- Bài: ‘Bão’ thất nghiệp sắp đổ bộ đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Quản lý, điều hành kém cỏi, doanh nghiệp ‘chết hàng loạt’?

Email gaukhocute@gmail.com viết: “Bài báo rất hay. Tôi còn thấy hiện trạng: Lao động phổ thông thì thất nghiệp tràn lan, còn doanh nghiệp cần nguồn lao động có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thì thiếu lên thiếu xuống; trong khi mỗi năm, sinh viên ra trường, trên 80% thất nghiệp, hoặc tìm việc không đúng với chuyên ngành mình học. Trường đại học ngày một nhiều, nhưng cho ra chất lượng lao động thì quá tệ... 4, 5 năm trên giảng đường cũng chỉ mài quần trên đống lý thuyết, tốn tiền của gia đình. Thay vào đó, hãy tinh gọn lại chương trình đào tao, và tăng thời gian thực tập, làm quen với công việc thực tế.

Đề nghị Nhà nước và các Bộ, các công chức hãy phân công rõ ràng và quy định trách nhiệm về việc giải quyết nguồn lao động.”

Tán đồng của email duongquangduy@gmail.com: “Một bài viết cảnh tỉnh các vấn đề xã hội có nguồn gốc từ kinh tế. Thực ra thì nạn thất nghiệp chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế của Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng.....Suy cho cùng lỗi quan trọng nhất là do sự điều hành kém cỏi dẫn đến cái ‘chết’ hàng loạt xảy ra đối với các doanh nghiệp, giống như một đợt dịch. Các ‘con bệnh’ ở đây là các doanh nghiệp. DNTN cũng giống như những bệnh nhân không có sổ bảo hiểm y tế. Các DNNN thì giống như những công chức có sổ BHYT nên không lo, vì đã có Chính phủ đỡ đầu. Có lẽ đây là một sự không công bằng của nền kinh tế.

Nếu xâu chuỗi lại các sự kiện thì chúng có liên quan đến nhau, từ giao thông, giáo dục, y tế, tài chính...tất cả chỉ vì những cái lợi cho một nhóm mà về tổng thể thì gây hại cho toàn xã hội. Trong đó những nhóm lợi ích liên quan đến nhau như: Ngân hàng- Bất động sản- Doanh nghiệp nhà nước.”

Ảnh minh họa
Ý kiến của email suny_hp@yahoo.com: “Quản lý yếu kém dẫn đến thất thoát tiền ngân sách nhà nuớc. Hôm nọ nghe công bố sai phạm ở cách cơ quan doanh nghiệp đuợc thanh tra lên đến mấy trăm tỷ đồng.Tiền dân cứ góp, thất thoát cứ thất thoát. Kiểu điều hành kinh tế thế này thì có sinh ra một cái nhà máy in tiền thì vẫn không đủ.”

Email nguyenthanhtung2001@yahoo.com phụ họa: “Do chính sách lãi suất cao ngất ngưởng gấp mấy lần các nước trong khu vực, thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí. Tưởng rằng gia nhập WTO sẽ sướng hơn, nào ngờ lại khổ hơn.”

Góc nhìn của bạn Nguyễn Hồng Vĩnh (email nhvinh60@yahoo.com): “Nếu các doanh nghiệp nhà nước không đầu tư tràn lan dẫn đến lỗ như Vinashin, PVN, EVN v.v thì có lẽ đất nước không bị ngập sâu vào suy thoái như vậy. Lạm phát của VN đứng hàng đầu châu Á.”
Góc nhìn khác của email young_prince_89@yahoo.com.vn: “Cứ xét chỉ số ICOR (Incremental Capital Output), ICOR lớn có nghĩa là chúng ta phải mất một lượng tư bản lớn để tạo ra một giá trị GDP gia tăng, ví dụ ICOR là 8 nghĩa là để tạo ra 1 đồng GDP gia tăng chúng ta phải đầu tư 8 đồng. ICOR qua các năm của VN như sau: 2001-2003: 5,24 | 2004-2006: 5,04 | 2007-2008: 6,15 | 2009: 8,0. Có nghĩa là đầu tư công càng ngày càng kém hiệu quả. So sánh với ICOR của Trung Quốc (4,0), Thái Lan (4,1), Hàn Quốc (3,0), Đài Loan (2,7) là đủ hiểu VN ta đang lâm vào tình cảnh như thế nào.”

Bạn Quang Hòa (email quanghoa02@yahoo.com) lo lắng: “Mỗi một người thất nghiệp là một nhân tố gây mất ổn định tiềm tàng cho xã hội. Vì thế, từ nay đến nuối năm rất có thể số vụ trộm cắp, cướp giật, giết người… sẽ tăng lên.”

Email chunglnda@yahoo.com đặt câu hỏi: “Thực trạng nền kinh tế thì như vậy nhưng các ông Bộ trưởng lại tham mưu cho nhà nước tăng thuế, tăng phí là nghĩa làm sao?”

“Thực trạng nền kinh tế hiện nay rất khó khăn, Chính phủ hãy đẩy nhanh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách kịp thời. Thời điểm này mà còn suy xét kỹ và làm các trình tự thủ tục cho các doanh nghiệp được hỗ trợ, có lẽ đến khi tên doanh nghiệp có trong danh sách hỗ trợ thì doanh nghiệp đã phá sản và hàng vạn người thất nghiệp”, đó là ý kiến của email phamtuandlna@gmail.com.

‘Rút củi đáy nồi’ để kinh tế phát triển bền vững

Lập luận của email tapdoandautu@yahoo.com: “Thất nghiệp do doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp khó khăn hiện nay do thiếu vốn và chi phí vốn cao.

Vậy thiếu vốn do đâu? Câu trả lời là do nhiều năm đầu cơ quá nhiều vào bất động sản và chi tiêu xa xỉ cộng với thất thoát ở doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy hãy tập trung vào giải quyết vấn đề trên, hy sinh một số lợi ích nhóm để ‘rút củi đáy nồi’ thì kinh tế mới phát triền bền vững.”

Email sonngahuy@yahoo.com phân tích: “Trước thực trạng các doanh nghiệp giải thể do đó hàng vạn người lao động thất nghiệp, xã hội sẽ gặp phải nhiều vấn đề phức tạp mà nguyên nhân chính do sự phát triển các dự án xây dựng không có kiểm soát những năm qua, doanh nghiệp đổ xô vào là dự án BĐS, nay biết bao diện tích đất nông nghiệp bị mất vì xây dựng dở dang, ngành sản xuất VLXD không tiêu thụ được. Trong khi đó một số hàng thiết yếu như điện, xăng dầu tăng giá, đặc biệt Bộ GTVT đưa ra ý kiến thu thêm nhiều loại thuế, phí làm cho người dân càng túng bấn và bất an. Không rõ Chính phủ sẽ có kế hoạch gì cho mấy năm tới?”

Ý kiến của email viethung.doan@ymail.com: “Đề nghị Chính phủ không cần cấu trúc lại Tập đoàn nhà nước mà phải chuyển toàn bộ sang tư doanh hóa-số tiền nhà nước trong các ngân hàng chủ yếu là các ông này nuốt vốn đến 70% thì làm sao đến tay doanh nghiệp tư nhân? Mấy năm trước, gói kích cầu 4% người dân nhận được chỉ đếm trên đầu ngón tay. số còn lại bị tham nhũng, thất thoát, khiến hàng loạt giám đốc -tổng giám đốc bị khởi tố. Chính phủ hãy cho ‘quốc doanh về hưu’, vì đây là bầu sữa của bọn tham nhũng đang hủy hoại đất nước này.”

Theo email hoabddsvip1@gmail.com thì: “Nhà nước đã có một số biện pháp hỗ trợ doanh nhiệp như giảm 50% thuế thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đáng kể vì mỗi doanh nghiệp sử dụng đất không nhiều, doanh nghiệp lại kinh doanh có lãi cũng không cao nên thuế thu nhập cũng không lớn. Biện pháp khẩn cấp bây giờ là yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện ngay cho vay với trần cho vay là 15% để doanh nghiệp qua cơn nguy kịch, từ nay đến hết quý 3 mà không giảm được trần cho vay xuống 15% thì các doanh nghiệp còn cực kỳ khó khăn phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan.”

Email leanh@gmail.com cho rằng: “Lâu nay chúng ta không quan tâm đến thất nghiệp, mới chỉ mua bảo hiểm thất nghiệp vài năm nay thôi. Tôi nghĩ tiêu chí này là đứng đầu để nó phản ánh nền kinh tế đó phát triển hay trì trệ. Các tiêu chí giá CPI, hay XNK, tỷ giá ổn định… đừng vội mừng, vì các doanh nghiệp ‘chết’ hết rồi nên nhu cầu về ngoại tệ không cao thôi.”

Bạn Nguyễn Minh (email tranminhit@yahoo.com đề xuất: “Cái quan trọng nhất trong giai đoạn này là tái cấu trúc doanh nghiệp phải triệt để, Chính phủ phải làm quyết liệt, xử lý nghiêm minh những nhà quản lý để doanh nghiệp phá sản do chủ quan, do xem thường pháp luật, những đơn vị kinh tế làm ăn không hiệu quả phải chịu trách nhiệm về đạo đức xã hội, xử lý kiên quyết người đứng đầu. Những người đứng đầu doanh nghiệp hiện nay đều không đáp ứng được thời đại, tư duy không theo kịp với thực tế, tham nhũng trong khối doanh nghiệp nhà nước rất nghiêm trọng.”

Email nguyenkimchung060162@yahoo.com phân tích nguồn gốc sâu xa của tình trạng hiện nay:

1- Các ngành, các tập đoàn đầu tư dàn trải ngoài luồng quá nhiều, nhất là đổ tiền vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, bất động sản, các khu ăn chơi hưởng thụ. Đầu tư chiều sâu vào chất xám, vào công nghệ theo ngành dọc để tạo nên xương sống nền kinh tế bền vững thì ít, vì vậy không cạnh tranh đựợc với chuỗi giá trị chung trong khu vực và trên thế giới, dẫn đến tất cả đều rất ‘dễ vỡ’.”

2- Nền công nghiệp rất manh mún dàn trải, lấy số đông át số sâu. Sản phẩm công nghiệp không đạt đựợc các chỉ tiêu cạnh tranh, như công nghiệp ôtô, xe máy và điện tử…nên dễ bị Hàn Quốc và Trung Quốc đè bẹp.

3- Tình trạng tham nhũng tràn lan, lối sống xa hoa hưởng lạc, tình trạng lãng phí tài nguyên vật lực từng ngày làm suy mòn nội lực quốc gia làm cho dòng tài chính đầu tư vào các đại công trường bị còi cọc và chắp vá .

4- Tình trạng quan liêu, vô trách nhiệm của nhiều viên chức trong bộ máy công quyền và bộ máy quản lý các DNNN, dẫn đến độ trễ của dây chuyền quá mức cho phép - tạo nên sức ỳ và trì trệ của cả guồng máy - trong đó có guồng máy kinh tế.

Cộng hưởng tất cả những yếu tố trên đến một lúc nào đó, như bây giờ chẳng hạn - sẽ dẫn đến thua lỗ, phá sản, ngưng trệ sản xuất - và ‘bão’ thất nghiệp sẽ bùng lên dữ dội.”

Ban Bạn đọc