- Kinh tế đình đốn khiến hàng loạt doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc sa thải nhân công đã đẩy nhiều người lao động đến tình thế bị mất việc làm. Trong khoảng thời gian bĩ cực này, người lao động mất việc làm chỉ còn cách bấu víu vào khoản bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ít ỏi để duy trì cuộc sống, chờ công việc mới.

>>Chen chân đi đăng ký thất nghiệp
>>Nỗi lo thất nghiệp
>>'Bão' thất nghiệp sắp đổ bộ?

Bấu víu bảo hiểm thất nghiệp

Có mặt tại phòng đăng ký BHTN (TT giới thiệu việc làm Hà Nội - thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội) cuối tháng 4 vừa qua, chị Nguyễn Thị Bích Diệp, 38 tuổi, công nhân công ty sắt Hà Nội cho biết, do công ty tiến hành sắp xếp lại việc làm và quy mô sản xuất nên đã cho một loạt lao động nghỉ việc, trong đó có chị.

Rất đông người lao động đến đăng ký và nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau khi bị mất việc làm (Chụp tại phòng Bảo hiểm thất nghiệp sáng 26/4. Ảnh: N.A)

Thời gian nghỉ việc của chị Diệp bắt đầu từ tháng 1/2012, từ đó đến nay đối với chị và gia đình là vô cùng khó khăn, bởi chồng chị cũng chỉ là công nhân.

Sau khi tìm hiểu, tôi đã sử dụng BHTN để có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống trong lúc chờ tìm được công việc mới”, chị Diệp nói. Do lương thấp (hàng tháng chưa tới 3 triệu), nên mức hưởng BHTN cũng chỉ trên 1 triệu đồng/tháng. Tuy không thấm là bao nhưng cũng phần nào giúp chị và gia đình bớt khó khăn.

Cùng chung tình cảnh đó, chị Tô Thị Hồng, công nhân nhà máy số 2, Công ty kim khí Thăng Long chia sẻ, những năm trước, mỗi tháng nếu cả tăng ca thu nhập của chị cũng ngót 3 triệu/tháng, cộng với thu nhập của chồng cũng đủ đảm bảo cuộc sống của một gia đình ở vùng ven huyện Từ Liêm. Nhưng khoảng hơn một năm trở lại đây, việc làm ở công ty chị rất phập phù.

Mô tả về tình trạng việc làm của mình, chị Hồng nói: “Ngày có việc làm ít hơn ngày rỗi rãi, có khi một tuần công nhân lại nghỉ 2-3 ngày vì hết việc. Chờ đợi mãi mới có việc trở lại nhưng chỉ làm 2-3 ngày là lại hết, vì ai cũng cố tăng sản lượng của mình lên. Vì thế, tháng nào được nhiều nhất cũng xấp xỉ 2 triệu, còn lại trung bình chỉ trên 1 triệu là cùng”.

Việc công ty chuyển từ Đông Anh sang Gia Lâm như giọt nước làm tràn ly, khiến chị quyết định nghỉ việc vì “đi từ Từ Liêm sang Gia Lâm làm việc thì tiền lương hàng tháng không đủ tiền xăng xe, chưa kể tiền ăn uống”.

Kể từ tháng 3, chị Hồng trở thành người thất nghiệp và sống dựa mức bảo hiểm thất nghiệp ngót nghét 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chị phải nuôi con nhỏ 4 tháng, chồng cũng chỉ làm công nhân.

Được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng, có nghĩa là đến tháng 9/2012, chị Hồng phải “tự bơi” hoàn toàn.

Người lao động bị sa thải hàng loạt

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng BHTN (TT giới thiệu việc làm Hà Nội) cho biết: Tính từ đầu năm 2012 đến hết tháng 4/2012 đã có 7.324 người lao động đến đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp và 6.894 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2011 (cả năm 2011 có trên 16.000 người).

Điều đáng chú ý là trong số những người lao động mất việc làm thì có tới 63% là lao động phổ thông; 35% là trình độ ĐH, CĐ và 2% là các đối tượng khác bị sa thải.

Khu vực niêm yết thông tin tìm việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội luôn chật kín người lao động thất nghiệp. (Ảnh: N.A)

Trong những khu vực sa thải người lao động thì khu vực doanh nghiệp tư nhân, các công ty TNHH chiếm tới 66%. Khu công nghiệp Quang Minh, Sóc Sơn là nơi có nhiều lao động bị sa thải nhất. Trong tháng 4 có trên 2.000 lao động ở 29 quận, huyện toàn thành phố mất việc làm thì có tới trên 1.000 lao động đến từ các khu công nghiệp thuộc huyện Sóc Sơn.

Nếu chia theo lĩnh vực, ngành nghề thì bà Loan cho biết lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm phần nhiều, sau đó đến lắp ráp ô tô, xe máy,… Năm 2011, công nhân lĩnh vực may mặc bị sa thải nhiều nhất.

Theo lý giải của bà Loan, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng người lao động trên địa bàn thủ đô mất việc làm là do suy giảm kinh tế.

Tình hình thất nghiệp tại TP HCM và Bình Dương còn ở mức căng thẳng hơn bởi thị trường lao động ở đây rất rộng lớn. Theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) thì tại TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi tháng có 40 tỷ đồng được chi để trả cho BHTN.

Số lao động đăng ký thất nghiệp năm 2011 lên đến 105.737 người, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Riêng tháng 1/2012, số người đăng ký BHTN là 8.996 người, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước và tăng đến 194% so với tháng 12/2011.

Chỉ trong tháng 4 năm 2012 (từ 20/3/2012 đến 20/4/2012) TT giới thiệu việc làm Bình Dương đã tiếp nhận 10.316 người đăng ký BHTN, số người nộp hồ sơ hưởng là 7.183 người, tăng mạnh so với các tháng đầu năm.

Nửa triệu người thất nghiệp?

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa có thống kê cụ thể về số người lao động mất việc trong cả nước nhưng thông tin về con số 79 ngàn doanh nghiệp giải thể và phá sản, và có thể tiếp tục tăng thêm càng làm tăng nguy cơ thất nghiệp cho người lao động.

Chỉ ước tính riêng con số mỗi doanh nghiệp có thể có ít nhất 5-10 lao động thì con số người lao động mất việc đã có thể là hơn nửa triệu người!

Ngọc Anh

(còn nữa)