trên sông, 3 trẻ em oan mạng
Như VietNamNet đã đưa tin, khoảng 8 giờ 40 phút ngày 13/4, vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng xảy ra tại khu vực bến Kích, đoạn sông Giồng Ông Tố (khu phố 1, phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP.HCM) cướp đi sinh mạng 4 người, trong đó có 3 trẻ em.
Không đề phòng tai nạn
Khi lực lượng lượng cứu hộ cứu nạn tìm thấy thi thể cháu bé Nguyễn Kim Quyên (tên thường gọi là bé An, 1 tuổi), nạn nhân xấu số cuối cùng trong vụ chìm xuồng cũng là lúc bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1966 ngụ KP1, phường Bình Trưng Tây, quận 2 )- người chèo xuồng đã quỵ ngã vì đau xót. Bà Xuân không ngừng gào khóc: “không thể tin lại xảy ra cơ sự này”.
Bà Xuân- người điều khiển chiếc xuồng trong vụ tai nạn |
2 người đàn ông trong xóm phải dìu 2 bên đưa bà Xuân về nhà. Tiếp cán bộ phường Bình Trưng Tây quận 2, ánh mắt người đàn bà mang tiếng “tội đồ” trong buổi sáng định mệnh vẫn còn nguyên vẻ bàng hoàng, đau xót.
Theo lời bà Xuân, khoảng 8h30’ sáng ngày 13/4, bà Xuân điều khiển chiếc xuồng vẫn hay sử dụng để đi thả lưới cá chở 7 người khác đi lễ vía bà ở Miễu Phú Hòa bên kia sông.
Khi ra gần giữa dòng, nước bắt đầu tràn vào xuồng, đến lúc chỉ còn cách bờ khoảng 5 mét, bọn trẻ háo hức lên bờ nên đã nhảy nhót khiến chiếc xuồng nhỏ chòng chành rồi lật úp.
Theo ghi nhận của VietNamNet, chiếc xuồng trong vụ tai nạn thương tâm trên chỉ dài 3m, rộng 0,9m nhưng đã chở 8 người.
Chị Hoà, một người sinh sống trong khu phố 1 còn cho biết: “Đúng ra tôi cũng có mặt trên chiếc xuồng “xấu số” này, nhưng sáng nay, khi định bước lên xuồng, thấy bọn trẻ nhảy nhót không ngừng nên tôi không đi nữa. Nào ngờ được chỉ 10 phút sau, chiếc xuồng bị lật”.
Cảnh lực lượng cứ hộ vớt được xác cháu bé gần 13 tháng tuổi khiến nhiều
người trên bờ bật khóc. |
Nhiều người dân trong khu vực cho biết, đã nhiều năm nay, việc qua lại 2 bên bờ bằng xuồng ở khúc sông này không cần áo phao cứu sinh vẫn diễn ra bình thường. Theo phong tục của người dân, cứ vào ngày 23/3 âm lịch hàng năm, mọi người bao gồm cả đàn ông, đàn bà lại qua Miễu Phú Hoà cúng bái.
Nếu tính từ thời điểm tháng 05/2007 đến nay, sau vụ tàu Gas Shanghai đâm vào tàu Hoàng Đạt 36 trên sông Sài Gòn (khiến 8 thuỷ thủ thiệt mạng) thì đây là vụ tai nạn đường thuỷ gây thiệt hại về người thảm khốc nhất tại TP.HCM.
Những con số biết nói
TP.HCM hiện có hơn 1.400 tuyến đường biển, sông, kênh, rạch được quản lý bởi các cơ quan: Cục Hàng hải, Cục Đường sông và Sở Giao thông Vận tải, ước tính tiềm ẩn “điểm đen” cũng hàng trăm điểm.
Những tuyến đường thủy nằm trong báo động đỏ gồm có: Tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai qua ngã Rạch Chiếc; tuyến thủy nội địa nối ngã ba Đèn Đỏ - Nhà máy Xi măng Hà Tiên I qua rạch Giồng Ông Tố…
Trong năm 2011, qua kiểm tra bến bãi và phương tiện thủy cơ quan chức năng đã phát hiện 3.164 trường hợp vi phạm tăng 12% so với năm 2010. Xử phạt hành chính là 846 trường hợp, tăng 15% so với năm 2010.
Ngày đại tang ở xóm nhỏ bên sông Giồng Ông Tố |
Báo cáo của Phòng quản lý giao thông đường thuỷ cho thấy, trong năm 2011 đã xảy ra 18 vụ TNGT đường thủy (tăng 1 vụ so với năm 2010), trong đó làm chết 7 người (tăng 7 người so với năm 2010), bị thương 2 người (tăng 2 người so với năm 2010).
Về chỉ tiêu đăng ký năm 2012 (năm An toàn giao thông), khối giao thông đường thuỷ cũng dự kiến kéo giảm 50% số vụ tai nạn, số người bị thương và số người chết.
Sau nhiều nỗ lực của các sở ngành, kết quả 3 tháng đầu năm 2012, TP.HCM xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ, ko có người chết và bị thương, giảm 25 % số vụ so với cùng kỳ.
Chưa kịp mừng vì thành tích này, khi mới gần qua nửa tháng 4, vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra tại sông Giồng Ông Tố đã xảy ra cướp đi một lúc sinh mạng 4 người, số người chết đã chiếm quá nửa tỷ lệ người chết vì giao thông đường thuỷ trong cả năm 2011.
Ông Hứa Ngọc Thảo- Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, khuyến cáo người dân không nên sử dụng xuồng nhỏ chở người qua lại, đặc biệt là trẻ em. Và trên thực tế khu vực mà người dân sử dụng để neo đậu xuồng kia cũng chỉ là bến “cóc”. Sau vụ việc này, quận 2 sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông đường thuỷ và Sở giao thông vận tải kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh tình trạng an toàn giao thông đường thuỷ trên địa bàn”.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Văn Trường - Trưởng văn phòng luật sư Trường, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Theo Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa, phương tiện bà Xuân sử dụng thuộc loại phương tiện thô sơ trọng tải dưới 1 tấn thì không được phép chở quá 5 người.
Chưa xét tới vấn đề phương tiện mà bà Xuân đem vào sử dụng có được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đảm bảo an toàn hay không, nhưng thực tế, bà Xuân đã chở tới 7 người là vi phạm luật.
“Hành vi vi phạm pháp luật của bà Xuân khả năng đủ yếu tố cấu thành: “ Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” quy định tại điều 214 của Bộ luật hình sự. Vì có tới 4 người chết trong vụ tai nạn nên nếu bị kết tội, bà Xuân sẽ bị truy tố ở Khoản 3 điều 214 với hình phạt từ 7 đến 15 năm tù giam”, luật sư Trường nói.
Quốc Quang